Triệu Phong triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế năm 2024

Nguyễn Vinh |

Dự báo năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động tình hình bất ổn của thế giới, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... nên ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong (Quảng Trị) kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế.


Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đảm bảo kế hoạch đề ra

Nhìn lại năm 2023, nhờ triển khai tốt các giải pháp nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 13,2% đảm bảo kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 68,44 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 7.285,367 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.368 tỉ đồng, đạt kế hoạch đề ra và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới...

Một trong những giải pháp được UBND huyện tập trung thực hiện đó là huy động nguồn lực, ứng phó linh hoạt, kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nên sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt. Năng suất lúa bình quân đạt 61,46 tạ/ ha, tăng 9,2 tạ/ha so với năm 2022. Ngành chăn nuôi tiếp tục dịch chuyển đúng hướng từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất phù hợp với định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi của huyện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chế biến gỗ rừng trồng ở Triệu Phong -Ảnh: N.V
Chế biến gỗ rừng trồng ở Triệu Phong -Ảnh: N.V

Hiện nay trên địa bàn huyện có 56 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, trong đó 41 trang trại quy mô nhỏ, 14 trang trại quy mô vừa, 1 trang trại quy mô lớn. Diện tích rừng trồng phát triển tốt, trong đó hơn 1.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, VFCS. Năm 2023, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt 204.000m3.

Đối với nuôi trồng thủy sản, UBND huyện đã chỉ đạo đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để nuôi thâm canh, duy trì mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, vùng nuôi tôm thấp triều chuyển sang nuôi xen ghép. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt hơn 2.160 tấn, khai thác thủy, hải sản đạt hơn 3.500 tấn, đảm bảo kế hoạch đề ra.

Trên lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển tốt. Đến nay, Cụm công nghiệp Ái Tử có 12 doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, trong đó 6 dự án sản xuất, kinh doanh ổn định, hoạt động có hiệu quả, thu hút trên 350 lao động.

Cụm công nghiệp Đông Ái Tử có 22 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, trong đó 7 doanh nghiệp đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đưa dự án đi vào hoạt động nhiều năm nay, thu hút hơn 1.000 lao động, 8 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng dự án.

Giá trị công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp năm 2023 đạt 1.171,146 tỉ đồng, tăng 13,1% so với năm 2022. Giá trị thương mại- dịch vụ năm 2023 đạt 3.021,989 tỉ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều giải pháp được triển khai trong năm 2024

Năm 2024, UBND huyện Triệu Phong xác định tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 13- 14%; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng.

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất, tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp. Chú trọng chuyển đổi giống lúa theo hướng ngắn ngày, năng suất cao, trong đó lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích, đồng thời xây dựng cánh đồng lớn kết hợp đẩy mạnh ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu. Duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, trong đó chú trọng gắn chăn nuôi với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch của người tiêu dùng.

Về lâm nghiệp, phát triển mạnh mô hình trồng cây gỗ lớn, mở rộng diện tích rừng đăng ký FSC,VFCS cũng như hỗ trợ kinh phí, khuyến khích những nơi có điều kiện chuyển đổi đất rừng sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Về ngư nghiệp, huyện đẩy mạnh các dự án ương, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ở vùng bãi ngang, ven sông, áp dụng quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh, hạn chế sử dụng kháng sinh nhằm tiến đến xây dựng vùng nuôi tôm bền vững, tôm nguyên liệu sạch, đồng thời phát triển nuôi các loài cá nước mặn, lợ có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá bớp, cá dìa, cá kình, cá chim tại vùng nuôi bãi ngang ven biển và vùng ven sông.

Cùng với đó, khuyến khích người dân nuôi kết hợp cá và tôm hoặc cua tại các vùng nuôi tôm ven sông thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả thấp để tránh rủi ro cũng như đưa các giống thủy sản có giá trị cao vào nuôi, tích cực chỉ đạo hoán đổi diện tích, xây dựng và bố trí hệ thống ao hồ nuôi hợp lý. Mặt khác, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi như hệ thống điện sản xuất, đường giao thông, hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước, hệ thống ao xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

Bên cạnh nuôi các loại cá truyền thống sẽ phát triển đa dạng thêm đối tượng nuôi khác, ưu tiên đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá leo, tôm càng xanh. Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, hướng tới phát triển thuỷ sản biển bền vững, hiệu quả. Tích cực vận động, khuyến khích ngư dân tăng cường ra khơi bám biển, đầu tư nâng cấp cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ vươn ra ngư trường xa bờ.

Trên lĩnh vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ, huyện tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 08 ngày 28/4/2022 của Huyện ủy. Theo đó, sẽ tăng cường kiểm tra, hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời kêu gọi các dự án đầu tư vào địa bàn huyện và hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp Tây Triệu Phong.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các chợ, điểm kinh doanh thương mại cũng như thực hiện tốt giải pháp về thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Liên kết sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho gỗ rừng trồng và cao su

Thanh Trúc |

Xác định nông nghiệp- nông dân- nông thôn là định hướng phát triển SX-KD chủ lực, Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai liên kết, thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản của tỉnh. Trong đó, việc liên kết thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng, đặc biệt là gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững (FCS) và mủ cao su đã giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn

Lê An |

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. 

Đẩy mạnh công nghiệp chế biến gỗ

Tú Linh |

Trong tiến trình phát triển, tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa tỉnh trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của miền Trung. Mục tiêu chung là thúc đẩy công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh thành ngành sản xuất quan trọng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đóng góp lớn trong cơ cấu phát triển công nghiệp; có khả năng cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm; tạo việc làm cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Gần 59 tỉ đồng thực hiện dự án Tổ hợp chế biến gỗ Quảng Trị

Kăn Sương |

Ngày 16/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ký ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư là Công ty TNHH Gỗ Quốc gia – Chi nhánh Quảng Trị có địa chỉ tại Phường 5, TP. Đông Hà thực hiện dự án Tổ hợp chế biến gỗ Quảng Trị.