3 điều cần lưu ý khi tắm vào ngày rét đậm

Thiên Nhan |

Vào mùa rét, sáng sớm, tối muộn là hai thời điểm không nên tắm bởi dễ gây cảm lạnh và nguy hiểm cho chúng ta.

Theo các bác sĩ, rét đậm kéo dài khiến số bệnh nhân bị đột quỵ và bệnh lý tim mạch khác gia tăng nhanh. Đột quỵ có thể xảy ra trong bất kỳ hoạt động nào của con người. Thực tế, tắm là hoạt động giúp con người thư giãn, tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, tắm gội sai cách có thể là con dao hai lưỡi khiến chúng ta gặp nguy hiểm.

Khởi động, làm ấm cơ thể trước khi tắm

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trước khi tắm dù bằng nước lạnh hay nóng, chúng ta cần khởi động, làm ấm cơ thể trong vòng 10-15 phút. Điều này giúp cơ thể dần thích nghi với nền nhiệt độ lạnh tự nhiên, các khớp tiết sinh chất nhờn và tăng lưu thông trong mạch máu.

Trời rét khiến các mạch máu co lại, huyết áp tăng vọt, dễ gây tai biến. Đặc biệt là người già, trẻ nhỏ khi vừa ra khỏi chăn ấm. Tình trạng này dễ dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.

Bạn nên khởi động, làm ấm cơ thể trước khi tắm vào mùa đông. Ảnh: Freepik.
Bạn nên khởi động, làm ấm cơ thể trước khi tắm vào mùa đông. Ảnh: Freepik.

Nếu bạn tắm ngay, cơ thể không kịp điều chỉnh nhiệt độ so với nước, làm huyết áp thay đổi đột ngột. Kết quả là nạn nhân bị thiếu máu cục bộ trong mạch máu não, dễ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Sau khi vận động nhẹ, bạn nên dùng khăn thấm nước rồi lau khắp cơ thể. Việc làm ướt tạo cảm giác thích nghi dần với nước, nhất là với người có thói quen tắm nước lạnh trong mùa đông.

Không gội đầu bằng nước lạnh

Đầu là nơi có não bộ và nhiều dây thần kinh trung ương. Tiếp xúc nước lạnh đột ngột làm tăng trương lực giao cảm, khiến nhiệt độ của da giảm nhanh. Kết quả, nạn nhân bị tăng huyết áp. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người mắc sẵn các bệnh nền là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.

Thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn. Nước lạnh dội thẳng vào đầu sẽ khiến tình trạng trên thêm trầm trọng. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên sử dụng nước nóng, ấm khi gội đầu để ngăn các nguy hại tới sức khỏe.

Người dân cũng không nên tắm muộn hoặc sáng sớm. Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, nửa đêm là thời điểm nhiệt độ xuống rất thấp, cơ thể con người theo nhịp sinh học cần được nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động. Các cơ chế điều nhiệt của cơ thể gần như ở mức thấp nhất. Do đó, việc tắm đêm, đặc biệt ở nơi không đảm bảo nhiệt độ là điều nguy hiểm, có hại cho sức khỏe.

Không tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh

Mùa đông thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ hạ xuống thấp. Để tránh cho cơ thể không bị cảm lạnh, nhiều người có thói quen để nước nóng già mới tắm.

Vào mùa đông, chúng ta không nên gội đầu bằng nước lạnh vì dễ gây choáng váng, đau đầu, thậm chí đột quỵ. Ảnh: Freepik.
Vào mùa đông, chúng ta không nên gội đầu bằng nước lạnh vì dễ gây choáng váng, đau đầu, thậm chí đột quỵ. Ảnh: Freepik.

Trong mùa hè, chúng ta thường thích tắm nước lạnh vì cho rằng nó giúp cơ thể sảng khoái, thư giãn hơn sau một ngày làm việc. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả, nếu vô tình, chúng ta có thể khiến bản thân rơi vào nguy hiểm vì sai lầm khi tắm.

