Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

Hoàng Phúc |

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra sự thay đổi qua từng ngày âu là việc khó, nhất là với một nơi từng hoang sơ và bị chiến tranh giày xéo như miền cao Quảng Trị. Thế nên thỉnh thoảng đi lên phía núi, tôi cố gắng lưu giữ trong tâm tưởng những hình ảnh thật rõ nét về cảnh sắc và con người.

Ngược đường Chín, chỉ mới tới Khe Sanh đã gặp mưa, hầu như lần nào tôi lên phía Trường Sơn Đông cũng gặp mưa. Những năm chín mươi, đường lên Hướng Hóa hai bên vẫn rậm rịch cây cối và lau lách. Xe đò chạy giữa đường đá như men giữa lối rừng. Mưa vì thế cũng là một thứ mưa rừng dội thẳng xuống đất đỏ.

Nhảy xuống xe, việc đầu tiên tôi tìm nhặt những viên thuốc bồi (thuốc nổ trong bom mìn chưa cháy). Viên thuốc bồi bằng những hạt đậu đen, lấy giấy kẽm trong bao thuốc lá quấn xong đốt lên chúng bay loạn xạ. Ban đêm, đốt thuốc bồi phát sáng bay vờn kinh dị mà chúng tôi gọi là ma trơi. Khái niệm ma trơi như cách dân gian thường thấy khi đi qua bãi tha ma, do khí phốt pho từ xương người bay lên gặp điều kiện thích hợp thì bốc cháy. Đấy là thứ ám ảnh chết chóc từ chiến tranh còn sót lại.

Thuốc bồi ngày đó nằm lẫn trong đất rất nhiều. Sau mỗi trận mưa chúng nổi lên trên mặt đất, chỉ cần đưa tay lùa qua là được một nắm tha hồ chơi. Người lớn dùng thuốc bồi làm thành những quả bộc phá đánh cá dưới sông suối. Cần bữa ăn bữa nhậu chỉ cần ném một quả cá nổi trắng mặt nước. Đấy là những đền bù hời hợt từ chiến tranh mà một thời những người di dân ngỡ rằng ân sủng trời đất ban tặng.

Không ít người trong số di dân còn buôn hàng lậu qua biên giới để thu về những mối lợi phi pháp. Nhưng rồi, họ nhận ra không thể sống qua ngày bằng thứ lao động nông nổi như đánh cá sông săn thú rừng. Họ cũng nhận ra rằng lưu thông hàng hóa chỉ tạo ra giá trị thặng dư chứ không tạo ra giá trị sản phẩm, và không có một nền kinh tế bền vững chỉ dựa vào việc lưu thông hàng hóa. Trong khi chính họ, những người di dân được lên đây để tạo ra sản phẩm, làm nền tảng cho một nền kinh tế mới. Từ đó, họ đã chuyên tâm hơn với mảnh đất của mình, cày xới trồng trọt tạo màu xanh cho đất, để đất nở ra những vụ mùa sây hoa trái.

Khung cảnh núi đồi Khe Sanh thơ mộng - Ảnh: H.P
Khung cảnh núi đồi Khe Sanh thơ mộng - Ảnh: H.P

Trong số hàng ngàn người di dân từ miền xuôi lên mở trời mở đất dựng xây huyện Hướng Hóa sau giải phóng, có những người bà con ruột thịt của tôi. Họ lên đây mang theo ước mơ đổi đời. Những người di dân buổi đầu dựng nhà bằng tranh tre nứa lá, hoặc chặt cây rừng về làm cột kèo, vách xung quanh cũng tráp bằng gỗ, mái lợp tôn sắt rỉ rét thủng lỗ chỗ. Mưa một trận nước re tạt vào đầy nhà. Sau này, mỗi lần lên thăm bà con ở Hướng Hóa lại thấy có thêm những ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố. Xây nhà trên sơn nguyên không phải chuyện dễ, vật liệu chở từ dưới xuôi lên giá cao hơn nhiều. Nhất là cát xây dựng, giá thường cao lên gấp rưỡi.

Nguyên, một người bạn của tôi ở làng, sau khi học hết cấp ba dưới xuôi cũng theo vết chân chú bác lên Hướng Hóa lập nghiệp bằng nghề lái xe ủi. Nguyên mua một cái nhà cũ ngay mặt tiền đường Chín, đúng ra phải nói là một cái ụ đất cao hơn mặt đường tầm năm mét. Lên nhà Nguyên phải leo xe máy ngược một cái dốc vừa ngắn vừa đứng chói vói, thót tim. Thế mà chỉ sau một năm, lên lại không nhận ra chỗ nhà Nguyên nữa. Hỏi, Nguyên bảo vẫn ở chỗ cũ. Nhưng vì nhà mới xây quá kiên cố và đẹp nên tôi không ngờ được. Thêm nữa, không thể nhận ra bởi cái ụ đất đồi đã được Nguyên múc hết đất cho tương đương mặt đường Chín.

