Các cuộc xung đột, khủng hoảng kinh tế và hiện tượng thời tiết cực đoan đã đẩy số người bị thiếu lương thực trầm trọng lên 155 triệu người trong năm 2020, mức cao nhất trong 5 năm qua.
Đánh giá trên được đưa ra trong báo cáo công bố ngày 5/5 của Mạng lưới Toàn cầu chống khủng hoảng lương thực gồm Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Liên minh châu Âu (EU), các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.
Theo báo cáo mang tên "Báo cáo toàn cầu về khủng hoảng lương thực", trong năm 2020, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã ảnh hưởng tới 155 triệu người tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng trên 20 triệu người so với năm 2019. Trong số những người này có 28 triệu người ở 28 quốc gia hứng chịu nạn đói nghiêm trọng với CHDC Congo, Yemen và Afghanistan chịu tác động mạnh nhất. 133.000 người ở Burkina Faso, Nam Sudan và Yemen được cho là đang trong giai đoạn tồi tệ nhất của tình trạng mất an ninh lương thực.
Châu Phi vẫn là lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng lương thực với khoảng 98 triệu người bị ảnh hưởng, chiếm 63% tổng số người đang phải đối mặt với nạn đói trên toàn cầu, tăng so với 54% trong năm 2019.Kể từ khi báo cáo đầu tiên như vậy được công bố năm 2017, tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng liên tục gia tăng trên thế giới. Trong một tuyên bố chung, các tổ chức trên cho biết những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là xung đột vũ trang, khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh và hiện tượng thời tiết cực đoan trong cả năm 2020.
Chiến tranh là nguyên nhân hàng đầu đẩy gần 100 triệu người vào tình cảnh mất an ninh lương thực trầm trọng trong năm 2020, tăng so với con số 77 triệu người của một năm trước đó. Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm ngoái đã "thế chỗ" của biến đổi khí hậu, trở thành nguyên nhân thứ hai, khiến trên 40 triệu người bị ảnh hưởng, so với mức 24 triệu người năm 2019. Các hiện tượng thời tiết cực đoan là nguyên nhân lớn thứ ba, đe dọa cuộc sống của trên 15 triệu người, giảm so với 34 triệu người năm 2019.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự mong manh của hệ thống lương thực toàn cầu, qua đó đòi hỏi cần phải có một hệ thống công bằng, bền vững và linh hoạt hơn nhằm đảm bảo cung cấp lương thực một cách ổn định và liên tục cho khoảng 8,5 tỷ người trên thế giới vào năm 2030. Các tổ chức này cũng lưu ý rằng các cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài đang cho thấy các xu hướng về môi trường, xã hội và kinh tế cùng với xung đột và mất an ninh "đang làm xói mòn khả năng phục hồi của các hệ thống nông nghiệp - lương thực". Nếu các xu hướng hiện tại không được đảo ngược, các cuộc khủng hoảng lương thực sẽ gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cần giải quyết đồng thời nạn đói và xung đột, vì hai vấn đề này có tác động qua lại với nhau. Theo ông, giải quyết nạn đói là nền tảng cho sự ổn định và hòa bình. Trong khi đó, Tổng Giám đốc FAO, ông Khuất Đông Ngọc cũng kêu gọi giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra nạn đói nghiêm trọng và giúp cho hệ thống nông nghiệp-lương thực hoạt động hiệu quả, linh hoạt, bền vững và toàn diện hơn.
(Nguồn: TTXVN)