Bất an vì trạm y tế xã xuống cấp nặng

Đức Việt |

Dù đã bị xuống cấp trầm trọng từ rất lâu nhưng đến nay một số trạm y tế xã trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vẫn phải hoạt động trong nỗi bất an thường trực của cán bộ, nhân viên y tế lẫn người dân đến khám chữa bệnh. Hơn bao giờ hết, cán bộ y tế và Nhân dân các địa phương mong muốn các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, sớm xây dựng mới các trạm y tế để đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch.

Đó là tình cảnh của trạm y tế các xã Hải Sơn, Hải Lâm và thị trấn Diên Sanh. Đây là những trạm y tế xã thuộc dự án nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế Quảng Trị sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Italia. Các trạm y tế này dù đã xuống cấp từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây mới. Nguyên nhân được xác định là do đơn vị trúng thầu 3 công trình nói trên không tạm ứng được vốn từ nhà tài trợ; mặt khác dự toán công trình xây dựng từ năm 2016 nhưng do chậm trễ triển khai, đến nay giá vật liệu xây dựng tăng cao nên khó thực hiện thi công xây dựng công trình như đã cam kết.

Trạm Y tế xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh - Ảnh: Đ.V
Trạm Y tế xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh - Ảnh: Đ.V

Nghịch lý đang diễn ra như trên đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh của các trạm y tế. Trạm Y tế xã Hải Sơn xuống cấp trầm trọng nhất hiện nay trong số các trạm y tế xã ở huyện Hải Lăng, hầu như toàn bộ các phòng chức năng, phòng làm việc, phòng khám chữa bệnh, phòng dược… đều bị hư hỏng nặng. Cả phía trong lẫn phía ngoài những bức tường, trần nhà, trần hành lang của trạm y tế này đã bị thấm dột nghiêm trọng; rêu mốc bám đầy những mảng tường, trần hành lang bong tróc lộ cả thép rỉ sét ra ngoài.

Chị Nguyễn Thị Hồng Huệ, nữ hộ sinh Trạm Y tế xã Hải Sơn lo lắng cho biết, chỉ cần một trận mưa nhỏ, nước sẽ ngấm từ trần nhà chảy thẳng xuống sàn, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh của cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân. Khi có bão lũ xảy ra thì cán bộ, nhân viên y tế có mặt tại trạm lúc ấy chỉ còn biết tránh trú tại nơi an toàn nhất chính là… nhà vệ sinh! “Các mảng tường, trần nhà tất cả ở các phòng đều bị bong tróc, ố mốc, hệ thống nền xuống cấp nặng do bị thấm dột, ngấm nước lâu ngày. Hệ thống điện của trạm thường xuyên hỏng hóc, thỉnh thoảng có hiện tượng rò điện khi mưa lớn làm tường thấm nước, khá nguy hiểm.

Vào mùa mưa, máy tính của trạm nhiều khi khởi động không được do ảnh hưởng của hơi ẩm nặng. Từ nhiều năm nay, trạm hư hỏng ngày càng trầm trọng nhưng không được đầu tư xây dựng mới, cũng không được sửa chữa, cơ sở vật chất của trạm cũng xuống cấp theo, không chỉ gây khó khăn đến công tác khám chữa bệnh mà còn có nguy cơ gây mất an toàn cho đội ngũ y tế và người dân khi đến khám tại đây”, chị Huệ lo lắng nói.

Nhiều người dân đến khám chữa bệnh đều đồng cảm, chia sẻ với cán bộ, nhân viên y tế đồng thời cũng tỏ ra rất lo lắng trước thực trạng xuống cấp của trạm y tế. Bà Mai Thị Chì, 80 tuổi, thôn Tây Sơn, xã Hải Sơn bày tỏ: “Hai vợ chồng tôi lớn tuổi nên thường xuyên về trạm y tế xã để khám sức khỏe, xin thuốc nhưng thấy trạm hư hỏng nặng quá, rất nguy hiểm. Bà con xã Hải Sơn chúng tôi đều mong mỏi trạm sớm được xây dựng để yên tâm đến khám chữa bệnh”. Nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, chính quyền xã Hải Sơn dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng tính đến những biện pháp hỗ trợ tạm thời, trước mắt cho trạm y tế xã.

Chủ tịch UBND xã Hải Sơn Lê Văn Huân cho biết: “Xã dự định bỏ một phần kinh phí nhỏ để sửa chữa một số hạng mục cần thiết tại trụ sở UBND xã cũ rồi xin chủ trương cho chuyển trạm y tế qua làm việc tạm thời. Chứ thực sự giờ đây trạm y tế xã hư hỏng nặng quá rồi, không đảm bảo an toàn”.

Trạm Y tế xã Hải Lâm được xây dựng từ khoảng năm 1989 -1990 do một dự án nước ngoài tài trợ, đến nay cũng xuống cấp đáng lo ngại. Phó trưởng Trạm Y tế xã Hải Lâm Lê Thị Hồng Nhạn cho biết, trạm được dự án tài trợ nhưng chỉ xây dựng phần chính là dãy nhà gồm các phòng chức năng. Đến nay một số phòng của trạm bị nứt nẻ, thấm nước; các đòn tay gỗ bị mục nát. “Việc xuống cấp trạm y tế ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân, đặc biệt là việc tiêm chủng cho trẻ em, khám bệnh cho người già. Ngoài nhiều hạng mục bị xuống cấp, trạm chỉ có sân đất, không có tường rào và nhà xe nên hết sức bất tiện, khó khăn cho cán bộ trạm cũng như người dân đến khám chữa bệnh”, chị Nhạn cho hay.

Trước thực trạng trên, Trung tâm Y tế huyện đã báo cáo với UBND huyện để có hướng giải quyết. Được biết, vào ngày 8/6/2021, UBND huyện Hải Lăng đã có phiên làm việc với các bên liên quan đề xuất cho phép hủy 3 gói thầu xây dựng các trạm y tế nói trên, để lập dự án đầu tư xây mới các trạm từ các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng huyện Hải Lăng đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện trước năm 2025. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết. Điều đó đồng nghĩa với việc đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cũng như người dân tiếp tục đối mặt với nguy cơ mất an toàn khi khám chữa bệnh trong những trạm y tế đã cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khánh thành trạm biến áp và đường dây 220KV Đông Hà – Lao Bảo

Trường Sơn |

Sáng 16/10/2021, tại xã Tân Hợp (Hướng Hóa, Quảng Trị) UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lễ khánh thành trạm biến áp 220KV Lao Bảo và đường dây 220KV Đông Hà – Lao Bảo.

Giáo viên nơm nớp lo âu khi nhà tập thể xuống cấp nghiêm trọng

Hiếu Giang |

Sau hàng chục năm sử dụng, đến nay khu nhà ở tập thể của giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tà Long, huyện Đakrông (Đakrong) đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cầu An Mô cũ xuống cấp nhưng không có cảnh báo nguy hiểm

Nguyễn Vinh |

Cầu An Mô cũ bắc qua sông Thạch Hãn nối các xã rộng lớn phía Đông huyện Triệu Phong (Quảng Trị) với thị trấn Ái Tử vào Quốc lộ 1 được xây dựng cách đây hơn 30 năm nay đã xuống cấp trầm trọng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua. Tuy vậy, mỗi ngày cây cầu này phải gánh chịu hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt ô tô đi qua, trong đó nhiều xe có tải trọng khá lớn khiến cho cầu rung lắc rất nguy hiểm cho người và phương tiện.

Đường xuống cấp gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Tuấn Việt |

Thời gian gần đây, Cụm Công nghiệp Đông Ái Tử, huyện Triệu Phong được  UBND tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng tuyến đường RD-03 và RD- 36. Tuyến đường này do Công ty TNHH MTV An Thịnh và Công ty TNHH Xây dựng Trường Phúc thi công. Đường có chiều rộng 23 m, trong đó lòng đường 11 m, đường cấp 4 với tổng vốn đầu tư hơn 13 tỉ đồng.