Năm 2021, mặc dù tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh có giảm so với năm trước nhưng tính chất các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Để đảm bảo ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389/ĐP) tỉnh Quảng Trị đang tích cực phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi
Khắc phục những ảnh hưởng của COVID-19, năm 2021, các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Trong năm, đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ và xử lý 1.815 vụ; trong đó buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu: 1.152 vụ, gian lận thương mại: 638 vụ, hàng giả: 25 vụ với trị giá hàng hóa vi phạm 35,87 tỉ đồng.
Hàng hóa thu giữ gồm 73.341 viên đạn và 2 khẩu súng; 1.611,4 kg và 151 quả pháo nổ, 432 kg pháo hoa; 378.472 viên và 67,03 kg ma túy tổng hợp, 102 kg ma túy đá, 6,5 kg cần sa; 83.736 bao thuốc lá ngoại; 8.547 chai rượu ngoại và 116 chai rượu các loại; 404,9 tấn đường cát; hơn 24 tấn than; 2,14 kg vàng, 11,5 kg bạc, 10.941 kg đá quý và 10.000 USD; 4.950 hộp thực phẩm chức năng, 5.522 vỉ thuốc tân dược, 9.360 chai thuốc đông y, 90.852 hộp mỹ phẩm; 378,7 m3 và 1,8 tấn gỗ các loại; 3,4 tấn lâm sản ngoài gỗ… Đã xử phạt vi phạm hành chính 1.321 vụ, với số tiền thu nộp ngân sách là 48,24 tỉ đồng. Trong đó, tiền phạt là 13,6 tỉ đồng, truy thu thuế 22,3 tỉ đồng và bán thanh lý hàng tịch thu 12,35 tỉ đồng. Đáng chú ý, đã khởi tố 311 vụ với 460 đối tượng, tăng 44,65% về số vụ và 57,53% về số đối tượng bị khởi tố.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 389/ĐP, tuy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh có giảm so với năm trước nhưng tính chất của từng vụ việc phức tạp hơn và hành vi của đối tượng liều lĩnh hơn, giá trị vi phạm trên mỗi vụ ngày càng lớn, số lượng vụ việc và đối tượng bị xử lý hình sự tăng gấp đôi so với năm trước. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam qua khu vực biên giới Việt - Lào (khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay), tuyến đường 9 vẫn diễn biến phức tạp với các mặt hàng như ma túy, pháo, đường, rượu ngoại, thuốc lá, gỗ, khoáng sản...
Phương thức thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu sử dụng là tập kết hàng hóa sát khu vực biên giới Lào- Việt Nam, lợi dụng địa hình hiểm trở, đêm tối và sơ hở của lực lượng chức năng để thuê “cửu vạn” gùi cõng hàng hóa qua biên giới hoặc dùng thuyền nhỏ vận chuyển hàng hóa qua sông Sê Pôn. Sau đó tập kết hàng hóa rải rác trong các nhà dân, chờ thời cơ thuận lợi sử dụng ô tô gom hàng vận chuyển qua tuyến đường 9 vào sâu nội địa để tiêu thụ hoặc gia cố hầm chứa hàng bên trong các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là trà trộn vào hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch.
Để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng thường thay đổi thời gian, địa điểm, phương tiện để vận chuyển; khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng điều khiển phương tiện xe tải van, xe máy phân khối lớn chạy với tốc độ cao, không chấp hành hiệu lệnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ. Trên tuyến Quốc lộ 1, hàng hóa vi phạm chủ yếu là giày dép, mỹ phẩm, áo quần... được để lẫn lộn với hàng hóa có hóa đơn, chứng từ khác…
Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian tới, BCĐ 389/ĐP tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong các lĩnh vực thương mại điện tử, trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, vật tư, thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu. Tập trung vào các mặt hàng xăng dầu, than, đường, pháo, khoáng sản, lợn và sản phẩm từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; thuốc lá; hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Các mặt hàng vi phạm trên địa bàn tỉnh như ma túy, rượu ngoại, gỗ và lâm sản, động vật hoang dã, sữa, quần áo, hàng điện tử, hàng tiêu dùng...
Ông Lê Tiến Dũng cho biết, để chủ động trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các ngành, lực lượng đã triển khai các biện pháp thực hiện hiệu quả các kế hoạch do BCĐ 389/ĐP xây dựng và tổ chức thực hiện. Cụ thể, tăng cường công tác trinh sát, nắm tình hình để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu qua khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, nhất là các mặt hàng nhạy cảm (phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…), các mặt hàng kinh doanh có điều kiện; việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Ngăn chặn hiệu quả việc lợi dụng xuất khẩu hàng hóa để hoàn thuế giá trị gia tăng bất hợp pháp; chủ động ngăn ngừa và đấu tranh đối với các hành vi gian lận về giá bán hàng hoá thực tế cao hơn giá ghi trên hóa đơn để trốn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng cường điều tra, trinh sát, phát hiện và đánh trúng các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng lậu số lượng lớn, nhất là các mặt hàng thuốc lá ngoại, rượu ngoại, rượu giả, gỗ nhập lậu… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nhằm tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp… “Trên tuyến biển, mặc dù chưa phát hiện có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nhưng Hải đội 202, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 cũng đã xây dựng phương án phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan tăng cường trao đổi nghiệp vụ, cung cấp thông tin về tình hình buôn lậu trên tuyến biển và các thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu để đấu tranh hiệu quả hơn”, ông Lê Tiến Dũng cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)