Những năm gần đây, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương. Trong đó, chanh leo là một trong số cây trồng mới được lựa chọn đưa vào sản xuất và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững ở xã miền núi.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng của huyện, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 50% kinh phí cây giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, năm 2019 xã Hướng Phùng lựa chọn cây chanh leo đưa vào trồng thí điểm và có 12 hộ đăng ký tham gia trồng trên diện tích 7,5 ha. Sau một thời gian trồng thí điểm, kết quả cho thấy cây chanh leo rất thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu cũng như thổ nhưỡng ở đây. Cây không đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí cũng như công chăm sóc. Niên vụ đầu tiên, chanh leo đã đem lại năng suất khá cao, quả to, mọng nước, màu sắc và kích cỡ quả đồng đều. Nhờ có sự liên doanh, liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc cam kết bao tiêu sản phẩm nên chanh leo Hướng Phùng khá thuận lợi về đầu ra. Những diện tích chanh leo đầu tiên tại xã nhờ thế mà đem lại triển vọng mới cho nông nghiệp vùng đất này.
Trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Thúy Hằng ở thôn Đại Độ chủ yếu trồng cà phê chè catimor, sau nhiều năm canh tác, cây già cỗi nên năng suất, chất lượng giảm hẳn. Năm 2019, gia đình chị chuyển đổi một phần diện tích cà phê kém hiệu quả để trồng thử nghiệm 150 gốc chanh leo. Qua niên vụ đầu tiên, chanh leo phát triển rất tốt, cho thu hoạch 4 vụ/năm với tổng sản lượng trên 13 tấn quả tươi, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Từ hiệu quả bước đầu này, gia đình chị mở rộng diện tích qua mỗi năm. Đến nay, chị trồng mới thêm 350 gốc, tất cả đều đã cho thu hoạch ổn định và thu nhập khá. Chị Hằng cho biết: “Quá trình trồng chanh leo, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn tận tình cách trồng và chăm sóc cho cây, nhất là việc bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. So với cà phê và các loại cây trồng khác thì tôi thấy chanh leo trồng và chăm sóc dễ hơn, đầu ra ổn định và cho thu nhập khá hơn. Với đà thuận lợi này, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh leo, chú trọng nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm để phát triển lâu dài”.
Từ những tín hiệu khả quan đầu tiên của chanh leo, xã Hướng Phùng tiếp tục đưa nhiệm vụ phát triển cây chanh leo vào kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp của xã hằng năm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân mở rộng mô hình, nhất là chuyển đổi những diện tích cây trồng lâu năm kém hiệu quả sang trồng chanh leo. Diện tích chanh leo từ đó được nhân rộng, năng suất, chất lượng quả luôn được duy trì tốt. Từ 7,5 ha thí điểm năm 2018, đến nay toàn xã có 32,5 ha chanh leo, riêng từ đầu năm 2021 đến nay Hướng Phùng trồng mới 25 ha. Dự kiến trong tháng 11 năm nay, xã tiếp tục trồng mới thêm 10 ha.
Theo nhiều người trồng chanh leo ở xã cho biết, so với các loại cây trồng khác thì chanh leo tương đối dễ trồng, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài xuất bán sản phẩm cho Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc thì có nhiều thương lái đến tận địa phương để thu mua chanh leo với giá cả hợp lý nên người dân không phải lo sản phẩm tồn đọng. Lúc được giá, chanh leo đạt trên 23 nghìn đồng/kg, còn lại bình quân từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Với năng suất trung bình ước đạt từ 15 - 20 tấn/ha, mỗi năm cho thu 3 - 4 vụ thì các mô hình chanh leo tại Hướng Phùng đem lại nguồn thu nhập khá, giúp người dân cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu.
Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết: “Từ kết quả bước đầu của việc trồng chanh leo, xã xác định đây là một trong những cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, góp phần làm đa dạng hóa cây trồng chất lượng ở địa phương. Do đó, thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển diện tích chanh leo, đồng thời chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo được năng suất cũng như chất lượng để có được thị trường ổn định, tiến tới đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương, dần xây dựng thương hiệu cho chanh leo Hướng Phùng. Để mô hình này được nhân rộng, UBND xã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm hỗ kinh phí giúp người dân có điều kiện phát triển cây chanh leo, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)