Tắm nước quá nóng gây mất cân bằng thân nhiệt, mạch bị giãn quá mức, khiến chúng ta dễ gặp tình trạng chóng mặt, choáng váng. Lượng máu đến tim, não giảm có thể là thủ phạm khiến nhiều người tử vong. Nước nóng già còn khiến da khô, nứt nẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Theo bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, thói quen tắm nước nóng kéo dài chủ yếu liên quan khô da, kéo theo cách hệ lụy khác như nứt nẻ, chảy nước, mẩn ngứa. Vì thế nhiều người nên xem lại cách tắm hàng ngày. Trẻ nhỏ nên tắm nước ở nhiệt độ 37-38 độ C. Người lớn chỉ nên tắm nước ở độ mát nhất mà cơ thể có thể chịu đựng được. Nước tắm nên được pha với tỷ lệ 2 lạnh - 1 nóng.

Ngoài ra, ngâm mình trong nước lạnh đột ngột cũng có nguy cơ dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc mất trí nhớ thoáng qua. Nếu có thói quen tắm nước lạnh vào mùa đông, bạn nên tắm càng nhanh càng tốt. Sau khi làm ướt cơ thể, dội trôi bụi bẩn, chúng ta ngay lập tức nên xoa xà bông, sữa tắm và rửa sạch bằng nước.

Cuối cùng, cơ thể cần được lau khô và mặc đồ đủ ấm, ngồi trong phòng kín gió. Tắm xong bằng nước lạnh trong mùa đông nhiều người có cảm giác rét run. Khi đó, bạn nên pha trà gừng nóng để uống, kết hợp mặc đủ quần áo ấm, giúp thân nhiệt ổn định trở lại.

Khi tắm trong mùa đông, chúng ta cũng cần che chắn kín gió, tuyệt đối không mở cửa sổ. Bác sĩ Tuấn khuyến cáo hơi từ nước nóng bốc lên kết hợp gió lạnh dễ khiến chúng ta bị cảm, thậm chí dẫn tới đột quỵ nếu nạn nhân đang sẵn các tình trạng sức khỏe. Chúng ta cũng không nên tắm quá lâu trong mùa đông. Thông thường, mỗi buổi tắm chỉ nên kéo dài từ 5-10 phút tổng cộng.

Trong điều kiện thời tiết vẫn có xu hướng rét đậm, rét hại kéo dài như hiện nay, bác sĩ khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột. Chúng ta nên bổ sung các thực phẩm, thức ăn ấm, nóng, giàu giá trị dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể, tránh bị lạnh đột ngột.

(Nguồn: Zing)

TAGS

Số người nhập viện do giá rét tăng cao

Minh Ánh |

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ đêm nay 7.1, miền Bắc trở rét với nhiệt độ thấp nhất 7-10 độ C. Vào những dịp như thế này, sức khoẻ của người cao tuổi và trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng,..

Sa Pa dự báo có rét đậm, khách đi du lịch cần chú ý những gì?

Thiều Trang |

Theo dự báo thời tiết, nhiệt độ về đêm và sáng sớm của Sa Pa (Lào Cai) ngày hôm nay xuống thấp đến 1-2 độ C, rét đậm, rét hại bao phủ. Vì vậy, nếu có dự định đi du lịch tại đây du khách cần chú ý một số điều sau.

Trời rét, bệnh nhân đột quỵ gia tăng, đâu là nguyên nhân?

H. Giang - P. CÔng |

Thời tiết chuyển lạnh đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là những người già và những người có bệnh mãn tính, số người mắc đột quỵ tăng lên 20% trong những ngày gần đây.

Nơi nào rét đậm, rét hại nhất trong đợt không khí lạnh mạnh này?

An An |

Trong đợt không khí lạnh cường độ mạnh đang tác động đến miền Bắc, trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai.