Tiếp tục gỡ khó cho cây chuối ở Hướng Hóa

Hải An |

Mặc dù huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thực hiện nhiều giải pháp để gỡ khó cho cây chuối Hướng Hóa như cấp 9 mã số vùng trồng (MSVT) trên cây chuối (xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc); khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trồng và chế biến sản phẩm từ cây chuối... nhưng hiện nay, diện tích trồng chuối mật mốc của huyện đang ngày càng giảm dần; người trồng chuối không đầu tư thâm canh bền vững để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chuối nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; chuối Hướng Hóa chủ yếu tiêu thụ nội địa với giá cả bấp bênh...


Dù khá mệt mỏi sau một ngày phát cỏ, đốn hạ những cây chuối bị đổ rạp trong vườn chuối hơn 500 gốc, ông Nguyễn Tâm (59 tuổi) ở thôn Long Phụng, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa vẫn dành chút thời gian để giải bày những thăng trầm của cây chuối mật mốc mà mấy chục năm qua gia đình ông gắn bó.

Ông Tâm cho biết, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của xã Tân Long cùng một số xã lân cận rất phù hợp với việc trồng giống chuối mật mốc nên năng suất, sản lượng luôn đạt bình quân 13 - 14 tấn/ha/năm. Đó là chuyện của thời điểm cách đây khoảng 10 - 15 năm về trước, khi cây chuối mật mốc được trồng trên vùng đất mới khai hoang, phục hóa.

Mô hình trồng chuối nuôi cấy mô ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa -Ảnh: H.A
Mô hình trồng chuối nuôi cấy mô ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa -Ảnh: H.A

Theo thời gian, nhiều vườn chuối trên địa bàn xã Tân Long do trồng lâu năm, lại không được bón phân, tưới nước... nên năng suất, sản lượng ngày càng sụt giảm. Như gia đình ông, cách đây hơn 20 năm đã trồng khoảng 1.000 gốc chuối mật mốc ở vùng gò đồi thôn Long Phụng. Khoảng 10 năm đầu, cây chuối luôn cho năng suất, sản lượng cao với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng gốc chuối, sản lượng, chất lượng của vườn chuối gia đình ông giảm dần và hiện tại chỉ còn khoảng hơn 500 gốc với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn, gia đình ông hầu như không có chuối quả để bán. Nguyên nhân là do vườn chuối mật mốc của gia đình ông được trồng theo phương thức truyền thống, phát triển dựa vào tự nhiên chứ không chăm sóc. Gần 20 năm qua, cứ hằng ngày ông Tâm lại đi kiểm tra vườn chuối mật mốc rồi chặt bỏ những cây bị gãy đổ, để lại cây con tiếp tục phát triển trên chính mảnh đất nghèo dinh dưỡng...

Chủ tịch UBND xã Tân Long Võ Văn Cương cho biết, đến nay tổng diện tích trồng chuối mật mốc trên địa bàn xã là 750 ha, chiếm gần 40% diện tích chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa. Nếu như trước đây, sản lượng chuối mật mốc đạt từ 13 - 14 tấn/ha/năm thì nay giảm xuống còn khoảng từ 8 - 9 tấn/ha/ năm.

Ngoài nguyên nhân người dân chủ yếu trồng chuối trên đất rẫy, đất gò đồi phụ thuộc hoàn toàn vào chất đất, khí hậu và hầu như không đầu tư bón phân, tưới nước, thì việc tiêu thụ chuối tươi bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, Thái Lan nên có thời điểm giá chuối giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg vào ngày thường, từ 8.000 - 10.000 đồng/kg vào các dịp lễ, tết nên nhiều người trồng chuối không mặn mà với việc chăm sóc vườn chuối.

Trên thực tế, cây chuối mật mốc đã phát triển hàng chục năm và trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa. Đến nay, diện tích trồng chuối của huyện là 3.048 ha, trong đó có 2.916,3 ha cho thu hoạch với sản lượng ước đạt 42.053,2 tấn/năm, tập trung tại các xã vùng Lìa, Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo và một phần diện tích được người dân địa phương thuê đất trồng ở Lào.

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đầu tư trồng và chế biến chuối như: Công ty TNHH sản xuất thực phẩm Long Việt, Công ty TNHH Green Globe, Cơ sở chế biến chuối chân không Chánh Nhung... với tổng sản lượng tiêu thụ, chế biến chuối khoảng hơn 20.100 tấn/năm. Có 3 sản phẩm chế biến từ quả chuối đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đó là rượu chuối mật mốc Hướng Hóa, chuối sấy dẻo, chuối sấy Chánh Nhung. Bên cạnh đó, huyện cũng đã nỗ lực trong việc cấp MSVT trên cây chuối cho người trồng chuối ở các xã vùng Lìa, Tân Long, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo.

