Tìm giải pháp phát triển kinh tế tập thể ở địa bàn miền núi Hướng Hóa

Minh Hiển |

Đối với huyện miền núi Hướng Hoá (Quảng Trị) thì mô hình Hợp tác xã còn hoạt động là rất ít so với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đầu tư xây dựng một cách bài bản, có quy mô và hiệu quả hoạt động khá cao. Qua đó đã tác động tích cực đến hiệu quả lao động sản xuất của người dân, đồng thời góp phần hoàn thiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Những giải pháp tích cực sẽ được tiếp tục được triển khai để tạo động lực cho phát triển kinh tế tập thể nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trên lĩnh vực này trong thời gian tới.

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Hiền, một trong 10 hộ thành viên Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp đang thu hoạch lứa chanh tươi thứ hai tại vườn chanh dây của mình. Chị Hiền cũng như các thành viên Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp cho biết, họ rất yên tâm khi tham gia vào hợp tác xã. Các mô hình sản xuất chăn nuôi tại đây đều được tập huấn khoa học kỹ thuật kỹ càng, huy động được trí tuệ cũng như kinh nghiệm của tập thể nên năng suất, hiệu quả sản xuất cao hơn. Vấn đề liên doanh liên kết thuận lợi nên khỏi lo lắng vấn đề đầu ra của sản phẩm.

Mô hình ươm giống cây tại HTX Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp
Mô hình ươm giống cây tại HTX Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp

Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp được thành lập vào năm 2018. Cho đến nay, có 10 hộ dân tham gia làm thành viên tại đây. Tuy hình thành chưa lâu nhưng Hợp tác xã đã đi vào hoạt động khá ổn định. Trên tổng diện tích hơn 7ha đất, Hợp tác xã này đã triển khai xây dựng các vườn ươm các loại cây giống như: cây dược liệu, bời lời, cà phê chè phục vụ cho nhu cầu sản xuất của bà con trong vùng; trồng thí điểm mô hình chanh leo; trồng gừng, nghệ và 1 số loại cây trồng khác kết hợp chăn nuôi gà. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, các mô hình trồng trọt và chăn nuôi ở đây sẽ cho thu hoạch quanh năm, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho xã viên đồng thời tạo cơ sở để đầu tư tiếp. Năm 2019, doanh thu của HTX đạt trên 1,5 tỷ đồng.

Anh Hoàng Công Phúc, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp Hướng Hóa cho biết thêm về những thuận lợi khó khăn đối với mô hình HTX khi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, anh Phúc cho rằng: “ Khi hoạt động theo Luật HTX 2012 thì chúng tôi và những thành viên chủ động các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Việc liên kết tìm thị trường là yếu tố quyết định để HTX hoạt động trong cơ chế cạnh tranh như hiện nay. Những sản phẩm mà chúng tôi làm ra thì đã đáp ứng được nhu cầu thị trường như các loại cây giống cung cấp cho địa bàn Quảng Trị, Quảng Bình, Huế cũng như xuất sang một số nước lân cận. Khi bắt tay vào mô hình trồng chanh dây có kết nối thị trường thì thành viên HTX cũng còn nhiều băn khoăn, tuy nhiên qua vụ đầu tiên cũng đã đem lại hiệu quả bước đầu và các thành viên thực sự yên tâm”.

Tiêu biểu là mô hình chanh leo của HTX Sản xuất nông nghiệp Tân Hợp phát triển rất tốt, liên doanh liên kết được với Công ty Na Food Tây Bắc nên đầu ra ổn định. Đây là mô hình cây trồng mới, đem lại nhiều triển vọng cho thành viên trong việc tăng thu nhập, nhất là vấn đề ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Chanh dây đem lại hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX

Mặc dù số lượng HTX trên địa bàn huyện khá khiêm tốn song mấy năm trở lại đây đã xuất hiện một số HTX, Tổ hợp tác tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao giá trị kinh tế các loại sản phẩm chủ lực của địa phương. HTX hoạt động trên lĩnh vực cà phê sạch cũng là một hướng đi mới. Với mục tiêu đưa sản phẩm đặc trưng của cà phê của địa phương đến với mọi miền đất nước và xuất khẩu, tháng 3 năm 2018, HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây Bắc Hướng Hóa được thành lập gồm 14 thành viên, có sự tham gia của doanh nghiệp Shin Coffee với tư cách thành viên đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm, cam kết thu mua cà phê quả tươi với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 2.000 đồng/kg. Nhờ tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, sản phẩm thân thiện với môi trường, được các ngành chức năng kiểm định, cấp mã vạch, công bố chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện tại HTX đang tiếp tục tìm chọn, đưa vào thử nghiệm trồng các giống cà phê mới và sản xuất theo hướng hữu cơ để thay thế dần giống cà phê đang ngày một già cỗi, thoái hóa.

