Nuôi bồ câu không phải là mô hình mới nhưng nuôi với quy mô lớn, đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi thì không nhiều và không phải ai cũng làm được. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh Trần Văn Định ở Khu phố 7, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã có nguồn thu nhập cao từ mô hình nuôi bồ câu Pháp.
Là một nông dân trẻ, anh Định đã từng vào các tỉnh phía Nam để làm công nhân rồi về quê xây dựng nhiều mô hình kinh tế khác nhau nhưng đều thất bại. Không nản chí, qua tìm hiểu thấy mô hình nuôi bồ câu không khó và cho nguồn thu nhập khá cao, đầu năm 2010, anh Định một lần nữa khăn gói “hành phương Nam”, vào tận tỉnh Đồng Nai để học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp thương phẩm. Được một chủ trang trại ở Đồng Nai hướng dẫn tận tình về quy trình nuôi, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, anh mua 100 cặp bồ câu giống đưa về nuôi thử nghiệm.
Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm và tích lũy vốn, đồng thời được Hội Nông dân huyện cho vay thêm vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, anh đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi với quy mô lớn hơn.
Hiện tại chuồng trại nuôi bồ câu của anh Định rộng khoảng 300 m2 , bên trong anh đặt 4 dãy chuồng, mỗi dãy gồm 3 tầng; mỗi chuồng được chia thành nhiều ô và được đặt hệ thống máng uống tự động. Số lượng bồ câu giống được anh nuôi lên đến 500 cặp. Anh Định cho biết: “So với các loại gia cầm như gà, vịt thì nuôi bồ câu Pháp có nhiều ưu điểm hơn đó là ăn ít, ít khi bị dịch bệnh, quan trọng là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hằng ngày, thức ăn, nước uống luôn đảm bảo sạch. Hệ thống chuồng trại cần được bố trí thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông”.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, bồ câu của anh không bao giờ tiêm hoặc uống thuốc phòng. Nếu con nào có dấu hiệu bệnh anh tách riêng để có biện pháp điều trị. Bồ câu từ khi nhỏ đến sinh sản mất khoảng 6 tháng, mỗi con có thể sinh sản từ 8 đến 9 lứa mỗi năm. Bồ câu con từ khi nở đến khoảng 45 ngày tuổi là xuất bán. Để đảm bảo dinh dưỡng cho chim mẹ trong thời gian chăm sóc con, ngoài lúa, gạo, anh Định còn cho ăn thêm một phần cám viên.
Hiện tại mỗi cặp bồ câu giống được anh Định bán với giá 250.000 đồng, bồ câu thịt từ 100.000 -120.000 đồng/cặp, đầu ra sản phẩm luôn ổn định, không đủ để bán. Từ mô hình này, anh Định có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, đồng thời tạo được việc làm ổn định cho những người trong gia đình. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm, con giống cho nhiều hội viên nông dân và người dân trong vùng để mô hình được nhân rộng.
“Mô hình nuôi bồ câu Pháp thương phẩm của anh Trần Văn Định mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng trong hội viên trên địa bàn thị trấn bởi không cần nhiều diện tích đất; việc nuôi bồ câu cũng không ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh nhờ chuồng trại, chất thải được vệ sinh, thu dọn hằng ngày. Vì vậy, thời gian tới Hội Nông dân thị trấn sẽ vận động các hội viên có khả năng nên nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cam Lộ Trần Trúc Lâm cho biết.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)