Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh

Trần Cát Linh |

Quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng được mở rộng mang lại nhiều giá trị gia tăng thì cũng làm cho chất thải của hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường. Để nông nghiệp phát triển bền vững, điều tất yếu phải sử dụng các chế phẩm vi sinh xử lý các chất thải trong nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, khép kín, hỗ trợ lẫn nhau và bảo vệ môi trường sinh thái. Với mục tiêu này, Sở Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã xây dựng và giao nhiệm vụ cho Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị thực hiện dự án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý phế thải trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị”.

Nhiều năm qua, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật phổ biến trong sản xuất nông nghiệp đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường như: Phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, chai cứng đất sản xuất, làm giảm chất lượng nông sản…

Ủ phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh -Ảnh: T.C.L​
Ủ phân bón hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh -Ảnh: T.C.L​

Hằng năm, lượng phế phụ phẩm trong trồng trọt và chất thải trong chăn nuôi trở thành nguồn rác thải rắn gây ô nhiễm môi trường khá trầm trọng ở vùng nông thôn. Rơm rạ, thân cây trồng sau khi thu hoạch người dân đốt ngay tại đồng ruộng vừa làm chai cứng đất, ô nhiễm khói bụi, vừa làm chết các vi sinh vật sống trong đất. Chất thải trong chăn nuôi vương vãi khắp nơi vừa ô nhiễm môi trường, vừa làm mất mỹ quan đường làng ngõ xóm, nhất là hiện nay đang xây dựng nông thôn mới. Ước tính bình quân mỗi năm với quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thì lượng phân gia súc khoảng 800 ngàn tấn, lượng rơm rạ khoảng 450 ngàn tấn, trong đó khoảng 50% số lượng được sử dụng để làm thức ăn cho cá, làm biogas, sản xuất nấm, làm thức ăn cho gia súc… còn lại thải ra môi trường hoặc nông dân đem đốt.

Hiện nay, tình hình sản xuất nông nghiệp đang dần trở lại hướng sản xuất theo phương pháp hữu cơ để thay thế phương pháp sản xuất vô cơ. Vì vậy, nhu cầu phân bón hữu cơ là rất lớn. Ước tính mỗi năm số lượng phân hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tối thiểu khoảng 1 triệu tấn. Trong khi đó lượng phân chuồng và phế phụ phẩm trong trồng trọt lại rất nhiều sẽ thành nguyên liệu đáp ứng tốt để xử lý thành phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học nhằm tái sử dụng phế phụ phẩm, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và làm sống lại hệ vi sinh vật hữu ích cải tạo đất.

Dự án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý phế thải trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại tỉnh Quảng Trị” do Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh chủ trì thực hiện trong thời gian 1 năm nhằm xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm trong nông nghiệp, từ đó nhân ra diện rộng để nông dân tự sản xuất hoặc doanh nghiệp đầu tư sản xuất thành phân bón hữu cơ vi sinh.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh Đào Ngọc Hoàng cho biết: “Dự án đã tiến hành khảo sát, đánh giá nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp và xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý phế phụ phẩm thành phân hữu cơ. Các chế phẩm vi sinh là tập hợp các vi sinh vật hữu ích phân giải nhanh các chất hữu cơ làm phân bón, hạn chế mùi hôi từ đống ủ, đối kháng với một số nấm gây bệnh cho cây trồng”. Trung tâm đã lựa chọn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ và thành phố Đông Hà để xây dựng mô hình. Mỗi nơi chọn 20 hộ làm thí điểm, mỗi hộ xử lý 20 m3 phế phụ phẩm/năm. Các loại phế phụ phẩm như rơm rạ, thân cây lạc, ngô, hoa màu được trộn với phân gia súc, gia cầm rồi ủ với chế phẩm sinh học Compo- QTMIC. Thời gian ủ phân khoảng 25- 30 ngày. Nhờ có chế phẩm sinh học làm phân hủy nhanh các chất hữu cơ nên phân hữu cơ vi sinh sau khi ủ tơi xốp, ít hôi.

Trước khi thực hiện dự án này, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tỉnh cũng đã tiến hành thử nghiệm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng”, “Hoàn thiện công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng các chế phẩm vi sinh vật xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp và môi trường nuôi trồng thủy sản”. Kết quả thử nghiệm các nhiệm vụ này được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước và cấp tỉnh thẩm định nghiệm thu.

Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh khá đơn giản, không cần vốn đầu tư nhiều nên người dân có thể tự làm để phục vụ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình hoặc trang trại. Chỉ cần có hố ủ, đưa phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, phân gia súc trộn đều với chế phẩm vi sinh rồi ủ thành đống đủ số ngày quy định là thành phân hữu cơ. Phân hữu cơ vi sinh rất tốt cho cây trồng. Theo tính toán của Hiệp hội phân bón sinh học Việt Nam thì 1 tấn phân hữu cơ từ rơm rạ có 10 kg đạm, 9,5 kg lân và 21 kg kali. Đặc biệt là trong phân hữu cơ vi sinh có vô số tỉ vi sinh vật cải tạo hệ sinh thái trong đất. Bón phân hữu cơ vi sinh giúp cây trồng phát triển bền, năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bón phân vi sinh giúp cải tạo đất, cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng.

Với việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề môi trường, đồng thời tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ tái đầu tư trở lại cho cây trồng, hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ

B.A |

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình (gồm đoạn Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Bùng (Quảng Bình), đoạn Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) và dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) đến Cam Lộ (Quảng Trị).

Trồng dưa lưới ở vùng cát Triệu Sơn

Kăn Sương |

Triệu Sơn là xã có diện tích đất cát khá lớn ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Thời gian qua, xã đã khuyến khích người dân lựa chọn những giống cây trồng, con nuôi mới, phù hợp đưa vào sản xuất và chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Gần đây, mô hình thí điểm trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao được triển khai thực hiện tại địa phương bước đầu mang lại tín hiệu vui cho người dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo hướng hiện đại, bền vững.

Hướng Hóa: Cấp gần 216.000 cây giống cà phê chè catimor để thực hiện tái canh

Khánh Hưng |

Từ ngày 27/8 đến ngày 13/9, UBND huyện Hướng Hóa đã tiến hành cấp gần 216.000 cây giống cà phê chè catimor phục vụ công tác tái canh cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Hải Lăng chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đạo Thiện |

Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, huyện Hải Lăng  (Quảng Trị) đã tập trung triển khai các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Từ việc làm này đã tạo bước đột phá trong việc giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.