Vững tin vào tương lai

Quang Đăng |

Gắn bó với Quảng Trị trong những tháng ngày gian khó, các ông: Hoàng Kim Phùng, Trương Sỹ Tiến và Thái Vĩnh Kháng đã cảm nhận sâu sắc về sự đổi thay của quê hương. Nhân 50 năm giải phóng Quảng Trị, Báo Quảng Trị chia sẻ góc nhìn của các ông về những bước tiến của mảnh đất Quảng Trị thân thương.

 

Ông HOÀNG KIM PHÙNG, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Đông Hà, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ: VUI MỪNG TRƯỚC SỰ ĐỔI MỚI CỦA QUÊ HƯƠNG

 

Năm 28 tuổi, trong lúc làm nhiệm vụ, ông Hoàng Kim Phùng bị địch bắt giam vào nhà lao Côn Đảo. Gần 19 năm sống trong giam cầm, ông không thể nhớ hết số lần bị tra tấn dã man. Trong tháng ngày “thép gang cũng chảy với lửa hờn của lòng ta”, ông Phùng luôn ước mong trở về Quảng Trị để thấy quê hương được giải phóng, hồi sinh và phát triển. Đó cũng chính là động lực giúp ông giữ vững tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu cho đến khi thoát khỏi lao tù.

Trở về Quảng Trị sau ngày giải phóng, ông Hoàng Kim Phùng nhói lòng khi thấy quê hương hoang tàn, đổ nát. Hậu quả chiến tranh hằn in không chỉ ở diện mạo quê hương mà cả trong nét mặt, dáng đi của người dân. Nỗi lo cơm áo đeo bám từng nóc nhà, con người lúc bấy giờ. Riêng chuyện làm thế nào để bà con có nước sạch để sinh hoạt cũng khiến ông Hoàng Kim Phùng và những lãnh đạo cùng thời nhiều đêm trăn trở suy nghĩ. “Giữa muôn vàn điều đáng lo nghĩ, cái làm tôi tin tưởng vào ngày mai chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, sự nỗ lực của người dân rất cao. Vượt qua chiến tranh để có ngày yên bình, ai cũng tin vào tương lai tươi sáng”, ông Phùng chia sẻ.

Theo ông Hoàng Kim Phùng, niềm tin ấy đã sớm trở thành hiện thực. 50 năm kể từ ngày giải phóng, hơn 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã từng bước gặt hái những kết quả quan trọng. Với quyết tâm cao, lãnh đạo, người dân địa phương bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Diện mạo quê hương ngày càng thay da, đổi thịt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng tăng. Khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi được rút ngắn. Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương luôn dành sự quan tâm cho các vị lão thành cách mạng, cựu tù chính trị như ông Phùng.

Ở tuổi 96, sức khỏe giảm sút đi nhiều nhưng ông Hoàng Kim Phùng luôn mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Ông thường xuyên căn dặn con cháu chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Ông TRƯƠNG SỸ TIẾN, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh: CHÚNG TA ĐÃ GẶT HÁI ĐƯỢC THÀNH CÔNG NGOÀI MONG ĐỢI

 

Sau ngày quê hương được giải phóng, bên cạnh niềm vui chiến thắng, cán bộ, người dân Quảng Trị đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách. Ngoài lo cái ăn, cái mặc, một nhiệm vụ cần kíp mà lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm là làm sao để người dân không bị đói cơm, đói chữ. Đúng thời điểm này, ông Trương Sỹ Tiến từ miền Bắc vào Quảng Trị.

Theo dòng hoài niệm, ông Trương Sỹ Tiến cho biết, ấn tượng đầu tiên khi vào Quảng Trị là miền quê vốn yên bình bị hủy diệt nặng nề sau chiến tranh. Cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống của cán bộ và người dân rất khó khăn. “Lúc đó, yêu cầu có tính chất chính trị đặt ra là phải sớm phát triển giáo dục nhằm nâng cao trình độ, nhận thức, vốn hiểu biết của người dân. Nhiệm vụ tiên quyết là phải mở trường, mở lớp cho trẻ em không bị thất học và xóa mù chữ cho người dân”, ông Trương Sỹ Tiến kể.

