Xây dựng mô hình tái canh cây cà phê chè

Phan Việt Toàn |

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đang thực hiện dự án Xây dựng mô hình tái canh cây cà phê chè tại huyện Hướng Hóa, chương trình được thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022. Việc tái canh cà phê được xem là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cà phê là một trong 3 cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh Quảng Trị được trồng tập trung tại huyện Hướng Hóa, với giống chủ lực là cà phê chè Catimor. Tổng diện tích tính đến cuối năm 2019 là 4.910 ha. Năng suất cà phê nhân đạt 11,5 tạ/ha. Nguyên nhân giảm là do diện tích cà phê già cỗi tăng nhanh chiếm khoảng 50% diện tích (đây là diện tích trồng trước năm 2000). Vì vậy, việc tái canh cà phê được xem là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Xuất phát từ thực trạng nhu cầu sản xuất Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị tiến hành thực hiện dự án Xây dựng mô hình tái canh cây cà phê chè.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra vườn cà phê chè sau gần 1 năm trồng
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra vườn cà phê chè sau gần 1 năm trồng

Trong 03 năm triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị sẽ xây dựng 3 mô hình tái canh cà phê chè với tổng quy mô 30 ha. Giống đưa vào mô hình là giống cà phê Catimor và giống THA1, nguồn giống cà phê chè Catimor được lấy từ 2 vườn cây đầu dòng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Quảng Trị công nhận trên địa bàn huyện Hướng Hóa có chất lượng tốt. Hạt giống THA1 được mua từ Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, gieo ươm và sẽ chọn lọc lại đảm bảo độ đồng đều để làm giống. Cây giống trước khi xuất vườn được các cơ quan chuyên môn kiểm tra đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng. Bố trí tại 2 vùng khác nhau của huyện miền núi Hướng Hóa (vùng miền núi 24 ha và vùng biên giới, đặc biệt khó khăn 6 ha).

Tháng 8 năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai trồng 6ha tại xã biên giới Hướng Phùng, với 12 hộ dân tham gia thực hiện, trong đó cơ cấu 5 ha giống Catimor và 1 ha giống THA1 tại thôn Cheng và thôn Bụt Việt. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống và vật tư phân bón để thực hiện mô hình. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai các hoạt động tập huấn kỹ thuật trồng mới; tập huấn hướng dẫn khuyến khích các hộ nông dân ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê sau khi chế biến và rác thải nông nghiệp cho 30 hộ, gồm các hộ trong mô hình và những hộ ngoài mô hình có nhu cầu tham gia học hỏi tái canh cây cà phê. Với cách làm này đã mang lại hiệu quả kép cho các hộ nông dân vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo ra được nguồn phân hữu cơ tại chỗ giúp giảm chi phí đầu tư trong sản xuất vừa nâng cao chất lượng cà phê. Cùng với việc triển khai mô hình Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát cơ sở kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn các hộ dân thực hiện tất cả các hoạt động của mô hình theo đúng mục tiêu, yêu cầu dự án.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Lê Thị Thanh thôn Cheng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết, gia đình bà lên đây lập nghiệp và trồng cà phê từ năm 1996, nay vườn cà phê gia đình đã già cỗi, năng suất các cây trồng suy giảm. “Do điều kiện gia đình khó khăn tôi chưa thực hiện được việc tái canh trồng lại mới, nay có dự án giúp đỡ tôi cũng quyết tâm, vừa cho gia đình mình vừa để cho các hộ dân trong vùng đến tham gia học hỏi. Nhờ chất lượng giống cà phê đưa vào trồng mới đảm bảo chất lượng, cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, giúp tôi biết cách ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây cà phê. Đến nay, sau gần 1 năm cây sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao cây 65 - 70 cm, mỗi cây có 7-9 cặp cành. Cây con ra lộc non mạnh, không có sâu bệnh hại nguy hiểm”.

