Những năm qua ở tỉnh Quảng Trị, việc trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC phát triển mạnh, thuộc nhóm đứng đầu cả nước; rừng tự nhiên được chú trọng bảo vệ; độ che phủ rừng năm 2020 đạt 50,1%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường. Tỉnh Quảng Trị đang đặt ra lộ trình phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung vào năm 2030.
Vùng nguyên liệu gỗ ổn định, chất lượng
Trong những năm qua, với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực và nhận thức của người dân ngày một nâng cao, kinh tế lâm nghiệp ở Quảng Trị đã có sự chuyển biến tích cực và đang trở thành một trong lĩnh vực sản xuất quan trọng. Sự phát triển của phong trào trồng cây, trồng rừng bên cạnh đem lại lợi ích về môi sinh, môi trường, hạn chế thiên tai, lũ lụt, còn tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, thu nhập từ rừng, quan trọng hơn là đã góp phần hình thành, phát triển nền công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Định hướng những năm tới, tỉnh Quảng Trị sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn xung yếu, rừng phòng hộ biên giới, ven biển, bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng. Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, ưu tiên và chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, gắn doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị. Hằng năm, trồng mới rừng tập trung đạt 6.500 - 7.000 ha. Trong các ngành, lĩnh vực đột phá được xác định trong 5 năm tới của tỉnh có chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm tiêu dùng từ gỗ.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên địa bàn. Công tác phát triển rừng luôn được chú trọng nên diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, độ che phủ rừng tăng dần qua các năm. Khi mới lập lại tỉnh (tháng 7/1989), diện tích đất có rừng của Quảng Trị là 98.626 ha, độ che phủ 19,5% (trong đó rừng tự nhiên 78.262 ha, rừng trồng 20.364 ha); đến nay, tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh trên 250.000 ha, độ che phủ rừng đạt 50,1%, trong đó rừng tự nhiên trên 140.000 ha, rừng trồng trên 110.000 ha. Theo khảo sát, diện tích rừng trồng hiện có phục vụ nguyên liệu chế biến gỗ là khoảng trên 86.000 ha. Hằng năm, diện tích rừng trồng đưa vào khai thác khoảng 8.000 ha - 10.000 ha, sản lượng gỗ khai thác trên 850.000 m3 /năm, trong đó cao nhất là huyện Hải Lăng với sản lượng 170.000 m3 ; tiếp đến là huyện Triệu Phong 160.000 m3 , hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh tương đương mỗi huyện là 150.000 m3 ; Cam Lộ vào khoảng 130.000 m3 ; thấp nhất là huyện Hướng Hóa với 10.000 m3.
Quảng Trị còn là tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng cho cả 2 đối tượng là doanh nghiệp và hộ gia đình. Việc cấp chứng chỉ rừng đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của rừng, ổn định đầu ra cho các sản phẩm từ rừng, góp phần giải quyết nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Đáng chú ý là năng suất rừng đã tăng vượt bậc, từ mức 40 - 50 m3 /ha/chu kỳ giai đoạn trước năm 2010, nay đã tăng lên 90 - 100 m3 /ha/chu kỳ nhờ vào việc chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng giống và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ. Với diện tích rừng trồng sản xuất hiện có và năng suất ngày càng nâng cao sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định. Bên cạnh đó còn là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm để xuất khẩu tại các tỉnh trên cả nước.
Hiệu quả từ công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng
Với nguồn tài nguyên dồi dào về gỗ rừng trồng, trong những năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh, trở thành một ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 nhà máy chế biến gỗ rừng trồng được cấp phép, gồm các nhà máy MDF (2 nhà máy với công suất 180.000 m3 gỗ thành phẩm/năm), ghép thanh (15 nhà máy), dăm (16 nhà máy), viên nén năng lượng (2 nhà máy), ván lạng (1 nhà máy), ghép thanh + dăm (4 nhà máy), dăm + ván lạng (1 nhà máy). Tổng công suất theo giấy phép là 2.390.550 tấn/năm, công suất hoạt động 1.233.081 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu của các nhà máy chủ yếu từ rừng trồng trong tỉnh và hai tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế gồm cây thông, keo các loại, mít, bạch đàn, cao su, xoan... Ngoài ra, còn có khoảng 195 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, đặc biệt là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty CP Gỗ MDF VRG Quảng Trị với công suất thiết kế là 120.000 m3 sản phẩm/năm với công nghệ hiện đại đã nâng năng lực chế biến gỗ MDF của Quảng Trị lên trên 180.000 m3 thành phẩm/năm. Bên cạnh sản phẩm gỗ MDF, hằng năm Quảng Trị còn sản xuất, cung cấp cho các tỉnh và phục vụ xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gỗ ván ghép thanh và viên nén năng lượng, xuất qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và cảng Cửa Việt mỗi năm trên 800.000 m3 /năm gỗ dăm, đưa Quảng Trị vào trong nhóm đứng đầu của cả nước về sản xuất gỗ MDF và tỉnh có nguồn gỗ nguyên liệu phong phú trong khu vực.
Với tiềm năng và lợi thế hiện có đã đưa Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Đây là tiềm năng và lợi thế rất lớn cho ngành sản xuất, chế biến gỗ Quảng Trị phát triển và trở thành động lực thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới. Việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho các hộ gia đình nông thôn miền núi, góp phần tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Chú trọng quy hoạch để phát triển bền vững
Để phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung, tỉnh cần tiến hành rà soát, điều chỉnh và ổn định quy hoạch đất lâm nghiệp theo hướng ưu tiên mở rộng diện tích đất quy hoạch phát triển rừng sản xuất, rừng nguyên liệu. Những diện tích đất có điều kiện phát triển rừng trồng sản xuất thì từng bước có kế hoạch điều chuyển sang trồng rừng nguyên liệu kinh doanh gỗ lớn mang lại năng suất và thu nhập cao hơn.
Cần có hướng chỉ đạo phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển vùng. Tổ chức, cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ nhằm cân đối giữa nguồn lực sản xuất và nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định. Từ nay đến năm 2025, tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống nhà máy chế biến lâm sản quy mô vừa và nhỏ và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản quy mô lớn sau năm 2025. Phối hợp Bộ Công thương và các bộ, ngành nhằm tiếp cận, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đặc biệt tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ nhằm phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh sản xuất trong nước. Tăng cường thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và dự báo chính xác tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, rào cản kỹ thuật thương mại... nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hội nhập kinh tế, giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại- Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp gửi sản phẩm giới thiệu tại các trung tâm thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Phối hợp tổ chức các hội thảo, mở các lớp tập huấn về xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm từ gỗ.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà máy khi đi vào hoạt động nhằm chấn chỉnh kịp thời việc hoạt động không đúng chủ trương đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt. Rà soát đánh giá, quy hoạch lại các nhà máy theo hướng chế biến sâu, giảm sản xuất băm dăm để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm; quy hoạch các nhà máy gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất. Các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản cần tăng cường liên doanh, liên kết trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để ổn định nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời chú trọng đăng ký doanh nghiệp đủ điều kiện chế biến gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)