Văn hóa và con người Quảng Trị trong hội nhập quốc tế

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |

Quảng Trị là mảnh đất có bề dày lịch sử, là nơi gặp gỡ, hội tụ, giao lưu và để lại nhiều dấu ấn của các nền văn hóa.

Nơi đây từng được coi là vùng đất giao thoa giữa hai nền văn hóa Chămpa và Đại Việt; là điểm dừng chân của người Việt trên bước đường khai phá về phương Nam. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cùng với Nhân dân cả nước, người Quảng Trị đã vượt qua mọi thách thức, gian nan để làm nên những kỳ tích hào hùng trong đấu tranh và xây dựng, để lại cho hậu thế một gia tài di sản văn hóa truyền thống vô cùng quý báu và những phẩm chất tốt đẹp như: yêu nước, thương người, cần cù, hiếu học, thật thà, hòa đồng mà ngày nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đang có trách nhiệm trân trọng, nâng niu, giữ gìn và phát huy.

Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống lịch sử, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã đồng lòng, chung sức bước vào công cuộc xây dựng lại quê hương để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Xuất phát điểm của tỉnh là từ một nền kinh tế thuần nông, cơ sở hạ tầng hết sức thấp kém; công nghiệp hầu như chưa có gì; thường xuyên đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, với hậu quả nặng nề của chiến tranh. Mặt khác, bước vào thời kỳ xây dựng quê hương cũng là lúc tỉnh thực hiện công cuộc đổi mới với bao bỡ ngỡ, khó khăn do yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường, sự cản trở của lối tư duy cũ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng.

Nhưng với ý chí quật cường, tinh thần cần cù, sáng tạo, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương, cùng với sự quan tâm của các địa phương trong khu vực và cả nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và Nhân dân Quảng Trị đã tích cực, bền bỉ phấn đấu, vượt lên hoàn cảnh, thực hiện cuộc bứt phá mạnh mẽ, giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Người Quảng Trị luôn sâu nặng nghĩa tình, nhất mực thủy chung, luôn tri ân những người đã giúp mình và cũng tự biết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình phải chung tay giúp đỡ người khác. Sự tri ân và đề cao nghĩa vụ ấy với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị còn ẩn chứa bên trong đó nghĩa nặng tình sâu của một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa.

Và thực tế cho thấy, cái tình giữa con người với con người trên mảnh đất này thật sự đã trở thành một sức bền gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh to lớn để giúp nhau vượt qua mọi gian nan, thử thách. Nghĩa tình của người Quảng Trị vượt lên trên mọi lợi ích. Hoàn cảnh càng khó khăn thì càng tôi luyện đức tính chịu khó, càng lắng đọng tình sâu, nghĩa nặng. Nghĩa tình đó là một phẩm chất tốt đẹp được hun đúc từ nỗi vất vả, cực nhọc chồng chất, từ những đau đớn của các cuộc chia ly, tao loạn…

Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng Quảng Trị, 36 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt sau hơn 30 năm trong bộn bề khó khăn của những ngày đầu lập lại tỉnh, phẩm chất, cốt cách của con người Quảng Trị lại được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết. Hơn 30 năm không phải là chặng đường dài so với lịch sử của vùng đất Quảng Trị nhưng những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng. Đây chính là nền tảng, sức mạnh và động lực để thúc đẩy tỉnh bứt phá vươn lên, hòa mình vào sự phát triển chung của cả nước.

Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ III, năm 2012 tổ chức tại thành phố Đông Hà - Ảnh: PV
Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ III, năm 2012 tổ chức tại thành phố Đông Hà - Ảnh: PV

Ấn tượng về những thành tựu đó không chỉ thuần túy nhìn vào những con số, chỉ số mà còn là những giá trị không thể lượng hóa về quyết tâm chính trị, về khát vọng vươn lên, về sự đoàn kết chung sức, chung lòng, thống nhất ý chí và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, về sự cần cù, sáng tạo của người dân trong lao động, sản xuất, vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Xác định được tầm quan trọng của văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển, là một tỉnh có bề dày lịch sử văn hóa, Quảng Trị luôn chú trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội. Mảnh đất Quảng Trị mặc dù phải chịu nhiều cuộc tàn phá của chiến tranh và thiên tai nhưng với ý thức gìn giữ và bảo tồn từ bao đời nay của các thế hệ người Quảng Trị, để hôm nay khi tìm lại kho báu văn hóa phi vật thể, chúng ta có thể tự hào và khẳng định đây là một gia tài di sản văn hóa truyền thống khá đồ sộ và vô cùng quý báu, bởi nó khá nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, độc đáo về nội dung và hình thức mà các thế hệ cha ông đã lưu truyền lại cho hậu thế.

Tỉnh có gần 500 di tích danh thắng đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt (gồm 30 điểm di tích thành phần), 21 di tích quốc gia (gồm 30 điểm di tích thành phần) và 476 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích đồ sộ đó có giá trị to lớn trong công tác giáo dục truyền thống đối với thế hệ hôm nay và mai sau cũng như góp phần phát triển du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm, thu hút, hấp dẫn các du khách, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, tỉnh đã từng bước xây dựng, hình thành các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, con người Quảng Trị có lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, để đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh ra nước ngoài, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ việc tổ chức thành công Lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á”, Liên hoan “Tiếng hát Đường 9 xanh”, Lễ hội “Thống nhất non sông” được tổ chức định kỳ thường niên cho thấy Quảng Trị đã vận dụng quy luật riêng của nghệ thuật để phát triển văn hóa, đưa vị thế của văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị.

Quảng Trị đang khát vọng sẽ phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Quảng Trị ra thế giới thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa du lịch với các tổ chức, địa phương trong khu vực và trên thế giới. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng biểu tượng văn hóa và một số sản phẩm văn hóa của tỉnh mang tính thương hiệu khu vực, quốc gia, đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển văn hóa nghệ thuật...

Tăng cường bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh của tỉnh ra nước ngoài. Xây dựng cơ chế, chính sách về văn hóa đối ngoại, đồng thời đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại gắn kết chặt chẽ với cộng đồng người Quảng Trị ở nước ngoài. Quảng Trị sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

Tăng cường triển khai, thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại sau khi COVID-19 được đẩy lùi. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, triển khai các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích, đảm bảo tiến độ và chất lượng, đồng thời tiến hành khảo sát, xây dựng các dự án mới. Tập trung hoàn thiện công tác lập hồ sơ khoa học và pháp lý cho hệ thống di tích đã được xếp hạng đặc cách.

Nhân dân Quảng Trị luôn tự hào với quá khứ bao đời gắn bó bên nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, viết nên những thiên anh hùng ca bất tử. Từ thuở “khai sơn phá thạch” cho đến khi hình thành làng, xã, phố, phường, con người Quảng Trị luôn trau đức, rèn tài: “Trai trọng đức dũng cảm tài lương, gái quý nét đoan trang cần kiệm”, đã bền bỉ, kiên cường vật lộn với những thử thách khắc nghiệt của thiên tai, anh hùng bất khuất đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, giành và giữ quyền độc lập, tự do, cơm no áo ấm cho dân tộc, hun đúc nên những đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động, chất phác, lạc quan trong cuộc sống, tự tin và dũng cảm trước kẻ thù để cùng nhau xây dựng và đưa Quảng Trị ngày càng phát triển bền vững.

50 năm sau ngày Quảng Trị được giải phóng có thể thấy tất cả những nỗ lực, những thành tựu trong phát triển văn hóa và con người đã, đang và sẽ làm cho Quảng Trị ngày càng đổi sắc thay da, tạo niềm tin vững chắc hơn của Nhân dân với Đảng. Đồng thời, tất cả những nỗ lực và thành tựu đó đang từng bước tạo nên bức tranh sống động mang đậm dấu ấn về một vùng đất có bề dày lịch sử, anh hùng trong chiến đấu, năng động, sáng tạo và không ngừng vươn lên phát triển, hội nhập theo hướng bền vững.

Dẫu còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chắc chắn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh, với niềm tin son sắt vào Đảng, Bác Hồ kính yêu, cùng tấm lòng tri ân sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ sẽ tiếp tục cống hiến tất cả công sức, tâm huyết, tài năng và trí tuệ, vững bước tiến lên, quyết tâm xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng chính là ước nguyện, là khát khao cháy bỏng phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa và là lời cam kết đầy trách nhiệm của con người Quảng Trị trong hành trình hội nhập, phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Những điểm thu hút của Lễ hội hoa tam giác mạch 2022

PV |

Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII năm 2022 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 26/11/2022 tại huyện Đồng Văn với nhiều hoạt động đặc sắc. Tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh đang chuẩn bị trồng gần 400 ha hoa tam giác mạch để hoa nở kéo dài từ khoảng trung tuần tháng 10 cho đến hết tháng 12, thời điểm hoa nở rộ nhất sẽ vào đúng dịp lễ hội.

Khảo sát phục dựng lễ hội của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô

Thanh Huyền |

Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa có buổi làm việc với xã Hướng Sơn và xã Lìa để xây dựng kế hoạch phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào Pa Kô và Vân Kiều trên địa bàn.

Những lễ hội tiêu biểu Việt Nam - Lào - Thái Lan

Thanh Hồ |

Giỗ Tổ Hùng Vương ở Việt Nam còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ. Đây được xem là ngày hội truyền thống của người Việt Nam trong và ngoài nước, diễn ra vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Đền Hùng (Phú Thọ) nhằm tưởng nhớ công lao lập nước của các vị vua Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện sự gắn bó của cộng đồng, khẳng định dân tộc Việt Nam có chung một cội nguồn. Ở Việt Nam còn nhiều lễ hội như: Hội đền Trần (Nam Định), Lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình), Hội chùa Hương (Hà Nội)...

Thanh Hóa: Khai mạc lễ hội Lam Kinh kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn

Hoa Mai |

Lễ hội Lam Kinh được duy trì như một truyền thống tốt đẹp, thể hiện sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương đất nước.