Giáo sư Nguyễn Viết Tiến cho hay có rất nhiều người khát khao mong có con trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, nhưng không phải ai cũng đạt được mong muốn.
Thống kê mới nhất của ngành y tế cho thấy vấn đề vô sinh hiếm muộn đang là gánh nặng trong lĩnh vực sản phụ khoa của Việt Nam, với tỷ lệ vô sinh hiếm muộn là gần 8% dân số.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ vô sinh trên thế giới trung bình từ 6%-12%. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất. Còn theo nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay là 7,7%, đáng báo động có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến-Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, chuyên gia của Bệnh viện Phụ sản Thiện An cho hay có rất nhiều người khát khao mong có con trong quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, nhưng không phải ai cũng đạt được mong muốn.
Một trong những lý do khiến nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn chưa đạt được đích đến bởi vẫn chưa hiểu đúng về các phương pháp điều trị bệnh. Hầu hết mọi người cho rằng thụ tinh trong ống nghiệm là con đường duy nhất để chữa vô sinh, hiếm muộn nhưng thực chất không không phải như vậy.
Nhân dịp Ngày dân số thế giới (11/7), giáo sư Nguyễn Viết Tiến đã có những phân tích, chỉ dẫn các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn điều trị thành công nên nắm được 5 điểm lưu ý:
1. Không áp đặt bác sỹ làm theo những kiến thức trên mạng
Điều trị vô sinh, hiếm muộn không thể vội vã được. Về phía người bệnh, nên nghe theo tư vấn của bác sỹ và không nên áp đặt cho bác sỹ. Nhiều người bệnh đọc các kiến thức trên mạng và yêu cầu bác sỹ áp dụng theo, điều này không nên.
Có những kiến thức trên mạng đúng nhưng có những kiến thức chưa đúng, chưa phù hợp về mặt khoa học. Tuy nhiên, kể cả các kiến thức đúng thì khi áp dụng vào cho bệnh nhân chưa chắc đã phù hợp vì mỗi bệnh nhân một khác, mức độ, nguyên nhân bệnh khác nhau nên việc điều trị cũng khác nhau.
2. Không hoang mang, liên tục thay đổi cơ sở điều trị
Nhiều cặp vợ chồng sau khi áp dụng kỹ thuật điều trị một lần và thất bại tỏ ra hoang mang, sợ hãi và muốn rút ngắn thời gian điều trị. Tuy nhiên, khi càng có tâm lý nóng vội thì tỷ lệ thành công điều trị càng thấp hơn.
Đối với nhiều bệnh nhân điều trị vô sinh không thành công lại quay lại đúng cơ sở đó thì bác sỹ sẽ dựa vào quá trình trước đây điều trị không thành công để đưa ra giải pháp phù hợp, khắc phục những sai lầm hoặc những nguyên nhân chưa tìm được. Nếu bệnh nhân thay đổi sang cơ sở khác, phải điều trị từ đầu, sẽ rất mệt mỏi cho bệnh nhân. Bác sỹ cũng phải tìm hiểu lại toàn bộ quá trình điều trị trước đây của bệnh nhân. Vì vậy, không nên chuyển quá nhiều cơ sở điều trị.
Với bác sỹ, nếu đã điều trị không thành công mà biết có thể bác sỹ khác có kinh nghiệm hơn thì nên đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên hết và nên giới thiệu bệnh nhân đến các nơi khác để điều trị.
3. Chuẩn bị sẵn sàng về kinh tế
Vô sinh hiếm muộn có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, ở cả người giàu, người nghèo, người ở nông thôn hay thành thị. Hiện nay, điều trị vô sinh hiếm muộn chưa được hưởng chế độ bảo hiểm. Các kỹ thuật điều trị trong vô sinh tương đối đắt tiền: phẫu thuật nội soi vô sinh hiếm muộn, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm chi phí khá cao.