Với việc toàn tỉnh (trong đó có huyện Hướng Hóa) đến nay đã cấp được 24 MSVT tại các địa phương với 11 MSVT phục vụ xuất khẩu gồm: 9 MSVT trên cây chuối (xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) với diện tích hơn 2.057 ha và 2 MSVT trên cây lúa (xuất khẩu vào thị trường châu Âu) với diện tích hơn 37 ha. MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch....

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, để tiếp tục gỡ khó cho cây chuối, thời gian tới huyện sẽ tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị cho cây chuối; tìm các nguồn lực để hỗ trợ người trồng chuối từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm từ cây chuối.

Khuyến khích người trồng chuối ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; gắn sản xuất với khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái; hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế thuê mặt bằng, nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm chế biến.

Mới đây, HĐND huyện Hướng Hóa ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình chợ chuối xã Tân Long (cách vị trí cũ khoảng 300 m) với tổng mức đầu tư 11 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2026. Công trình chợ chuối xã Tân Long có các hạng mục như đường giao thông, sân bê tông, ki ốt nông sản, mái che nông sản và công trình phụ...

Việc đầu tư xây dựng công trình chợ chuối xã Tân Long nhằm phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, nhất là các sản phẩm từ cây chuối của người dân địa phương và khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Huyện Hướng Hóa cũng đã cử cán bộ tham gia đoàn tham quan, học tập và tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển cây chuối và cây dược liệu do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức.

Kết quả, Công ty TNHH MTV Musa Pacta có trụ sở tại TP. Hà Nội đã thống nhất liên kết với tỉnh Quảng Trị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối. Hiện tại, huyện Hướng Hóa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện để Công ty TNHH MTV Musa Pacta khảo sát khu vực trồng với định hướng sẽ liên doanh, liên kết với các hộ trồng chuối trên địa bàn huyện để tạo vùng nguyên liệu nhằm chế biến tinh bột quả chuối và các sản phẩm từ thân cây chuối.

Bên cạnh đó, UBND huyện Hướng Hóa chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho mô hình trồng chuối nuôi cấy mô với diện tích gần 4 ha (trồng 8.000 cây chuối nuôi cấy mô) của gia đình ông Nguyễn Văn Quân tại xã Tân Long. Mô hình trồng chuối nuôi cấy mô được phun tưới bằng hệ thống tưới tự động; bón phân hữu cơ, phân chuồng...

Dự kiến vườn chuối nuôi cấy mô sẽ cho thu hoạch sau 14 - 15 tháng trồng và chăm sóc. Đây sẽ là mô hình không chỉ người trồng chuối xã Tân Long mà còn các xã vùng Lìa, Tân Thành, thị trấn Lao Bảo tham khảo, học tập để đầu tư trồng chuối theo hình thức thâm canh, có bón phân, tưới nước theo quy trình kỹ thuật, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng chuối phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sẽ xây dựng chợ chuối Tân Long trên dốc Làng Vây

Võ Lộc |

HĐND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vừa ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình chợ chuối xã Tân Long với tổng mức đầu tư 11 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2026. 

Sản lượng chuối Tân Long ngày càng giảm

Hải An |

Cây chuối mật mốc đã phát triển hàng chục năm và trở thành cây trồng chủ lực của xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, nhưng những năm gần đây sản lượng chuối ngày càng giảm sút do người trồng chuối không đầu tư thâm canh bền vững.

Thu nhập khá từ mô hình sản xuất chuối sấy giòn

Minh Long |

Nhằm góp phần tìm đầu ra cho nông sản tại địa phương, bước đầu chị Mai Thị Thanh Huyền, đoàn viên thanh niên ở khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) triển khai khá thành công mô hình sản xuất chuối sấy giòn. Với việc đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, chị thu mua số lượng chuối mật mốc khá lớn, tạo việc làm cho lao động địa phương, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Hiệu quả thực hiện đề tài trồng chuối tiêu hồng

Trần Anh Minh |

Thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối Tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị”, từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm trồng thâm canh chuối tiêu hồng tại thôn A Ngo, xã A Ngo. Sau 2 năm thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả cao, có ý nghĩa về nhiều mặt.