Ông Lê Đình Phức, Giám đốc HTX Nông nghiệp sinh thái hữu cơ Chân Mây Bắc Hướng Hóa thì chia sẻ rằng: “ với mô hình HTX kiểu mới này thì đã chủ động được việc tập huấn kỹ thuật cho thành viên và người dân địa phương. Sản xuất cà phê sạch đang là hướng đi hiệu quả mà chúng tôi lựa chọn và thực hiện, nhu cầu thị trường cũng đang hướng đến những sản phẩm này và thực sự khi tiếp cận thị trường điều đó càng được chứng minh điều đó ”.

Tuy nhiên, hiện nay, đối với mô hình hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện miền núi Quảng Trị nói chung và ở Hướng Hóa nói riêng vẫn gặp những khó khăn nhất định, từ số lượng cho đến quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu. Vì vậy, các HTX vẫn chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nên giá trị của sản phẩm không cao, khả năng cạnh tranh còn thấp; nhiều sản phẩm sản xuất ra ở dạng thô sơ, chưa qua chế biến thành sản phẩm hàng hóa. 

Để phát huy hiệu quả mô hình, những năm trở lại đây, những mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 được thành lập trên địa bàn huyện và hoạt động theo tiêu chí mới có những hướng đi tích cực. Có thể nói, ngoài việc đảm nhận các khâu dịch vụ, trong những năm gần đây, nhiều HTX trên địa bàn huyện Hướng Hóa và các mô hình Tổ hợp tác đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, thay đổi hình thức sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Quá trình phát triển, hầu hết HTX đã bảo toàn được nguồn vốn, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho các thành viên, có nguồn tích lũy và tham gia đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết: “ Để thúc đẩy phát triển KTTT trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch 193 KH-UBND về  “Chiến lược phát triển kinh tế tập thể huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021-2030”. Theo đó mục tiêu đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện”.

Hiệu quả bước đầu của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đem lại nhiều triển vọng cho người lao động tại địa phương. Đây được coi là một trong những giải pháp để nâng cao giá trị kinh tế gắn với lợi thế của địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hoá, vừa tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần hoàn thiện cac chỉ tiêu nông thôn mới.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Trồng ném lấy củ trên đất cát cho thu nhập cao

Phan Việt Toàn |

Những năm gần đây, cùng với các chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sinh kế, phát triển sản xuất, đánh thức tiềm năng những vùng đất cát ven biển, qua quá trình đưa vào sản suất, cho thấy cây ném là một trong những cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên những vùng đất này. Cây ném góp phần cải tạo đất cát ven biển, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân nơi đây.

'Cần nhận diện Thừa Thiên-Huế trên cơ sở tiềm năng khác biệt'

Đỗ Trưởng |

Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế về việc công bố chuẩn y nhân sự và chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trồng rừng phòng hộ trên tuyến đê biển ở Vĩnh Thái

Nguyễn Trang |

Xã bãi ngang ven biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có bờ biển dài 14,5 km. Toàn xã có trên 850 hộ với khoảng 3.500 nhân khẩu, sinh sống dựa vào nguồn thu nhập chủ yếu từ nghề đi biển, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân nơi đây vốn phải đối mặt với nhiều bất lợi lại thường xuyên hứng chịu những tác động, thiệt hại từ thiên tai, xói lở bờ biển, xâm thực nước biển vào đất liền. Trong nỗ lực khắc phục ảnh hưởng, bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng, mô hình trồng rừng trên tuyến đê biển tại xã Vĩnh Thái mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành vành đai xanh ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái.

Xu hướng mới trong ngành công nghiệp làm đẹp trong mùa dịch COVID-19

Minh Trang |

Ngành kinh doanh mỹ phẩm cũng đang dần thích nghi với những hạn chế do lệnh phong tỏa xã hội như cung cấp dịch vụ trải nghiệm từ xa và phát triển các sản phẩm làm đẹp tại nhà.