Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Từ đầu năm 2020 đến nay, COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, trong đó ngành giáo dục chịu ảnh hưởng trực tiếp, tác động lâu dài, khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Do đó, ngành đã tổ chức, điều chỉnh các hoạt động dạy và học để thích ứng. Nhiều nơi tổ chức dạy học một cách linh hoạt, kết hợp giữa dạy học trực tiếp với trực tuyến và trên truyền hình.
Tuy nhiên, việc trẻ em không được đến trường trong thời gian dài, hoặc đến trường rất ít không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề tâm sinh lý của trẻ và có những tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong bối cảnh hiện nay, khi tỉ lệ tiêm vắc xin đạt đến một tỉ lệ rất cao, các điều kiện về thuốc chữa COVID-19 đã có những cải thiện, điều kiện phòng chống dịch và hiểu biết của người dân về phòng, chống dịch đã được nâng cao; các địa phương đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch… thì việc từng bước mở cửa trường học là cần thiết. Với khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước trong phòng chống dịch, đây là lúc nước ta cần có những điều chỉnh trong việc mở cửa trường học an toàn.
Vì vậy, đề nghị các địa phương thực hiện rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, cán bộ, nhà giáo khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp tại trường. Các địa bàn có nguy cơ thấp hoặc trung bình có thể cho trẻ mầm non, học sinh tới trường nếu đảm bảo các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được ban hành của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế. Đồng thời tiếp tục củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng chuyển trạng thái sang các hình thức học tập khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tại hội thảo, đại diện UNICEF tại Việt Nam đã nêu nhiều hệ lụy của việc trường học đóng cửa kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất học sinh, nhiều giáo viên thất nghiệp, báo động về tình trạng thiếu giáo viên sau khi trường học mở cửa trở lại. Các đại biểu tập bàn giải pháp thúc đẩy việc sớm mở cửa trường học an toàn phòng, chống dịch tại các địa phương.
Do COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện nay cả nước có gần 20 triệu trẻ mầm non, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng kế hoạch, điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực của đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)