Xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu

Phan Việt Toàn |

Theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là 2 trong 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) vùng duyên hải miền Trung đạt 22.900 ha.

Thực hiện văn bản số 1960/UBND-KT ngày 5/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án.

Chế biến gỗ MDF tại Khu công nghiệp Quán Ngang - Ảnh: PV
Chế biến gỗ MDF tại Khu công nghiệp Quán Ngang - Ảnh: PV

Theo đó, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC trên địa bàn 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh đến năm 2025 đạt tổng diện tích 5.000 ha, tỉ lệ gỗ lớn bình quân ở khu vực rừng gỗ lớn khi khai thác tham gia liên kết có đường kính trên 15cm đạt 60%. Tổng diện tích vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn được quy hoạch của tỉnh là 13.000 ha. Trong đó, vùng Hải Lăng, Cam Lộ và Triệu Phong: 8.000 ha, vùng Gio Linh và Vĩnh Linh: 5.000 ha. Ưu tiên vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC, có sự tham gia của các HTX lâm nghiệp.

Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp có rừng 245.816 ha, trong đó rừng tự nhiên là 126.732 ha; rừng trồng là 119.084 ha. Từ năm 2010, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy tỉ lệ che phủ rừng và đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi mô hình trồng rừng gỗ dăm qua mô hình trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ bền vững kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án quốc tế.

Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20.150 ha rừng trồng keo được cấp chứng nhận FSC, trong đó rừng của 3 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9, Triệu Hải và Bến Hải là 17.296 ha và rừng hộ gia đình, HTX là 2.854 ha.

Với hơn 10 năm thực hiện phương thức trồng rừng có chứng nhận FSC đã tạo ra nhiều giá trị tích cực như lợi nhuận về tài chính tăng ít nhất 5 triệu đồng/ha/năm, đóng góp vào việc cải thiện hệ sinh thái nhờ tuân thủ các quy định của FSC về môi trường. Đặc biệt đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp với giá trị gia tăng từ 15-18% so với gỗ không có chứng chỉ.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT, hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh luôn nỗ lực đồng hành với nông dân trong việc trồng rừng thâm canh gỗ lớn, chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn, đáp ứng tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu.

Ông Phan Ngọc Đồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, thời gian qua trung tâm đã triển khai được 25 ha mô hình trồng rừng keo lai dâm hom ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ; trên 100 ha mô hình keo lai nuôi cấy mô thực hiện gỗ lớn; mô hình keo tai tượng giống Úc 40 ha, thực hiện mô hình chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn trên 100 ha. Hiệu quả từ thực hiện gỗ lớn đã khẳng định giá trị cao hơn gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Với giống keo lai mô đã khắc phục hiện tượng ngã đổ do thiên tai. Chất lượng rừng trồng được nâng lên, đáp ứng tiêu chuẩn gỗ chất lượng cao.

Trong những năm tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ chú trọng đưa keo lai mô giống mới có năng suất cao để xây dựng các mô hình; xây dựng các mô hình vườn ươm cải tiến ươm giống keo lai nuôi cấy mô nhằm đáp ứng nguồn giống chất lượng cao cho việc trồng rừng gỗ lớn. Đây là một dự án trọng điểm của Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phê duyệt cho Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thực hiện trong 3 năm (2022 - 2024), với số lượng 3 vườn ươm trên mỗi tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Nguyễn Phú Quốc, những năm qua, công tác trồng rừng phát triển lâm nghiệp được tỉnh chú trọng, với mục tiêu đặt ra là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, ưu tiên và chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, gắn doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị. Hằng năm, trồng mới rừng tập trung đạt 6.500 - 7.000 ha; duy trì độ che phủ rừng ổn định 50%. Đưa tỉnh Quảng Trị trở thành một trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.

Thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Quảng Trị được lựa chọn xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng. Ngành nông nghiệp tỉnh đang nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.

Cụ thể đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 162 về quy định chính sách hỗ trợ, phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, trong đó quy định 1 năm hỗ trợ cho các HTX, cá nhân, hộ gia đình trồng rừng gỗ lớn tối đa 1.000 ha gắn với thực hiện chứng chỉ FSC; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân chuyển đổi từ kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang thực hiện gỗ lớn; chỉ đạo công tác khuyến lâm về tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về trồng rừng gỗ lớn, xây dựng các mô hình trình diễn về trồng rừng gỗ lớn ứng dụng cây keo lai mô vào thực hiện.

Chú trọng công tác giống chất lượng cao đảm bảo khả năng cung cấp gỗ lớn; đẩy mạnh công tác kiểm soát nguồn giống đưa vào trồng rừng; tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án thí điểm vùng nguyên liệu gỗ lớn và lộ trình cụ thể để thực hiện thành công kế hoạch.

Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đạt chuẩn phục vụ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đó là hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiến tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Góp phần thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Từ đó sẽ thu hút các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh. Liên kết hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển hệ thống HTX lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, cải thiện đời sống của người trồng rừng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xử phạt 3 doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động trái phép

Trường Nguyên |

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa có thông báo về việc xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

2 nhà máy chế biến dăm gỗ ở Cam Lộ hoạt động không phép

Trường Nguyên |

UBND huyện Cam Lộ vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về tình hình hoạt động của các dự án chế biến dăm gỗ trên địa bàn huyện.

Cháy lớn thiêu rụi xưởng chế biến mủ cao su, ước tính thiệt hại hơn 800 triệu đồng

Bảo Phú |

Khoảng 19h50 ngày 15/8/2022, xảy ra vụ cháy lớn ở xưởng hong - sấy mủ cao su của bà  Lê Thị Phi, trú tại thôn Đồng Tâm, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị. 

Giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu

Lê An |

Ngày 9/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị tổ chức diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp với chủ đề giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ phục vụ ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu.