Tích cực khởi động để Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung

Lâm Thanh |

Quảng Trị được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chọn công nghiệp năng lượng là một trong những lĩnh vực đột phá của tỉnh với quyết tâm “Xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”. Vóc dáng của ngành công nghiệp năng lượng đang dần hiện hữu hôm nay được đặt nền móng vững chắc từ công tác quy hoạch, kêu gọi, xúc tiến đầu tư từ những nhiệm kỳ trước.

Miền Tây Quảng Trị - “thủ phủ” điện gió

Những ngày này, trên các cung đường vào các xã Hướng Linh, Hướng Tân, Hướng Phùng… huyện Hướng Hóa trở nên tấp nập, nhộn nhịp bởi những đoàn xe vận chuyển vật liệu, thiết bị vào công trường triển khai các dự án điện gió. Đang ở giai đoạn nước rút thi công hàng chục dự án điện gió lớn, nhỏ để kịp hòa lưới điện quốc gia trước ngày 1/11/2021 nên vùng núi huyện Hướng Hóa như một đại công trường với không khí thi đua lao động, sản xuất rộn ràng, khẩn trương hơn bao giờ hết.

Phát triển hệ thống điện mặt trời ở vùng Đông Quảng Trị - Ảnh: L.T​
Phát triển hệ thống điện mặt trời ở vùng Đông Quảng Trị - Ảnh: L.T​

Với tốc độ gió trung bình đạt từ 6 - 7 m/s, miền Tây Quảng Trị được đánh giá là vùng rất có tiềm năng trong phát triển điện gió từ nhiều năm trước. Vì vậy, mảnh đất này đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng như: Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATi, Tân Hoàn Cầu, Gilex… Địa bàn thu hút dự án điện gió nhiều nhất hiện nay của tỉnh là huyện Hướng Hóa với hơn một nửa số xã có nhà đầu tư điện gió đến thực hiện dự án tại các xã như: Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Thành, Tân Liên… trong đó, riêng xã Hướng Linh có tới hơn 10 dự án. Nếu tính cả những dự án đang chờ bổ sung vào quy hoạch thì điện gió gần như phủ kín cả vùng núi non này.

Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư làm điện gió ở tỉnh Quảng Trị. Được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2017, Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa với công suất 30MW, có tổng mức đầu tư trên 1.400 tỉ đồng của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu được xem là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa tiềm năng, lợi thế về năng lượng sạch của tỉnh Quảng Trị. Đến cuối năm 2019, Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 có công nghệ, công suất và kinh phí đầu tư tương đương cũng được doanh nghiệp này vận hành, hòa vào lưới điện quốc gia. Cùng với 2 dự án này, Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu cũng đang gấp rút triển khai thực hiện các dự án điện gió Hướng Linh 3, Hướng Linh 4, Hướng Hiệp 1 có cùng công suất 30MW… Ngoài mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế đó là đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương, công ty này còn đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng đường giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương để phát triển vùng miền núi; đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình dân sinh khác.

Năm 2015, Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có 4 dự án với tổng công suất 110 MW. Nhưng để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương đến nay, tỉnh đã đề xuất trung ương bổ sung quy hoạch 84 dự án điện gió với tổng công suất trên 4.030 MW, trong đó 31 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất trên 1.177 MW; 53 dự án với tổng công suất trên 2.853 MW đã trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung quy hoạch. Ngoài ra, còn có 8 dự án đang giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.620 MW. Trong 31 dự án được phê duyệt quy hoạch, hiện có 2 dự án với công suất 60 MW đã hoạt động; 25 dự án với công suất 987,2 MW đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai thi công. Các nhà đầu tư đều đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành, đưa vào vận hành trước thời điểm 1/11/2021 để được hưởng giá ưu đãi gần 2.000 đồng/số điện. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Vĩnh, Giám đốc Sở Công thương, dù các chủ đầu tư và tỉnh rất quyết tâm nhưng dự kiến có khoảng 16/25 dự án với tổng công suất 632 MW sẽ hoàn thành trước 1/11/2021 bởi những dự án này đã triển khai những hạng mục chính như móng trụ tuabin, ký hợp đồng cung cấp thiết bị, trong đó một số dự án thiết bị đã về cảng trong nước, một số dự án đã tập kết thiết bị về Quảng Trị. Những dự án còn lại sẽ khó đảm bảo về tiến độ vì hiện còn rất nhiều việc phải làm. Tuy vậy, kết quả 16/25 dự án điện gió sẽ vận hành trong năm nay cũng làm một kết quả khả quan. Khó khăn nhất trong việc phát triển điện gió ở vùng phía Tây của tỉnh là đường dây truyền tải điện chưa đáp ứng được công suất. Vì vậy, thời gian này tỉnh tích cực phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung ưu tiên thúc đẩy nhanh dự án Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo, dự án nâng tiết diện đường dây 110 kV Đông Hà - Lao Bảo để hoàn thành đúng thời hạn, đảm bảo đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các dự án điện gió. Đây là các công trình quan trọng để phát triển hạ tầng lưới điện truyền tải, đáp ứng khả năng giải tỏa công suất các nguồn điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Phát triển điện khí, điện mặt trời... ở phía Đông

Song song với những “cánh đồng điện gió” ở phía Tây, vùng ven biển phía Đông của tỉnh đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào làm nhiệt điện, điện khí và điện mặt trời với số vốn lên đến hàng tỉ USD.

