“Triển khai chuyển đổi số để điều chỉnh, cấu trúc lại quy trình, đổi mới toàn diện hoạt động lãnh đạo, hiệu quả quản lý, điều hành các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển mạnh kinh tế số và xã hội số; hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Trị cơ bản hoàn thành các mục tiêu tại Quyết định số 749/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 27-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Duy trì và từng bước nâng thứ hạng của Quảng Trị trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số (DIT) hằng năm” - Đó là mục tiêu tổng quát được đề ra trong Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
Ngày nay, chuyển đổi số (Digital transformation) là xu thế toàn cầu. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, những năm qua, tỉnh Quảng Trị tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan, đơn vị và đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế số từng bước được ứng dụng trong các ngành sản xuất và dịch vụ; nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet được triển khai, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; các dịch vụ đô thị thông minh chưa nhiều; ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị và doanh nghiệp còn hạn chế. Quy mô kinh tế số còn nhỏ; việc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế và xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực CNTT thấp, số doanh nghiệp CNTT phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều…
Từ thực tiễn đặt ra vấn đề cấp bách là thực hiện chuyển đổi số nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Mục tiêu đề ra trong Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Để thực hiện chuyển đổi số thành công theo mục tiêu, lộ trình đề ra, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh theo hướng toàn diện, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế gắn với khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh; giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất và người Quảng Trị. Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, tạo nền tảng triển khai ứng dụng, phát triển CNTT và xây dựng chính quyền số. Phát triển nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu; xây dựng nền tảng mạng lưới thiết bị kết nối internet về nông nghiệp, giao thông, du lịch và môi trường; triển khai nền tảng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích an ninh trật tự, giao thông; triển khai nền tảng kết nối dịch vụ số hóa; đảm bảo tính an toàn dữ liệu, truy vết dữ liệu. Kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đồng thời, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng về thực hiện chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động; có cơ chế, chính sách tăng cường xây dựng đội ngũ chuyên gia công nghệ số, nhân lực CNTT chất lượng cao, góp phần thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Triển khai các ứng dụng, phát huy các kênh truyền thông trên internet, mạng xã hội nhằm gia tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị; thực hiện số hóa, tạo lập các cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu lưu trữ của các cơ quan nhà nước.
Mặt khác, xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số. Thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn, từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới trên nền tảng số. Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; thực hiện số hóa dữ liệu các di sản văn hóa Quảng Trị gồm văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và thư viện, hình thành sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho du khách và hỗ trợ cứu hộ tại các điểm du lịch...
Với quyết tâm chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, hy vọng thời gian tới sẽ hiện thực hóa được mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý, điều hành các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; phát triển mạnh kinh tế số và xã hội số, mở ra cơ hội phát triển, hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)