Người bệnh không chỉ tốn một hay hai triệu mà tốn tới hàng trăm triệu đồng để điều trị vô sinh. Do đó, khi điều trị vô sinh hiếm muộn, người bệnh phải chuẩn bị kinh phí và các bác sỹ nên cố gắng tìm phương pháp nào ít tốn kém, phù hợp nhất và đạt được hiệu quả tốt cho bệnh nhân.
4. Thụ tinh trong ống nghiệm không phải là biện pháp duy nhất
Để điều trị vô sinh, hiếm muộn có nhiều biện pháp gồm: điều trị chống viêm nhiễm, kích thích buồng trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung, phẫu thuật tạo hình, thụ tinh trong ống nghiệm… Thụ tinh trong ống nghiệm không phải lúc nào cũng phù hợp với tất cả các trường hợp.
Trong điều trị vô sinh hiếm muộn, điều đầu tiên phải tìm kiếm được nguyên nhân gây ra vô sinh, hiếm muộn. Sau đó sẽ tìm biện pháp hiệu quả, chi phí ít nhất và gần với tự nhiên nhất. Vô sinh hiếm muộn do rất nhiều nguyên nhân, vô sinh không phải nguyên nhân chỉ ở phía phụ nữ mà do cả vợ và chồng, tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bác sỹ sẽ điều trị cho người bệnh.
Chúng ta gặp rất nhiều trường hợp hai vợ chồng điều trị vô sinh nhiều năm không có con nhưng sau đó, hai người ly hôn và đều lập gia dình mới thì cả hai lại đều sinh con tự nhiên được với người khác. Hiện nay, vô sinh do nữ chiếm khoảng hơn 40%, vô sinh do nam giới chiếm khoảng hơn 40% còn 20% còn lại vô sinh do cả nam và nữ.
Có nhiều trường hợp, bác sỹ đã làm đầy đủ các thăm dò: thăm dò nội tiết, chức năng của các cơ quan sinh sản, cấu tạo của các cơ quan sinh dục. Như ở nữ: Vòi trứng viêm nhiễm, vòi trứng tắc, do những nguyên nhân miễn dịch, tình trùng bị tiêu diệt tiêu diệt trong môi trường âm đạo hoặc do những bất thường cơ quan sinh dục (tử cung có vách ngăn, màng ngăn âm đạo, nhi tử cung)…
Ở Nam giới vô sinh do các nguyên nhân: không có ống dẫn tinh, không có tinh trùng, chất lượng tinh trùng kém… Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng tìm ra được nguyên nhân. Đối với những trường hợp không rõ nguyên nhân, bác sỹ sẽ điều trị bao vây vì người bệnh không có những nguyên nhân thường gặp mà vẫn xảy ra.
5. Điều trị vô sinh, hiếm muộn vẫn có thể dẫn tới tai biến nghiêm trọng
Trong y học, bất kỳ một can thiệp nhỏ nào cũng có khả năng dẫn tới tai biến và dẫn tới tử vong cho bệnh nhân.Trong điều trị vô sinh cũng có những tai biến dẫn tới tử vong.
Khi thụ tinh ống nghiệm, sẽ thực hiện kích buồng trứng. Nếu quá kích buồng trứng, bệnh nhân bị chảy máu, rối loạn đông máu, điều trị rất khó khăn, tốn kém, có thể làm tổn thương các mạch máu lớn, chảy máu... Ngoài ra, sau mỗi lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công, buồng trứng sẽ bị tổn thương vì bị mất đi một số lượng noãn và hao tổn chức năng nội tiết.
Các biện pháp phẫu thuật trong điều trị vô sinh, hiếm muộn cũng gây những tai biến cho bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, có thể không giữ được tử cung, phải cắt bỏ tử cung của bệnh nhân.
Có bệnh nhân sau phẫu thuật, tử cung của bệnh nhân bị biến dạng, khó khăn cho quá trình mang thai sau này. Có trường hợp do lạm dụng bơm hơi, bơm thuốc khi bị tắc vòi trứng khiến ống dẫn chứng bị giãn, ứ dịch, hỏng vòi trứng...
(Nguồn: Vietnam+)