Ngoài  ra, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho cho 60 học viên là các khuyến nông viên, nông dân ngoài dự án của các xã khác thuộc huyện Hướng Hóa, đây là hoạt động thuộc chương trình đào tạo ngoài mô hình. Thông qua các lớp tập huấn, giảng viên đã trao đổi và truyền đạt cho các học viên về quy trình kỹ thuật tái canh cây cà phê chè như: Điều kiện vườn cà phê đưa vào tái canh; chuẩn bị đất trồng, thời gian và phương pháp làm đất; thời gian luân canh, cây trồng luân canh; giống và tiêu chuẩn chọn giống; kỹ thuật trồng mới cà phê; chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại chính. Với phương pháp học lý thuyết tại lớp và tham quan thực địa tại vườn đã giúp học viên nắm được những kiến thức, qua đây giúp các học viên áp dụng tốt các kỹ thuật tiếp thu được vào vườn cà phê tại hộ gia đình mình. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết, diện tích cà phê trên địa bàn xã Hướng Phùng gần 1.600 ha; tuy nhiên trên 50% diện tích cà phê trong số đó được bà con trồng khá lâu (từ năm 1995 đến năm 2000) nay đã già cỗi, sâu bệnh, cho năng suất thấp, chất lượng không ổn định cần được tái canh. Được tiếp nhận chương trình dự án “Xây dựng mô hình tái canh cây cà phê chè tại tỉnh Quảng Trị” của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia các hộ dân trên địa bàn xã rất phấn khởi. “Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để chỉ đạo, triển khai mô hình có hiệu quả. Mục đích là mang lại hiệu quả cho các hộ tham gia; đồng thời chúng tôi xem đây là mô hình mẫu, qua đây chúng tôi sẽ tổ chức cho các hộ dân trọng vùng đến tham quan học tập và nhân rộng trong thời gian tới”, ông Long cho hay.

Bà Lê Thị Thanh cùng các hộ có mô hình tham gia tập huấn ủ phân
Bà Lê Thị Thanh cùng các hộ có mô hình tham gia tập huấn ủ phân

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục đầu tư chăm sóc năm thứ 2 cho mô hình trồng năm 2020 và triển khai các điểm tái canh trồng mới 12 ha tại xã Hướng Tân, trong đó cơ cấu giống Catimor 10 ha và giống THA1 là 2 ha. Dự án hỗ trợ 70% giống và vật tư (xã vùng miền núi) bao gồm giống cà phê, cây che bóng Bơ Booth và các loại vật tư phân bón thiết yếu.

Việc triển khai dự án “Xây dựng mô hình tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, sử dụng các giống cà phê chè mới năng suất chất lượng cao thay thế diện tích cà phê già cỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sẽ tăng thu nhập cho người sản xuất; giải quyết việc làm, ổn định diện tích cà phê chè, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần phát triển bền vững ngành hàng cà phê.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Xây dựng chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị cho cà phê Khe Sanh

Trần Cát Linh |

Nằm trong khu vực có tiểu vùng khí hậu và các loại đất phù hợp để phát triển cây cà phê, từ lâu huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thành công với cây loại cây trồng này.

Tập trung các giải pháp để triển khai đề án xây dựng vùng cà phê đặc sản

Thanh Trúc |

Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Đề án). Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền xung quanh vấn đề này.

Nhân rộng diện tích cà phê đặc sản Việt Nam

An Phong |

Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, mới đây Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu là phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa; tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới… Đề án được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị. 

Mùa hoa cà phê nở trắng núi đồi

Thiên Sơn |

Những ngày giữa tháng Tư là thời điểm núi đồi huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) khoác lên mình chiếc áo trắng tinh khôi của hoa cà phê vào mùa bung nở rực rỡ với hương thơm nhẹ dịu. Những cánh hoa cà phê nở trắng trời đã tô điểm cho thiên nhiên nơi đây thêm phần tươi đẹp.