Tại Thái Lan, tình trạng đói nghèo ở tầng lớp trung lưu thành thị vẫn đang tăng nhanh.
Ngày 30/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra báo cáo giám sát kinh tế mới nhất dự đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ sụt giảm tăng trưởng 5% trong năm 2020, mức giảm sâu có thể là 6,5%. Ngoài ra còn xếp Thái Lan vào các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất trong khu vực Đông Nam Á do ảnh hưởng của dịch.
Không chỉ vậy, Ngân hàng Thái Lan (BOT) đưa ra công bố điều chỉnh, ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 8,1%, tệ hơn mức giảm 7,6% thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á bắt nguồn từ Thái Lan năm 1997. Các chuyên gia đều cho rằng kinh tế Thái Lan cần rất nhiều thời gian để phục hồi.
Dự báo của WB cho rằng GDP của Thái Lan sẽ tăng trở lại 4,1% vào năm 2021 và 3,6% vào năm 2022 nhưng vấn đề nằm ở việc tác động của đại dịch khiến tình trạng nghèo đói ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu của quốc gia này.
Số người có thu nhập dưới 5,5 USD/ngày tại đây đã tăng gấp đôi từ 4,7 triệu người trong quý I năm 2020 lên 9,7 triệu người trong quý II. Các cơ sở kinh doanh đóng cửa khiến tình trạng nghèo đói lan rộng.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã cho triển khai gói hỗ trợ giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh trị giá 2,2 ngàn tỷ baht (tương đương 71,2 tỷ USD), chiếm gần 13% GDP. Đối tượng nhận hỗ trợ chủ yếu là hộ gia đình dễ tổn thương, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng. Nước này còn trích ngân sách 500 tỷ baht (tương đương 16,2 tỷ USD) cung cấp cho khoảng 15 triệu người mất việc, bị cắt giảm lương vì dịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì nạn nghèo đói và thất nghiệp không thể chấm dứt ngay hay trong thời gian ngắn.
(Nguồn: Phụ nữ mới)