Trong những năm tới, tỉnh Quảng Trị xác định các chương trình, dự án trọng điểm, trong đó có việc hình thành hành lang đường bộ từ Cửa khẩu quốc tế La Lay (Đakrông) về cảng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng), kết nối với Lào, Thái Lan. Hiện thực hóa dự án Quốc lộ 15D. Xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế cửa khẩu. Quy hoạch và phát triển các cơ sở công nghiệp, logistic dọc Quốc lộ 15D, Quốc lộ 49 nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng biển Mỹ Thủy...
Có thể thấy, việc hình thành Khu kinh tế cửa khẩu La Lay và tạo hành lang đường bộ từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị nói chung, huyện Đakrông nói riêng, có sức lan tỏa nội vùng; góp phần hình thành và phát triển Khu kinh tế Đông Nam, một dự án động lực đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị và khu vực miền Trung. Về phía địa phương hưởng lợi, Đakrông là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị, là huyện duy nhất của tỉnh đang thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Những năm qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Đakrông đã nỗ lực tạo được một số điểm nhấn quan trọng, đó là: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 5 năm đạt 16,02%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 13,13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 5,54%. Tuy nhiên, với xuất phát điểm còn thấp, huyện Đakrông vẫn chưa thoát khỏi huyện nghèo, khoảng cách chênh lệch giữa Đakrông với các địa phương trong tỉnh vẫn còn rất lớn. Do vậy, việc xây dựng dự án động lực, đầu tư trọng điểm bằng việc hình thành Khu kinh tế cửa khẩu La Lay và tạo hành lang đường bộ từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy sẽ giúp cho huyện Đakrông có thêm điều kiện để phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, khu vực La Lay đã được UBND tỉnh Quảng Trị xác định là vùng kinh tế động lực của huyện Đakrông và của tỉnh. Khu kinh tế cửa khẩu La Lay nằm trong đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Việc hình thành khu kinh tế này sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ thêm sôi động, và là tiền đề để hình thành vùng kinh tế động lực trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đặc biệt, 8/13 xã, thị trấn của huyện Đakrông nằm trên tuyến đường từ Cửa khẩu quốc tế La Lay dọc theo đường Hồ Chí Minh sẽ là những địa phương hưởng lợi trực tiếp từ những tác động tích cực do hội nhập quốc tế đem lại. Ngoài ra, Sa Muồi (Lào) - huyện có cùng đường biên giới với Đakrông là huyện nghèo nhất của tỉnh Salavan cũng có điều kiện phát triển, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự trị an trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Sau khi có Quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam, một tuyến giao thông quan trọng đã được xác định sẽ khởi động triển khai, đó là Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy. Cửa khẩu quốc tế La Lay phía Việt Nam thuộc địa phận thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; phía Lào thuộc địa phận huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan. Khảo sát đặc điểm của hai tuyến đường chính về Cửa khẩu quốc tế La Lay cho thấy, phía Lào tuyến đường 15B được kết nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến trung tâm tỉnh lỵ Salavan và nối với thành phố Pakse, tỉnh Champasak (trung tâm kinh tế - xã hội khu vực Nam Lào). Đường 15B từ tỉnh Salavan đến Cửa khẩu quốc tế La Lay có chiều dài gần 147 km đã được Chính phủ Lào đầu tư khoảng 200 triệu USD nâng cấp mở rộng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Mặt bằng hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay về phía Lào cũng đã được tỉnh Salavan đầu tư, đảm bảo đủ diện tích để mở rộng và xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan chức năng cũng như các công trình phụ trợ khác.
Về phía Việt Nam, Quốc lộ 9 từ Đông Hà lên cầu Đakrông nhập vào đường Hồ Chí Minh đến địa phận xã A Ngo theo Quốc lộ 15D đến Cửa khẩu quốc tế La Lay. Tổng chiều dài tuyến đường là 120 km, trong đó Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư nâng cấp với quy mô nền đường rộng 8-9m, mặt rộng 7-8m, kết cấu mặt đường láng nhựa, đảm bảo chất lượng cao trong việc lưu thông. Từ ngã ba xã A Ngo, huyện Đakrông đến Cửa khẩu quốc tế La Lay là Quốc lộ 15D dài 12,2 km.
