Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo; các ngành, các cấp tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, người lao động trong bối cảnh tình hình KT-XH còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Trong các nhiệm vụ lãnh đạo phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội là vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, bởi vì việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Để làm tốt hơn nữa, bảo đảm mọi người dân, người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 14/1/2024 về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn. Tinh thần chỉ đạo chung là các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Từ nay cho đến tết Nguyên đán Giáp Thìn, chính quyền các địa phương cùng với liên đoàn lao động cần tập trung chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp vượt qua khó khăn, tích cực chăm lo đời sống cho người lao động, chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động kịp thời, theo đúng quy định, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, bảo đảm mọi người lao động đều có Tết và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động, không để đứt gãy nguồn cung lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau dịp tết Nguyên đán.
Mặt khác, tập trung rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số để quan tâm, chăm lo, kịp thời hỗ trợ phù hợp. Quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, kinh doanh.
Chủ động thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau tết Nguyên đán. Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động thực hiện các giải pháp hiệu quả để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, nỗ lực duy trì, bảo đảm việc làm, thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Để đón Tết vui tươi, an toàn, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn tình trạng buôn bán lưu thông các loại pháo nổ; tình trạng các đối tượng lợi dụng thời điểm giáp Tết để buôn lậu, gian lận thương mại; giám sát việc thực hiện phòng tránh tai nạn, thương tích trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình.
Các đơn vị, doanh nghiệp tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; phòng chống dịch bệnh. Các địa phương quan tâm tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Chăm lo, bảo đảm người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều có Tết yên vui, đầm ấm là truyền thống văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây cũng là việc làm thiết thực để thực hiện công điện của Thủ tướng về việc chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động trong dịp tết Giáp Thìn.
Với phương châm không để người dân nào gặp khó khăn mà không được quan tâm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, các cấp, ngành, địa phương cần có kế hoạch triển khai thiết thực việc chăm lo cho người dân và người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)