Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng nấm

Thục Quyên |

Với sự năng động, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, anh Lê Đức Hùng ở xã Gio Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm sò trắng, nấm bào ngư, nấm mộc nhĩ… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề trồng nấm, anh Hùng cho biết, qua tìm hiểu thực tế anh nhận thấy trồng nấm không cần quá nhiều vốn, quy trình kỹ thuật đơn giản nhưng mang lại thu nhập ổn định. Cùng với đó, tại địa phương có diện tích trồng cây cao su khá lớn, mùn cưa từ gỗ cây cao su được đánh giá có chất lượng tốt hơn hẳn so với các loại gỗ khác. Do vậy, sau khi nghỉ việc theo chế độ, anh quyết định xây nhà xưởng trồng nấm sò. Để nắm vững kỹ thuật, anh lặn lội vào tận thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tìm đến những trang trại trồng nấm lớn ở đây để học hỏi kinh nghiệm.

Đồng thời, nhờ sự tư vấn của các chuyên gia từ Trường Đại học Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, sau một thời gian thử nghiệm và nhận thấy hiệu quả bước đầu, anh quyết định mở rộng diện tích, xây dựng thêm các nhà lán trồng nấm, đầu tư hệ thống giá đỡ bằng sắt kiên cố, mua sắm thêm một số máy móc như lò hấp, máy xay mùn cưa, máy phun sương tự động, tủ đông để bảo quản sản phẩm…, tạo thành quy trình khép kín trong sản xuất nấm để tạo ra những sản phẩm nấm sạch an toàn.

Anh Hùng đang kiểm tra sinh trưởng của nấm sò trắng - Ảnh: T.Q
Anh Hùng đang kiểm tra sinh trưởng của nấm sò trắng - Ảnh: T.Q

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề trồng nấm, đến nay, anh Hùng đã xây dựng được 2 nhà trồng nấm với diện tích hơn 500 m2. Hiện tại, mỗi tháng anh trồng từ 5.000 - 6.000 bịch nấm với sản phẩm chủ yếu là nấm sò trắng và nấm bào ngư. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng thêm nhiều giống nấm khác như nấm mộc nhĩ, nấm rơm, nấm linh chi…

Theo anh Hùng, nấm sò trắng và nấm bào ngư rất dễ chăm sóc và thu hoạch được nhiều đợt, chi phí đầu tư cũng không cao, lại trồng được quanh năm. Thời gian trồng đến khi thu hoạch từ 30 - 35 ngày đối với nấm sò trắng và 60 - 65 ngày đối với nấm bào ngư. Mỗi bịch nấm cho thu hoạch được từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa cách nhau 12 - 15 ngày. Về đầu ra của sản phẩm, với cách phân chia số lượng trồng phù hợp, hiện tại mỗi ngày anh thu hoạch từ 40 - 50 kg nấm sò trắng và nấm bào ngư. Nấm làm ra sạch, không có chất kích thích hay thuốc bảo vệ thực vật nên rất được thị trường ưa chuộng. Với giá bán từ 30.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi tháng anh thu được từ 20 - 25 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Khi được hỏi về kỹ thuật trồng nấm, anh Hùng không ngần ngại chia sẻ ngay, để trồng nấm thành công thì nhà trồng nấm phải sạch sẽ, cao ráo, thoáng khí và có độ ẩm phù hợp. Mùn cưa từ gỗ cao su sau khi xay ra phải được ủ ngay với vôi bột với tỉ lệ 1% từ 3 - 15 ngày tùy theo gỗ tươi hay khô. Trong khi ủ phải thường xuyên đảo trộn đều. Sau đó đóng bịch bằng túi ni lông chuyên dụng và đưa vào hấp ở nhiệt độ 90o C trong 8 - 12 giờ rồi mới tiến hành cấy phôi giống nấm. Bịch nấm sau khi cấy phôi được xếp lên các giá đỡ. Khoảng cách giữa các giá đỡ bịch nấm nên từ 0,8 - 1 m để dễ chăm sóc và thu hoạch. Sau khoảng 20 - 25 ngày đối với nấm sò trắng, 50 - 55 ngày đối với nấm bào ngư, thấy tơ nấm phủ trắng bịch thì mở nắp, tháo nút bông gòn cho nấm mọc ra. Tùy theo kích cỡ nấm mà tiến hành thu hoạch.

Sau khi thu hoạch nấm xong thì tiến hành vệ sinh miệng bịch cho sạch sẽ rồi đậy nắp bịch nấm lại. Tiếp tục tưới nước và theo dõi bịch nấm, khoảng 10 - 12 ngày sau là có thể thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi bịch nấm nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch được trong 2 - 2,5 tháng với khối lượng từ 0,8 - 1 kg nấm. Theo anh Hùng, khó khăn lớn nhất đối với việc trồng nấm là các bịch nấm bị mốc đen, mốc xanh gây hại, làm tơ nấm không phát triển được. Do vậy, nếu phát hiện bịch nấm bị mốc xanh thì cần phải loại bỏ ngay để tránh ảnh hưởng tới các bịch nấm khác trong trại.

Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi thời tiết, thời gian sinh trưởng của nấm để có biện pháp chăm sóc, tưới nước phù hợp. “Vào mùa nắng, gió Tây Nam thổi mạnh tôi chỉ cần đóng nắp bịch nấm lại và tưới nước dưới nền nhà, định kỳ phun sương tự động để giữ ẩm, hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến phát triển của tơ nấm trong bịch. Bên cạnh đó, việc chỉ cho tai nấm phát triển qua miệng bịch còn giúp tôi điều chỉnh được thời gian thu hoạch nấm theo nhu cầu của thị trường”, anh Hùng chia sẻ thêm.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Hùng còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phôi giống cho các hộ dân ở địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế từ trồng nấm. Về dự định trong thời gian tới, anh Hùng cho biết, anh sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng nhà xưởng, trồng thêm các loại nấm cao cấp như nấm hoàng đế, nấm kim châm. Đồng thời, nghiên cứu lắp đặt hệ thống sưởi ấm bằng hơi nước để tận dụng nguồn nhiệt từ lò hấp bịch nấm để nâng cao hiệu quả sản xuất vào mùa đông.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Rộn ràng mùa “săn” nấm tràm

Lê Trường |

Vào những ngày đầu thu, khoảng tháng 7 - 8 âm lịch, khi những cơn mưa giông thoắt đổ thoắt tạnh, là lúc những cây nấm tràm mọc rộ khắp các vùng đồi. Dọc các dải núi, nơi có rừng tràm ở các huyện vùng gò đồi, miền núi của tỉnh, người dân rủ nhau đi hái nấm tràm rất đông. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười đùa xen lẫn tiếng mưa rả rích tạo nên âm thanh rộn ràng của mùa “săn” nấm tràm.

Lo ngại về nấm xanh ở người từng mắc COVID-19

CTV Hoàng Danh |

Nấm xanh là loại mới nhất gia nhập các trường hợp nấm đen, trắng và vàng phát hiện gần đây ở người từng mắc COVID-19 tại Ấn Độ.

5 người trong một gia đình nhập viện do ngộ độc nấm

Võ Dung |

Sau khi ăn nấm, cả 5 người trong gia đình ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy liên tục.

Cả gia đình ngộ độc sau bữa ăn trưa có nấm

Mai Thanh - Lệ Hà |

Ngày 3.3, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân chẩn đoán ngộ độc nấm độc. Đây là 2 bệnh nhân trong gia đình gồm 4 người: 2 vợ chồng và 2 người con cùng ăn nấm và bị ngộ độc.