Như vậy có thể thấy, giao thông của hai tuyến đường chính về Cửa khẩu quốc tế La Lay đã được nâng cấp, tạo thuận lợi để kết nối các tỉnh Đông - Bắc Campuchia, Đông Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Quảng Trị. Hiện nay, tuyến đường 15B nối tỉnh Salavan, CHDCND Lào với tỉnh Quảng Trị, Việt Nam do Chính phủ nước CHDCND Lào đầu tư đã hoàn thành nên việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và các tỉnh Nam Lào đã thuận lợi hơn rất nhiều. Quãng đường cả đi và về đã rút ngắn đáng kể so với phải đi qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hoặc Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Lào và Campuchia như rau quả, hàng bách hóa tổng hợp, mì ăn liền, cá hộp, cá khô, hàng thủy sản đông lạnh, xăng dầu các loại, hàng dệt may, sắt thép các loại, các sản phẩm từ sắt thép và sản phẩm từ giấy, máy móc thiết bị, dụng cụ và phương tiện vận tải...
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vào Việt Nam là gỗ và sản phẩm gỗ, thạch cao, kim loại thường, đồng tấm, quặng, nguyên phụ liệu thuốc lá, lâm sản các loại... Khi hình thành khu kinh tế tại đây, lưu lượng hàng hóa, hành khách xuất nhập cảnh, khách du lịch đến từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan (qua cửa khẩu Pạctaphan giữa tỉnh Salavan/Lào và Ubon Ratchathani/Thái Lan) và khách du lịch của nước thứ 3 qua Cửa khẩu quốc tế La Lay vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng đột biến.
Trong chiến lược phát triển vùng của khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho sự phát triển của tuyến EWEC, các nhà tài trợ và các nước trong khu vực đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các tuyến Hành lang PARA-EWEC chạy song song với EWEC từ Tây sang Đông nhằm mở rộng thị trường, tầm ảnh hưởng và sự tác động về đầu tư, giao thông, thương mại, du lịch trong toàn khu vực. Việc thiết lập thêm một Hành lang PARA-EWEC từ tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) đi Champasak (Lào) qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến tỉnh Quảng Trị là tuyến đường quốc tế quan trọng có tác động hỗ trợ trực tiếp đến tuyến Hành lang EWEC. Như vậy, Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ bổ sung cho Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tạo sự tương hỗ lẫn nhau giữa hai tuyến EWEC (qua Lao Bảo) và PARAEWEC (qua La Lay). Khi Khu kinh tế Đông Nam hình thành, việc xây dựng Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay nối với cảng biển Mỹ Thủy trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với lộ trình như hiện nay.
Với quyết tâm rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các địa phương trong tỉnh, đưa Đakrông thoát khỏi nhóm huyện nghèo của cả nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định trong giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 14 - 15%/ năm, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng 2 lần so với năm 2020 (tương đương 41 triệu đồng); tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 4 - 5%. Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh khơi dậy và phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của huyện Đakrông, trong thời gian tới, với những định hướng phát triển của tỉnh như các dự án trọng điểm: Hình thành hành lang kinh tế qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy và kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; thực hiện dự án Quốc lộ 15D kéo dài nối Cửa khẩu quốc tế La Lay với cảng Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam; xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đủ điều kiện thành lập Khu kinh tế cửa khẩu sẽ tạo ra cơ hội phát triển mới đối với huyện Đakrông. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Đakrông đặt niềm tin là các dự án động lực này sớm được khởi động, đồng thời hoàn thiện mô hình phát triển Khu kinh tế cửa khẩu La Lay, đặc biệt là có cơ chế đặc thù đối với khu kinh tế này sau khi hình thành, nhất là chuyển đổi phương thức tổ chức quản lý để phát huy hiệu quả lâu dài, đóng góp tích cực vào sự phát triển của huyện Đakrông và tỉnh Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)