Dọc vùng ven biển Quảng Trị có những vùng cát nội đồng vốn ít mang lại giá trị kinh tế do người dân gặp nhiều bất lợi khi sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi những “cánh đồng điện mặt trời” mọc lên ở vùng cát trắng một số xã vùng Đông huyện Gio Linh đã gợi mở hướng phát triển mới trên những vùng đất khô cằn, nắng gió trong tỉnh. Đó là vào giữa năm 2019, Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị có công suất 49,5 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng, do Công ty Cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Quảng Trị đi vào vận hành. Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có 3 dự án điện mặt trời với công suất 149,5MWp đã hoàn thành phát điện thương mại. Ngoài ra, còn có 19 dự án điện mặt trời khác đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.391MWp; 2 dự án đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất 115MWp.

Không chỉ điện mặt trời, vùng Đông Quảng Trị cũng đang bắt đầu khởi động những dự án năng lượng có quy mô lớn. Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công thương về việc bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; trong đó bổ sung giai đoạn 1 quy mô công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ đưa vào vận hành năm 2026 - 2027. Nguồn khí cung cấp cho dự án điện khí nói trên có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng… Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có quy mô gần 120 ha, nằm trên địa phận huyện Hải Lăng, thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỉ USD. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 1.200 - 1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2028. Trước đó, để thực hiện dự án này, tổ hợp nhà đầu tư bao gồm các đơn vị: Tập đoàn T&T Group, Công ty KOSPO, Công ty KOGAS và Công ty Hanwha đến từ Hàn Quốc đã đề xuất tỉnh Quảng Trị lập dự án khảo sát, xây dựng. Ngoài ra, Công ty Gazprom của Nga cũng đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340 MW ở khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị. Cùng với đó là việc tỉnh đề xuất đưa khí từ mỏ Kèn Bầu tiếp bờ Quảng Trị; dự án Trạm 500kV Lao Bảo và đường dây 500kV Đông Hà - Lao Bảo đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch để giải tỏa hết nguồn điện các dự án năng lượng tái tạo ở phía Tây của tỉnh đầu tư trong thời gian tới... Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị đang ngày càng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung trong tương lai gần.

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển năng lượng tỉnh Quảng Trị vừa được tổ chức vào giữa tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng khẳng định, phát triển công nghiệp năng lượng đang được xem là trụ cột quan trọng để Quảng Trị có điều kiện phát huy vai trò của mình trong liên kết vùng. Đặc biệt, thông qua hệ thống truyền tải năng lượng quốc gia, Quảng Trị sẽ có điều kiện tiếp tục phát triển các vùng phụ tải để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến, trên nền tảng nền nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch. Chính vì vậy, tỉnh quyết tâm đồng hành với nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án năng lượng tái tạo đã được quy hoạch, đồng thời ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị làm hạt nhân phát triển công nghiệp. Với các dự án năng lượng đang và sẽ triển khai thực hiện, Quảng Trị đang dần trở thành “điểm tập trung” nhiều dự án quy mô lớn về năng lượng, hạ tầng, du lịch... Đây sẽ là “đòn bẩy” để sớm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Giá điện Mặt Trời mái nhà có thể giảm còn dưới 6 cent mỗi kWh

Đức Dũng |

Thời gian vừa qua, giá thiết bị phục vụ cho việc lắp đặt điện Mặt Trời áp mái giảm nhanh, hiệu suất tấm pin cao hơn nhiều nên mức giá này vẫn mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và sản xuất.

Tiềm năng trong lĩnh vực điện Mặt Trời của Việt Nam

PV |

Việt Nam là một trong những nước nằm trong dải phân bổ ánh nắng Mặt Trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ Mặt Trời của thế giới. Đó là cơ sở rất lớn để Việt Nam phát triển năng lượng Mặt Trời.

Quảng Trị: Người làm điện mặt trời áp mái hoang mang vì cắt giảm phát điện

Hưng Thơ |

Đến tháng, doanh nghiệp làm điện mặt trời áp mái phải trả lãi và gốc cho ngân hàng hàng trăm triệu đồng, nhưng do bị tiết giảm điện (cắt giảm phát điện) trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nên số tiền thu được không đủ để trang trải.

Quảng Trị sắp có dự án trang trại kết hợp điện mặt trời áp mái hơn 842 tỷ đồng

Tuệ Lâm |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi công nghệ cao kết hợp điện mặt trời áp mái của Công ty TNHH phát triển năng lượng và nông nghiệp công nghệ cao Quảng Trị.