Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra mưa lớn kết hợp với rét đậm kéo dài làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loại cây trồng, sức khỏe của đàn vật nuôi.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và nông dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra.
Tập trung chống rét cho cây trồng
Vụ đông xuân năm nay gia đình bà Lê Thị Hoa ở xã Gio Châu, huyện Gio Linh gieo sạ được gần 7 sào lúa. Hiện cây lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh. Dù thời tiết mưa rét, nhiệt độ xuống thấp nhưng những ngày qua bà Hoa vẫn thường xuyên thăm đồng, điều chỉnh mực nước trên ruộng từ 2 - 3 cm, không để ruộng bị khô cạn. Theo kinh nghiệm của bà Hoa, khi có đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nông dân cần duy trì lớp nước mặt ruộng để giữ ấm cho cây lúa. Không bón phân đạm hay phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa vào những ngày rét đậm, rét hại. Khi thời tiết ấm trở lại cần lấy thêm nước vào ruộng, bón phân thúc và kết hợp làm cỏ, tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển và cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh mạnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 25.900 ha lúa, xuống giống được 2.600 ha ngô, 2.600 ha lạc, 9.500 ha sắn và trên 3.000 ha rau đậu các loại. Bên cạnh đó, còn có hàng chục ngàn héc ta cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả… đang nuôi quả, phân hóa mầm hoa, ra hoa, ra lá mới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền lưu ý, đây là đợt rét có nhiệt độ xuống thấp và kéo dài trùng với giai đoạn các loại cây trồng đang sinh trưởng, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng là rất lớn, đặc biệt là rụng hoa, rụng quả trên các loại cây công nghiệp, cây ăn quả.
Do vậy, để chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường cán bộ về cơ sở để chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn nông dân các giải pháp chăm sóc cây trồng sau đợt rét đậm, rét hại; phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa rét gây ra. Cụ thể, đối với cây lúa, cần điều tiết mực nước trong ruộng phù hợp để giữ ấm cho cây lúa. Tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá như Atolic, KaliHumat, Siêu kali,… để giúp cho cây lúa chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận, phục hồi nhanh, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Tuyệt đối không bón thúc đạm cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 15 độ C; bón bổ sung tro bếp, phân chuồng ủ mục, phun bổ sung phân lân, kali qua lá... để tăng khả năng chống rét cho lúa.
Đối với các loại rau, màu cần tiến hành đào rãnh, khơi thông dòng chảy. Bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội, phân vi lượng cho diện tích rau chưa đến kỳ thu hoạch để cây sinh trưởng thuận lợi, tăng khả năng chống chịu; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại. Đối với cây hồ tiêu, tuyệt đối không được bón phân, phun thuốc cho cây tiêu khi thời tiết đang mưa rét. Khi thời tiết thuận lợi, tăng cường chăm sóc và bón phân cân đối, lưu ý tăng phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, chế phẩm vi sinh vật, phân kali, phân lân và phun các loại phân bón lá chuyên dùng để hạn chế hiện tượng rụng lá, rụng quả. Tạo rãnh thoát nước khi mưa lớn kéo dài.
Tập trung phòng trừ các đối tượng dịch hại chính như bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, tuyến trùng... Đối với cây ăn quả các loại, cần thường xuyên thăm vườn để kịp thời thoát nước, phát hiện và xử lý tốt các đối tượng sâu bệnh gây hại. Tăng cường bón phân lân, kali, xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt tán cây, giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới. Phun phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn... để tránh hiện tượng nứt, rụng quả, rụng hoa.
Chú trọng bảo vệ đàn vật nuôi
Từ mấy ngày trước, khi nghe thông tin về đợt rét đậm, rét hại, gia đình anh Lê Văn Trung ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đã chủ động che chắn chuồng trại chăn nuôi đàn bò thịt 12 con của mình bằng vải bạt. Đồng thời tích trữ sẵn một khối lượng thức ăn tinh và cỏ tươi để tăng cường sức khỏe, chống rét cho đàn bò. “Theo kinh nghiệm của tôi, rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức kháng bệnh của vật nuôi. Vì vậy, ngoài che chắn chuồng trại, thực hiện nuôi nhốt không thả rông đàn bò, tôi còn mặc áo chống rét bằng bao tải cho bò. Cho bò ăn thêm tinh bột, uống nước ấm có bổ sung muối ăn. Buổi tối khi nhiệt độ xuống thấp, tôi còn đốt lửa để sưởi ấm cho bò”, anh Trung chia sẻ.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Triệu Phong Trần Thanh Sơn cho biết, trước đợt rét đậm, rét hại lần này, Trạm CN&TY đã phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng địa bàn, cùng với lực lượng thú y cơ sở hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thả rông trâu, bò ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12 độ C; đốt lửa sưởi cho gia súc bằng trấu, mùn cưa hoặc củi khô; sưởi ấm bằng bóng điện tại chuồng đối với gia cầm.
Tại huyện Đakrông, trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Lê Châu Trí cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về đợt rét đậm, rét hại nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến đàn vật nuôi trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã có văn bản đề nghị các địa phương triển khai ngay các biện pháp chống rét cho vật nuôi. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, vệ sinh chuồng nuôi. Chủ động dự trữ thức ăn, đưa gia súc chăn thả tự do về chuồng; sử dụng bóng đèn điện hoặc đốt lửa sưởi ấm cho đàn vật nuôi trong chuồng nuôi. Tận dụng chăn cũ, bao tải để giữ ấm cho gia súc. Giữ gia súc ở tại chuồng những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C và cung cấp đủ thức ăn, uống nước ấm có hòa muối. Đặc biệt chú ý chăm sóc đàn bê, nghé.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền, những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhìn chung người chăn nuôi đã có những kinh nghiệm như chú trọng gia cố, vệ sinh chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc. Mặc dù vậy, theo ông Hiền, do đây là đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nền nhiệt giảm sâu nên người chăn nuôi không được chủ quan. Ngoài thực hiện các biện pháp chống rét cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe đàn vật nuôi để kịp thời báo cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y cơ sở biết, có biện pháp xử lý, hướng dẫn điều trị nhằm giảm thiểu thiệt hại.
“Đối với vật nuôi, tuyệt đối không chăn thả và không bắt gia súc làm việc vào những ngày giá rét, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C cần nuôi nhốt gia súc tại chuồng. Dự trữ thức ăn cho vật nuôi, tăng cường chế độ chăm sóc để nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh và tăng sức chống chịu với giá rét. Sửa chữa, che chắn chuồng nuôi, đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại. Đồng thời phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”, ông Hiền nhấn mạnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)