Ở bất cứ đâu trên mảnh đất Hướng Hóa cũng có thể nhìn thấy núi, núi ở tầm xa, và núi ngay ở trước mặt. Thì như cái ụ đất chỗ nhà Nguyên tôi vẫn gọi là núi, một hòn núi ở trên một dãy núi đã bị ý chí con người san phẳng. Trăng bao nhiêu tuổi trăng già / núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. Thơ khuyến danh kia còn ẩn ý bất cứ ngọn núi nào dù mới hình thành hay đã có từ thuở hồng hoang, thì trước sức lực con người nó vẫn bị chinh phục, và người đời gọi núi non là thế chăng?

Hướng Hóa, vùng đất nằm trong dải Trường Sơn Bắc vốn là địa máng giữa khối nâng Kon Tum và khối Đông Bắc từ Đại cổ sinh. Vận động uốn nếp Hercynia cùng với quá trình bóc mòn, xâm nhập địa chất nên vùng này vừa có những dãy núi thấp và một số địa hình san bằng. Vì kết cấu địa chất đó, một số ngôi nhà ngay khi đào móng đã phấp phỏng lo sợ. Đào quá sâu sẽ bị hỏng lớp đất dưới do lực kháng địa chất yếu, gọi là hiện tượng sụt đất. Thế mới biết, để có được chữ “an cư” thôi người Hướng Hóa đã phải đánh vật với địa thế. Cùng với cuộc bình địa năm mươi năm trước trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh đã tạo thêm nhiều những hố bom, khoét sâu thêm cái lòng chảo vốn đã nhấp nhô núi đồi, và rải thêm vào đó vô vàn những hạt thuốc bồi không có lợi cho đất.

Mười, hai mươi và năm mươi năm sau từ ngày được giải phóng, những tòa nhà kiên cố hợp kiến trúc thời đại nối nhau mọc lên. Những viên thuốc bồi giờ không còn dày đặc nữa, nó đã bị sự cày xới canh tác vùi sâu trong đất. Con người đã nhấn cái hạt cứng trơ ấy xuống phía dưới để tạo độ thông thoáng cho đất, biến cái bất lợi thành cái có lợi là vậy. Gần đây, lên thăm nhà bà con ở Hướng Hóa, ngồi trước thềm hiên nhà Nguyên ngắm ra vườn cây xanh tốt, tôi hỏi chuyện kiếm ít thuốc bồi chơi như hồi trẻ con thì mới hay là rất hiếm. Sau nửa thế kỷ, những tàn tích cháy nổ đã được xóa hết, âu cũng là sự đáng mừng.

Sự thanh bình hôm nay có thể thấy rõ trong cuộc sống thường nhật cũng như trong đời sống tâm linh. Giữa nhấp nhô núi đồi là những mái nhà kiến trúc hiện đại, xen lẫn mái ngói thân thuộc của đình chùa thờ phụng, chiêm bái. Leo một con dốc cao, tôi vào thăm ngôi chùa Sơn Thành ở gần cửa khẩu Lao Bảo. Chùa nằm giữa triền cỏ mấp mô, nhà sư trụ trì cầm chổi thong thả quét lá khô, xa xa bóng núi xanh nhấp nhô giữa mây trời bảng lảng. Chỉ vậy thôi mà tôi ngẩn ngơ một lúc thật lâu, như thể nơi đây chưa hề có bóng chiến tranh đi qua.

Ngôi chùa Sơn Thành thanh bình trên núi cao Hướng Hóa - Ảnh: H.P

Là lớp người tiên phong di dân sau giải phóng, ông tôi cùng với những hộ dân xã Triệu Thuận (Triệu Phong) lên định cư lập nên thôn Tân Thuận (xã Tân Lập). Buổi đầu vẫn làm ăn theo mô hình tập đoàn, chấm công điểm. Ông được cử làm tập đoàn trưởng, theo dõi việc trồng lúa, trồng sắn. Bác cả tôi thì tham gia dạy lớp bổ túc văn hóa cho bà con. Ngay từ những ngày đầu lên khai hoang, người ta chống chọi với cái đói vẫn không bỏ việc học chữ để nâng cao trình độ văn hóa.  

Buổi đầu ấy, không phải ai cũng nghĩ sẽ gắn bó ở vùng đất này được lâu dài. Bác cả tôi khi ấy mới ngoài hai mươi, chưa lập gia đình, cũng đôi lúc định bỏ về xuôi, không muốn chôn tuổi trẻ ở nơi hoang vắng đất đỏ lau lách như thế. Nhưng rồi, chính bác - người con cả đã chịu khó ở lại lấy vợ, sinh bảy người con và giờ các con của bác đều đã lập gia đình, lại vẫn chọn Hướng Hóa làm nơi định cư lâu dài. Bác nay đã lên chức ông cố.

