Thời điểm COVID-19 có những diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố phải đóng cửa. Để việc kinh doanh không gián đoạn, nhiều người đã linh động chuyển sang hình thức bán hàng ăn online, đáp ứng nhu cầu của rất nhiều khách hàng trên địa bàn khi việc đi lại bị hạn chế.
Quán Lẩu Tứ Xuyên có địa chỉ tại 179/5 Lê Duẩn, Khu phố 3, Phường 2, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bắt đầu kinh doanh thực phẩm tại chỗ, nhận cung cấp dịch vụ ẩm thực phục vụ cưới, hỏi, sinh nhật, hội nghị... đã gần 20 năm nay. Lẩu Tứ Xuyên là một trong những hàng quán kinh doanh khá nổi tiếng ở thành phố Đông Hà, lượng khách đến quán trong những năm qua rất lớn nên doanh thu đem lại cũng không hề nhỏ. Thế nhưng từ khi COVID-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh đến nay, hoạt động của quán bị gián đoạn thường xuyên.
Sau nhiều lần suy nghĩ, tại sao cơ sở, trang thiết bị, nhân lực, tay nghề chế biến thực phẩm đều sẵn có mà cứ phải ngồi chờ hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, anh Tống Sỹ Thu (48 tuổi) - chủ nhà hàng cùng vợ quyết định chuyển hướng kinh doanh sang bán cơm tấm online. Tháng 7/2021, vợ chồng anh Thu quyết định mở lại quán theo hướng kinh doanh đã chọn, đồng thời lắp thêm bảng hiệu, giới thiệu trên facebook Lẩu Tứ Xuyên về việc kinh doanh cơm tấm để nhiều người biết đến. Với kinh nghiệm, tay nghề chế biến thực phẩm gần 20 năm nay, anh Thu đã kết hợp cơm tấm với sườn nướng, cá, chả, trứng, đồ xào, chiên nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Việc kinh doanh thực phẩm online được nhiều khách hàng đón nhận, góp ý và chủ yếu là khen ngợi sau lần đầu dùng thử.
Điều đó khiến vợ chồng anh rất vui mừng và có thêm động lực để kinh doanh. Dần dần về sau, khách hàng đặt hàng qua facebook, zalo, điện thoại trực tiếp… ngày càng đông. Đặc biệt là các đơn hàng đặt cơm tập thể từ 20 - 30 suất, có khi lên đến 100 suất. Mỗi suất cơm tấm, anh Thu bán với giá bình dân 25.000 đồng, nếu khách hàng yêu cầu thêm thức ăn thì tăng giá lên 30 - 40 nghìn đồng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, vợ chồng anh Thu bán được từ 250 - 300 suất cơm tấm.
Để khách hàng luôn đón nhận, khen ngợi khi dùng sản phẩm, anh Thu đặt ra tiêu chí kinh doanh cho mình là phải ngon, sạch và giá cả hợp lý. “Tôi rất kỹ càng trong việc chọn nguyên liệu và chế biến để đem đến sự hài lòng cho khách hàng. Cửa hàng tôi hạn chế tối đa dùng hộp xốp để đựng thức ăn mà thay vào đó là khay nhựa cao cấp để đảm bảo vệ sinh, tiện lợi trong giao hàng và sử dụng. Việc làm đó của tôi nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng. Điều đó đã khích lệ, động viên để tôi nỗ lực hơn nữa trong công việc của mình”, anh Thu cho biết.
Vốn có nghề kinh doanh quần áo thời trang nữ và các mặt hàng thể thao, dịch vụ in ấn đồng phục nhưng từ khi xuất hiện COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến nay, công việc kinh doanh của chị Lê Thị Thu Hường (37 tuổi), ở Khu phố 3, Phường 5, thành phố Đông Hà liên tục gián đoạn. Ngay từ đợt giãn cách xã hội đầu tiên trên địa bàn, chị Thu Hường đã linh hoạt chuyển đổi hình thức và sản phẩm kinh doanh của mình. Chị đã bán bánh bột lọc-món ăn được nhiều người ưa thích. Những ngày đầu, bánh lọc làm ra không đủ để cung cấp cho khách hàng bởi chị Hường làm ít để thăm dò thị trường. Được khách hàng đánh giá cao và liên tiếp đặt hàng nên số lượng bánh chị Hường làm ra càng càng tăng.
“Hiện nay, bình quân mỗi ngày tôi cung ứng ra thị trường khoảng 500 - 700 cái bánh lọc trần và 250 - 300 cặp bánh lọc gói. Hầu như tháng nào tôi cũng có vài đơn hàng bánh lọc gửi đi Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các khách hàng này đều là người Quảng Trị xa quê. Có được sự ủng hộ đó, tôi rất vui và hứng thú hơn với nghề này. Tuy chỉ là nghề phụ nhưng kinh doanh bánh lọc online đã đem đến cho tôi nguồn thu nhập kha khá mỗi tháng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay”, chị Thu Hường chia sẻ.
Mới đây, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị Hường đã làm thêm món trà sữa, được nhiều người khen ngợi. Với chị Hường, chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu nên từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, chị đều tuân thủ nguyên tắc khá nghiêm ngặt.
Cách đây 6 năm, chị Trần Thị Hồng Nhung (39 tuổi) cùng mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Thảo (63 tuổi), ở Khu phố 1, Phường Đông Lương, thành phố Đông Hà kinh doanh online các món từ gà như: Gà bó xôi, gà chiên mắm, gà kho ném, trong đó món đặc sắc nhất là gà bó xôi. Thời điểm COVID-19 bùng phát trên địa bàn, cùng với nhiều mặt hàng ăn chế biến sẵn khác, khách hàng đặt mua đồ ăn ở quán chị nhiều hơn.
Với phương châm khách hàng đã thưởng thức một lần là sẽ nhớ hương vị để quay lại ủng hộ tiếp nên ngoài kỹ năng chế biến sẵn có, chị Nhung cùng mẹ rất kỹ càng trong lựa chọn gà và các nguyên liệu đi kèm. Vì quán chỉ bán online nên chị Hồng Nhung thường xuyên đăng lên trang facebook cá nhân về sản phẩm và cả giá. Chỉ khi nào khách hàng đặt, quán của chị mới làm chứ không làm sẵn như nhiều nơi khác và giao hàng tận nơi.
Với việc chuyển đổi hình thức kinh doanh trên, một số người đã thích ứng và vượt qua khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, tạo được sự tin tưởng từ phía khách hàng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)