Đứng trước yêu cầu ấy, những người làm công tác giáo dục thời bấy giờ như ông Trương Sỹ Tiến phải làm việc cật lực bất kể đêm ngày. Niềm vui lớn nhất với họ là khi Ty Giáo dục được thành lập; những ngôi trường mọc lên; người lớn, trẻ em nô nức đến lớp…Từ miền Bắc, hàng trăm giáo viên được chi viện vào Quảng Trị mang theo nhiều niềm tin, hy vọng. Với những bước đi đầy nỗ lực, bài toán về con chữ mà lãnh đạo, người dân Quảng Trị trăn trở, âu lo đã được giải quyết. Công tác giáo dục, đào tạo có bước tiến đã góp phần phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội, kinh tế, quốc phòng-an ninh…Ông Trương Sỹ Tiến tâm sự :“Năm 1973, khi về địa phương công tác, tôi chỉ dám ước ao mỗi xã trên địa bàn có một ngôi trường được “cứng hóa” để không bị sập đổ, hư hỏng mỗi khi mưa bão. Giờ thì chúng ta đã đi xa hơn cả ước mơ ấy, xã nào cũng có 2, 3 trường khang trang, to đẹp”.

Nhìn về quá khứ để đánh giá hiện tại, ông Trương Sỹ Tiến cho rằng, Quảng Trị đã thay đổi vượt bậc từ diện mạo, cơ sở hạ tầng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Lĩnh vực văn hóa-xã hội của tỉnh, đặc biệt là giáo dục đã có bước phát triển rất nhanh, là cơ sở để phát triển kinh tế bền vững. Ông rất mừng là cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa-xã hội của tỉnh có sự phát triển song song, gặt hái nhiều thành tựu. Kinh tế đã và đang làm tiền đề cho sự phát triển của văn hóa-xã hội; ngược lại, văn hóa-xã hội là nội sinh để phát triển kinh tế. Riêng ngành giáo dục, với điểm xuất phát cực kỳ thấp mà có được sự phát triển ngày hôm nay, ông Trương Sỹ Tiến đánh giá, đó là sự phát triển kỳ diệu trên cả ước mơ, kỳ vọng.

Ông THÁI VĨNH KHÁNG, Nguyên Giám đốc Sở Công thương: DỰ CẢM TỐT LÀNH VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUÊ HƯƠNG

 

Thông thường, khi rời xa quê hương, người ta mới thấm thía hết tình yêu của mình dành cho nơi chôn nhau cắt rốn. Điều đó đúng với ông Thái Vĩnh Kháng. Trước kia, ông Kháng đã nhiều lần xa quê. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở Vĩnh Linh, ông từng ra Hà Nội theo học Đại học Bách khoa, rồi “xếp bút nghiên” lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Từ những ngày đầu xa quê đến nhiều năm sau đó, những dòng tin về Quảng Trị vẫn luôn thu hút sự quan tâm của ông. Và cuối cùng ông sung sướng đến tột độ khi nghe tin quê hương được giải phóng.