Những người miền xuôi lên núi khai hoang sau nửa thế kỷ đã làm cho vùng đất sinh sôi nảy nở theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Con đàn cháu tổ đề huề, cùng nhau xây nên ngôi nhà thờ họ Hoàng trên đất Tân Thuận. Đây là tín hiệu của một sự xác lập nơi chốn. Lịch sử mở cõi của người Việt đi theo đường chim bay về hướng mặt trời ngót bảy trăm năm mà người ta gọi chung là Nam tiến. Sang nửa sau thế kỷ hai mươi, những cuộc di dân lại được tổ chức theo trục ngang, qua Đông hoặc sang Tây nhằm “phân bố hợp lý sức sản xuất ở đồng bằng, trung du và miền núi, điều chỉnh sức người giữa các vùng, quy hoạch từng bước các vùng kinh tế, thực hiện sự phân công phối hợp giữa các vùng kinh tế với nhau” (Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Đại hội Đảng lần III, 1960). Và nếu như cuộc Nam tiến “họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”, thì đến cuộc di dân “Tây tiến” sau này họ còn mang theo cả tên dòng họ.

Từ cuộc di dân sau giải phóng đến nay mới hơn bốn chục năm, đất mới cũng chỉ sinh ra thêm ba thế hệ, nhưng con người đã xác lập được chủ quyền. Người ta có thể nhìn vào chuyện này để lưu tâm đến các vấn đề chủ quyền khác. Không có bản khế ước nào minh bạch hơn việc cắm lên đất một cái từ đường họ tộc, để xác quyết cho huyết thống được nối tiếp ở đó. Hơn nữa, không phải tên làng tên xã mà chính dòng giống mới là điều quan trọng để đánh dấu chủ quyền của một dân tộc, bởi huyết thống được quy định từ cấu trúc sinh học của con người.

Phải chăng chính trong mỗi một người di dân đã biết cái câu “Còn non còn nước còn người”, nên họ không chỉ khai phá đất mà luôn biết giữ đất, nhất là những cuộc đất phên dậu miền tây Quảng Trị. Cuộc dịch chuyển nào cũng ứa nước mắt cắt thịt xa, nhưng cứ nhìn vào đất đỏ Hướng Hóa hôm nay bao nhiêu thuốc bồi đã bị vùi sâu trong đất như chôn chặt quá khứ chiến tranh bi thương, càng cảm phục ý chí và nghị lực của những người di dân. Mới hay, sá chi một cuộc đổi đời, vàng phai đá nát cũng rồi người ơi…

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Cà phê Khe Sanh - Giọt giọt trăm năm

Kiên Đồng |

Nghĩ cũng lạ, nơi lam trùng chướng khí Khe Sanh - Hướng Hóa những năm 20 của thế kỷ 20, người sống chung với thú dữ. Thế mà cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng từ rất sớm ở đây, cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Nhưng, mọi thứ như đều có… duyên của nó.

Xây dựng thị trấn Khe Sanh giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Nguyễn Đình Phục |

Cách đây 40 năm, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Trị về điều chỉnh lại mật độ dân cư, di chuyển một bộ phận Nhân dân lên khai thác thế mạnh vùng trung du miền núi, cùng với Nhân dân các xã của huyện Triệu Phong, một bộ phận Nhân dân các thôn: Gia Độ, An Dạ, Trung Yên, An Lợi, Thanh Liêm, Giáo Liêm của xã Triệu Độ đã hăng hái lên xây dựng kinh tế mới ở Hướng Hóa, hình thành tên gọi mới là xã Tân Độ. Trong quá trình xây dựng quê hương, ngày 12/1/1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 07-HĐBT hợp nhất thị trấn Khe Sanh và xã Tân Độ thành đơn vị hành chính là thị trấn Khe Sanh, trung tâm huyện lỵ của huyện Hướng Hóa.

Lên Khe Sanh săn mây, check-in bên ‘cánh đồng điện gió’

Đỗ Ly |

Không cần phải đi đâu xa, đến mảnh đất Khe Sanh, nhóm du khách được chiêm ngưỡng “biển mây” trôi bồng bềnh tuyệt đẹp cùng cánh đồng điện gió rộng lớn. Trong khung cảnh bao la, bát ngát ấy, du khách được mở mang tầm mắt về vẻ đẹp của thiên nhiên.

Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh đề xuất chuyển nhượng cổ phần dự án điện gió ở Hướng Hóa cho nhà đầu tư nước ngoài

Trường Nguyên |

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đang chờ văn bản trả lời của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về việc xin ý kiến xem xét chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần Điện gió Khe Sanh là chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Amaccao Quảng Trị 1 tại huyện Hướng Hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài.