Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ ở Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, những năm qua người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đầu tư, nhân rộng mô hình cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Nhờ vậy, đến nay trên địa bàn huyện có phong phú loại cây ăn quả mới, mang lại thu nhập cao, đặc biệt là tạo ra các sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Trước đây, trên diện tích đất đồi hơn 3 ha, gia đình ông Nguyễn Phương ở thôn Cổ Thành, xã Tân Thành chủ yếu trồng xoài. Tuy nhiên, sau nhiều năm thu hoạch, lợi nhuận mang lại từ loại cây này không đáng kể vì phần lớn những hộ gia đình trồng cây ăn quả ở huyện đều trồng xoài nên nhiều lúc cung vượt cầu, giá cả không ổn định.

Ngày càng có nhiều nông dân ở Hướng Hóa đầu tư phát triển mô hình cây ăn quả sạch - Ảnh: N.T​
Ngày càng có nhiều nông dân ở Hướng Hóa đầu tư phát triển mô hình cây ăn quả sạch - Ảnh: N.T​

Với suy nghĩ muốn phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững phải tích cực đổi mới trong sản xuất nên ông Phương dành thời gian tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, các loại cây ăn quả mới có thể đưa vào trồng ở địa phương. Thông qua nhiều kênh thông tin như ti vi, sách báo, internet… ông thấy có nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ có thể áp dụng với chất đất và khí hậu Hướng Hóa. Bên cạnh đó, xem xét khả năng đầu tư của gia đình, ông quyết định chuyển đổi cây trồng. Năm 2016, cùng với diện tích đất đồi vốn có, ông mua thêm hơn 1 ha đất liền kề để xây dựng mô hình cây ăn quả theo hướng hữu cơ gồm 700 cây mít Thái, 200 cây ổi Đài Loan, 120 cây vú sữa, gần 100 cây chôm chôm, nhãn, vải, xoài, đu đủ...

Đến nay, các loại cây này phát triển tốt, trong đó một số cây đã cho thu hoạch như mít Thái, đu đủ, vú sữa…, mang lại nguồn thu khá cho gia đình. Sản phẩm cây ăn quả của gia đình ông được thương lái đến tận vườn thu mua với giá ổn định.

Để thâm canh theo hướng hữu cơ, ông Phương thu gom phân chuồng từ một số hộ gia đình lân cận về ủ mục và kết hợp với bánh dầu lạc, bã đậu nành, xác cá… để bón cho cây. Phương pháp này còn giúp tăng chất lượng đất, ngăn ngừa các loại bệnh cho cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Phương cho biết: “Trong quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ, tôi tuyệt đối không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp mà chỉ sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học; tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, chỉ dùng máy phát cỏ theo từng đợt để hạn chế rửa trôi đất và xác cỏ tạo mùn bã hữu cơ làm tơi xốp đất. Bên cạnh đó, tôi đầu tư hệ thống tưới nước tự động để chủ động tưới cho cây khi cần thiết cũng như tiết kiệm công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới. Nhằm hạn chế các mầm bệnh trong vườn cây, sau khi thu hoạch quả, chúng tôi vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành tăm yếu và những cành không có khả năng cho quả ra khỏi vườn để tiêu hủy. Thực hiện mô hình này khá công phu nhưng đổi lại người sản xuất cảm thấy đảm bảo về sức khỏe khi không phải tiếp xúc với các loại chất hóa học; yên tâm khi cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sống”.

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình trồng cây ăn quả sạch trên địa bàn huyện cũng như ở những nơi khác, gần 2 năm nay anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở khóm Tân Kim, thị trấn Lao Bảo đầu tư trồng 3 sào ổi Đài Loan với 200 cây. Đến nay, mô hình này của anh đã cho thu hoạch vụ thứ 2. Quá trình trồng, chăm sóc cây anh tuân thủ đúng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là loại cây ăn quả được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra sản phẩm luôn đảm bảo. Với giá bán từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí từ mô hình này anh thu lãi hơn 20 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết: “Ổi Đài Loan là loại cây ăn quả khá dễ trồng và nhanh thu hoạch. Tuy nhiên để cây phát triển tốt tôi phải thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân hữu cơ đúng liều lượng, độ tuổi, giúp cho cây trồng phát triển. Sản phẩm ổi của gia đình tôi được khách hàng đánh giá cao vì rất thơm, giòn, ngọt và đặc biệt là an toàn cho sức khỏe”.

Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ ở Hướng Hóa bước đầu cho kết quả khả quan, đặc biệt là giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng; tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giúp nhà vườn giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững hơn. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 4.295 ha cây ăn quả các loại, trong đó chuối 3.553,5 ha, chanh leo khoảng 17 ha, còn lại là các loại cây ăn quả mới có giá trị kinh tế cao khác như mít Thái, mít tố nữ, chôm chôm, vải, thanh long, bơ… Hiện nay, phần lớn sản phẩm cây ăn quả ở Hướng Hóa có đầu ra tương đối ổn định, riêng các mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp theo hướng hữu cơ thì được thương lái đặt hàng, vào tận vườn thu hái nên người dân yên tâm mở rộng mô hình.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa Hồ Văn Toàn cho biết: “Những năm gần đây, các loại cây ăn quả ở Hướng Hóa đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần không nhỏ vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của các loại cây trồng, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây ăn quả, hỗ trợ triển khai xây dựng một số mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, chuyển sang dùng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ăn quả. Phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong cung ứng giống, vật tư cây trồng, đảm bảo cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, tạo ra các sản phẩm sạch đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, giúp người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa xóa đói giảm nghèo bền vững”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ

B.A |

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình (gồm đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình), đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) và dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) đến Cam Lộ (Quảng Trị).

Trồng dưa lưới ở vùng cát Triệu Sơn

Kăn Sương |

Triệu Sơn là xã có diện tích đất cát khá lớn ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Thời gian qua, xã đã khuyến khích người dân lựa chọn những giống cây trồng, con nuôi mới, phù hợp đưa vào sản xuất và chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Gần đây, mô hình thí điểm trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao được triển khai thực hiện tại địa phương bước đầu mang lại tín hiệu vui cho người dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo hướng hiện đại, bền vững.

Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung

Đan Tâm |

Những năm qua ở tỉnh Quảng Trị, việc trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC phát triển mạnh, thuộc nhóm đứng đầu cả nước; rừng tự nhiên được chú trọng bảo vệ; độ che phủ rừng năm 2020 đạt 50,1%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường. Tỉnh Quảng Trị đang đặt ra lộ trình phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung vào năm 2030.

Hơn 1,2 tỷ đồng triển khai dự án chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị

Anh Vũ |

Nhằm tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gà Cùa, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã cho triển khai dự án mô hình chăn nuôi gà Cùa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020.