Giống như phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, những thông tin về quê nhà, đặc biệt là khó khăn, thử thách mà Đảng bộ, chính quyền và người dân Quảng Trị đối diện cứ tác động dần, rồi thôi thúc ông trở về sau 18 năm đi xa. Thời điểm ấy, khát vọng cống hiến cho quê hương dâng cao trong lòng ông Kháng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sau khi được bố trí về công tác đúng chuyên môn được đào tạo, ông luôn nhắc nhủ bản thân phải làm được thật nhiều điều ý nghĩa cho tỉnh. Thế nhưng, quyết tâm ấy không dễ trở thành hiện thực. Bấy giờ, ngành công nghiệp của tỉnh còn non yếu. Ngay Sở Công nghiệp ngày ấy vẫn chưa phân chia tổ chức theo phòng chuyên môn. Được sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh, ông Thái Vĩnh Kháng và đồng nghiệp đã đặt những viên gạch đầu tiên cho thời kỳ mới với những hội thảo, dự án, bản quy hoạch phát triển trung và dài hạn cho từng lĩnh vực kinh tế…Nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp, thương mại của tỉnh phát triển bền vững và toàn diện với tinh thần: “Đoàn kết- dân chủ và dũng cảm”.

Trải qua chặng đường gian khó nên điều dễ hiểu khi ông Thái Vĩnh Kháng luôn quan tâm đến sự phát triển của quê hương nói chung, ngành công thương nói riêng. Ông rất vui khi ngành công thương vững bước đi lên. Giữa tháng 10/2020, theo dõi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ông phấn chấn khi biết lĩnh vực công nghiệp đã được tỉnh chọn là ngành kinh tế đột phá. Ông tin, đây sẽ là bước đi vững chắc, đầy hứa hẹn góp phần quan trọng giúp Quảng Trị nằm trong nhóm 30 tỉnh phát triển của cả nước vào năm 2030. Một tín hiệu vui khác theo ghi nhận của ông Kháng là lãnh đạo tỉnh đã và đang kiên trì tìm kiếm, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án về năng lượng tái tạo.

Lung linh đêm Đông Hà-Từ công viên Lê Duẩn nhìn qua chợ Đông Hà -Ảnh: TRÀ THIẾT
Lung linh đêm Đông Hà-Từ công viên Lê Duẩn nhìn qua chợ Đông Hà -Ảnh: TRÀ THIẾT


Ông Thái Vĩnh Kháng cho biết, mình có dự cảm tốt lành về sự phát triển của quê hương Quảng Trị. Một trong những điều làm nên dự cảm ấy là ông thấy tỉnh đã và đang có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, tài năng với nguồn năng lượng tích cực. “Tôi mong các bạn hãy hành động, làm việc tận tụy như thế hệ chúng tôi nhưng với sự thông minh, nhạy bén ở một cấp độ cao hơn để đem lại cho tỉnh những thành tựu to lớn”, ông Thái Vĩnh Kháng gửi gắm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đông Hà mà tôi mến yêu

Nguyễn Thị Bội Nhiên |

Khi lần đầu tiên nghe bài hát Đông Hà (Quảng Trị), thành phố tương lai của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, đứa bé mười lăm tuổi là tôi đã bồi hồi xúc động. Trước những điều tương tự, con người thường lý giải cho mình rằng nó xuất phát từ lòng yêu quê hương. Cảm giác ấy giờ đây vẫn in đậm trong tôi...

Thêm một công trình trang trí ở TP. Đông Hà thi công khi chưa được cấp phép

Lê Trường |

Ngày 23/4, thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã lập biên bản đình chỉ thi công đối với công trình trang trí cổng chào đèn led tại đường Thanh Niên ở phường Đông Giang, TP. Đông Hà (Quảng Trị) vì công trình chưa được cấp phép.

Khơi thông các nguồn lực đầu tư thúc đẩy Đông Hà phát triển nhanh, bền vững

Huy Nam |

Sau 50 năm giải phóng, Đông Hà (Quảng Trị) đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đảm đương ngày càng tốt hơn vai trò là đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Để có được kết quả này, giải pháp được thành phố đặt lên hàng đầu là xác định rõ các trọng tâm ưu tiên đầu tư phát triển. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND TP. Đông Hà HỒ SỸ TRUNG xung quanh vấn đề này.

TP. Đông Hà kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

Minh Đức |

Ngày 19/4, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Đông Hà (Quảng Trị) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương 28/4 (1972 - 2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự lễ. UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng.