Sau 50 năm giải phóng, Đông Hà (Quảng Trị) đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, đảm đương ngày càng tốt hơn vai trò là đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Để có được kết quả này, giải pháp được thành phố đặt lên hàng đầu là xác định rõ các trọng tâm ưu tiên đầu tư phát triển. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND TP. Đông Hà HỒ SỸ TRUNG xung quanh vấn đề này.
- Thưa đồng chí! Để phát triển một đô thị cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư đóng vai trò dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy phát triển. Đồng chí có thể trao đổi rõ thêm về vấn đề này?
- Tháng 8 năm 2009, thị xã Đông Hà trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Từ đó đến nay, được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về mọi mặt của lãnh đạo tỉnh, Đông Hà đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng, không gian, kiến trúc đô thị được đầu tư; KTXH, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân có bước phát triển nhanh…
Đạt được kết quả này, Đông Hà coi trọng huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Qua đó đã tập trung thực hiện các năm chủ đề về quy hoạch và quản lý quy hoạch; tích cực phối hợp xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành việc lập điều chỉnh quy hoạch phân khu của 9/9 phường; xây dựng kế hoạch rà soát lại các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 trên địa bàn không còn phù hợp với điều kiện thực tế, tính khả thi và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế không cao để điều chỉnh theo đúng quy định, giảm thiểu tối đa sự chồng chéo giữa các quy hoạch.
Chỉ tính riêng trong 5 năm 2016-2020, thành phố đã huy động gần 2.500 tỉ đồng đầu tư cho lĩnh vực này. Nhờ vậy, không gian và kết cấu hạ tầng đô thị được cải thiện, nâng tầm rõ rệt. Sông Hiếu đã trở thành trục trung tâm phát triển của thành phố và đảm đương vai trò bản lề trong chuyển nối không gian kiến trúc, bố trí dân cư giữa hai bờ Bắc Nam để Đông Hà phát triển hài hòa, cân đối; không gian đô thị đã mở rộng về phía Đông, từng bước phát triển về phía Tây. Kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư; hệ thống giao thông kết nối vùng từng bước hoàn thành; đã cơ bản xử lý dứt điểm các nút giao thông nguy hiểm; đầu tư xây dựng vỉa hè các tuyến đường chính; ngầm hóa hệ thống hạ tầng viễn thông theo lộ trình. Các công trình thoát nước, thu gom và xử lý nước thải được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. Hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp đô thị, thương mại-dịch vụ từng bước được đầu tư đồng bộ. Nhiều công viên, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí đô thị, khu đô thị có quy mô được đầu tư tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị... Vị thế của thành phố ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng trong việc kết nối với các đô thị trong vùng và khu vực để trở thành địa bàn động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển khá toàn diện, cơ cấu chuyển dịch hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên. Trong đó, thương mại-dịch vụ phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đóng vai trò mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm các ngành dịch vụ tăng bình quân 10,83%/ năm; công nghiệp-xây dựng duy trì tốc độ phát triển cao, tổng sản phẩm tăng bình quân 11,98%/năm; nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 0,54%; giá trị canh tác đạt 96,5 triệu đồng/ha. Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Đông Hà đạt 12,06%/năm; năm 2021 trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động nặng nề của COVID-19 và hậu quả thiên tai trong năm 2020 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 9,55%.
- Thành tựu đạt được là rất quan trọng và đáng tự hào, tuy vậy Đông Hà vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở trên hành trình phát triển. Theo đồng chí, đâu là những rào cản chính?
- Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng còn thiếu bền vững, quy mô và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Công tác thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Là đô thị có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng đô thị còn thiếu và chưa đồng bộ nhưng việc huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển đô thị; công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang là điểm nghẽn khiến không ít công trình trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, phát triển Đông Hà đạt đô thị loại II nhưng đến nay thành phố vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt theo quy định mới.
- Thưa đồng chí! Nghị quyết số 02-NQ/ TU, ngày 28/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Đông Hà đến năm 2020 khẳng định: “Phát triển tỉnh Quảng Trị phải đầu tư phát triển thành phố Đông Hà và thành phố Đông Hà phát triển để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị”. Vậy, Đông Hà tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nào để khơi thông các nguồn lực thúc đẩy thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới?
- Để xây dựng và phát triển Đông Hà nhanh và bền vững, trong thời gian tới, thành phố cần phải nỗ lực rất lớn để khơi thông các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại; ưu tiên các công trình phúc lợi xã hội, giao thông đô thị và giao thông đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển KTXH thành phố; khai thác có hiệu quả quỹ đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Khai thác tiềm năng lợi thế của thành phố trên Hành lang kinh tế ĐôngTây và tác động của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị cũng như ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thương mại dịch vụ và công nghiệp. Tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn cũng như thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiếp tục rà soát, đề xuất UBND tỉnh xem xét ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp cho thành phố về tài chính, ưu đãi thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho thành phố quản lý một số lĩnh vực KT-XH để tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong công tác quản lý và điều hành phát triển KT-XH. Chủ động phối hợp với các ngành cấp tỉnh khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư. Chủ động, tích cực phối hợp để hoàn thành và triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 để tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố đúng định hướng, văn minh, hiện đại và bền vững, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Trong xu thế hiện nay, việc xây dựng đô thị thông minh là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành đô thị của chính quyền, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Do vậy, Đông Hà sẽ đẩy mạnh xây dựng dựng đô thị thông minh một cách bài bản, khoa học, dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiện có và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Trước mắt, ưu tiên việc tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp để tạo thuận lợi hơn, nhanh hơn trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, môi trường, quy hoạch và trật tự xây dựng…
Quá trình phát triển của một đô thị, quy mô dân số có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Đông Hà tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tăng dân số cơ học trên địa bàn như: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với quy hoạch, xây dựng nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về nhà ở để thu hút lao động. Cùng với đó, thành phố khai thác, phát huy tốt nguồn lực con người, xem đây là yếu tố trung tâm của sự phát triển. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Gắn phát triển nguồn nhân lực với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.
- Xin cảm ơn đồng chí!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)