Thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn ưu đãi

Trúc Phương |

Những năm gần đây, thông qua nguồn vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã kịp thời được tiếp sức, từ đó có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước đây, hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Ngọc Viễn (sinh năm 1984) ở khu phố Vĩnh Tiến, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh gặp rất nhiều khó khăn. Sau này, nhờ chịu khó làm ăn, chắt chiu, vợ chồng anh mới có cơ hội thoát nghèo. Để có thêm thu nhập trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình, chăm lo cho các con, thoát nghèo bền vững, đầu năm 2019, thông qua sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Vĩnh Linh, anh Viễn được vay 60 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo. Số tiền này được vợ chồng anh đầu tư xây dựng, sửa sang chuồng trại và mua lợn giống về nuôi.

Phát triển diện tích cây hồ tiêu từ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo ở Vĩnh Linh - Ảnh: T.P
Phát triển diện tích cây hồ tiêu từ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo ở Vĩnh Linh - Ảnh: T.P

Chị Luận, vợ anh Viễn cho biết, lựa chọn phát triển kinh tế bằng chăn nuôi vừa có thể thu hồi vốn nhanh lại giúp chị tranh thủ làm được nhiều việc cùng một lúc, có thời gian chăm sóc nhà cửa, con cái. “Từ 5 - 6 con lợn ban đầu, đến nay đàn lợn của gia đình tôi đã phát triển thành 18 - 30 con. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, vợ chồng tôi có thêm điều kiện mở rộng việc làm ăn, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập. Đời sống gia đình cũng nhờ đó mà được nâng cao”, chị Luận chia sẻ.

Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Thỏa (sinh năm 1978), ở thôn Tân Trại, xã Hiền Thành, nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo đã giúp vợ chồng chị không còn thấp thỏm nỗi lo thiếu vốn sản xuất. Được biết, gia đình chị từng là hộ nghèo nhiều năm. Nhà bốn người, tuy có sức lao động nhưng lại thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế khiến gia đình chị cứ luẩn quẩn trong nghèo túng. Năm 2020, sau khi nỗ lực thoát nghèo, gia đình chị được Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để trồng cây hồ tiêu. Theo đó, toàn bộ số vốn được chị dùng để mua mới giống tiêu, cây trụ, phân bón...

Chị Thỏa cho hay: “So với việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại, lãi suất của Ngân hàng CSXH thấp hơn, khoảng 8,25%/năm. Điều này đã phần nào tiếp thêm động lực để chúng tôi cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững”. Chị cũng chia sẻ thêm, hiện tại các khoản thu từ 3 sào hồ tiêu cùng vườn cao su đã giúp cuộc sống của gia đình chị ổn định hơn. “Thời gian tới, tôi dự định sẽ tiếp tục vay vốn ưu đãi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập”, chị Thỏa bộc bạch.

Anh Viễn hay chị Thỏa chỉ là 2 trong nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi theo chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo. Thông tin từ Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh cho hay, tính đến cuối tháng 2/2022, tổng dư nợ của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trong toàn huyện là hơn 62 tỉ đồng với 1.173 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo hầu hết được người dân sử dụng đúng mục đích, đầu tư có hiệu quả vào các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ. Nhờ vậy mà người vay vốn đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, có thêm thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Đặc biệt, trong gần 3 năm nay, trước những ảnh hưởng nặng nề do COVID-19 gây ra, nguồn vốn tín dụng này đã hỗ trợ rất kịp thời cho người dân sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng tái nghèo trở lại. Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh Thiều Quang An cho hay, nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng CSXH huyện chủ yếu là vốn trung hạn nên áp lực trả tiền gốc ít.

Thêm vào đó, để tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục khó khăn do dịch bệnh, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2021 đến 31/12/2021 vừa qua, Chính phủ đã giảm 10% lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với nguồn vốn ngân sách địa phương huyện. Điều này giúp người dân mạnh dạn đầu tư tái sản xuất theo điều kiện thị trường, điều kiện thời tiết và lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp để mang lại hiệu quả cao.

“Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo được coi là một trong những chương trình tín dụng có sức lan tỏa lớn, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hộ dân. Nguồn vốn này kịp thời tiếp sức cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Với những kết quả đạt được, tín dụng chính sách cho vay hộ mới thoát nghèo đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới”, ông Thiều Quang An đánh giá.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xây dựng trang trại đa cây, đa con

Minh Long |

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế quỹ đất sẵn có, cùng với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương thuận lợi, vợ chồng anh Nguyễn Bắc - chị Phạm Thị Mai ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp rộng trên 2 ha khá bài bản. Với hình thức lấy ngắn nuôi dài, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, trang trại của gia đình anh chị cho nguồn thu nhập cao và bền vững.

Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong thời tiết giá rét

Lê An |

Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa lớn kết hợp với rét đậm kéo dài làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loại cây trồng, sức khỏe của đàn vật nuôi.

Năng suất hồ tiêu giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm

Thanh Lê |

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong năm 2021, năng suất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giảm gần 50% so với trung bình nhiều năm, ước đạt từ 6-6,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.487,7 tấn.

Người duyên nợ với cây hồ tiêu Vĩnh Linh

Lâm Thanh |

Quê ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đơn vị công tác đóng ở thành phố Đông Hà nhưng anh Lê Tấn Tửu, sinh năm 1978, cán bộ kỹ thuật tổ chức Roots of Peace (ROP), đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh lại chọn nơi sống là huyện Vĩnh Linh bởi “duyên nợ” với cây hồ tiêu trên mảnh đất này.