Bệnh tật bủa vây một gia đình

Thanh Lê |

Ba năm nay, anh Đặng Lương, thôn 3, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) bị tai biến, cuộc sống mỏi mòn trong đau đớn do bệnh tật giày vò.

Giữa những ngày hè nắng như đổ lửa giữa vùng cát Triệu Lăng, túp lều nhỏ chừng vài chục mét vuông lợp bằng tấm lợp phi bờ rô xi măng là nơi sinh sống của 7 thành viên gia đình anh Lương. Gia đình anh có 4 người con và một mẹ già trên 90 tuổi. Hơn 10 năm trước, sau khi sinh cháu út, vợ anh là chị Đoàn Thị Hồng bị mắc bệnh tim nặng nên mất hoàn toàn khả năng lao động. Kể từ ngày ấy, gánh nặng mưu sinh đặt lên vai anh Lương. Với nghề biển, vợ chồng anh chắt chiu sắm được chiếc thuyền nhỏ, ngày ngày anh ra khơi đánh cá, câu mực để chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Vợ chồng anh Lương, chị Hồng trong căn lều tạm bợ giữa đồi cát. Ảnh: L.N
Vợ chồng anh Lương, chị Hồng trong căn lều tạm bợ giữa đồi cát. Ảnh: L.N

Với số tiền kiếm được bình quân từ 200-500 ngàn đồng/ngày từ nghề biển, cuộc sống của gia đình anh Lương tạm ổn định, có điều kiện nuôi các con ăn học và lo thuốc thang cho vợ. Nhưng tai họa chợt ập đến với gia đình anh vào đầu năm 2017, trong một lần trở về từ chuyến biển, anh Lương chóng mặt rồi ngã quỵ và bị tai biến từ đó. Sau 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh trở thành một người tàn phế, mất hết cảm giác, ý thức. Kể từ ngày ấy, gia đình anh rơi vào cảnh túng quẩn, bế tắc. Là con gái lớn trong gia đình, cháu Đặng Thị Nhung đành từ bỏ giấc mơ giảng đường khi vừa tròn 18 tuổi (năm 2017, Nhung thi đỗ vào 2 trường đại học công lập với số điểm rất cao) để vào miền Nam làm công nhân, thay ba chăm lo cho gia đình và nuôi các em ăn học.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Đoàn Thị Hồng cho biết: “Chồng tôi từ sau khi tai biến phải thường xuyên đến bệnh viện, chi phí thuốc thang mất hơn 1 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi chỉ ngồi một chỗ, không giúp được gì cho các con kể cả việc cơm nước hằng ngày. Mẹ tôi đã ngoài 90 tuổi nên sức khỏe ngày càng giảm sút, đau ốm thường xuyên. Tất cả mọi chi phí sinh hoạt, thuốc thang trong gia đình đều trông cậy vào cháu Nhung. Tuy nhiên, với đồng lương công nhân ít ỏi nơi đất khách quê người, mỗi tháng cháu tiết kiệm lắm cũng chỉ giúp gia đình được khoảng 1-2 triệu đồng. Hiện tại chồng tôi đang hết thuốc điều trị nhưng vì không có tiền, không biết vay mượn ở đâu nên tôi đành nuốt nước mắt nhìn anh đau đớn trong bất lực!”.

Chia sẻ về việc học hành của các con, chị Hồng cho biết thêm: “Nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các tổ chức hảo tâm và nhà trường nên 2 con của tôi là cháu Đặng Thị Hải Yến đang học lớp 11 và cháu Đặng Thị Mỹ Nhi đang học lớp 6 tiếp tục được đến trường. Cũng chưa biết khi nào cháu bỏ học nhưng tôi sẽ gắng cho các cháu theo học được ngày nào hay ngày ấy”.

* Mọi sự ủng hộ gia đình anh Đặng Lương xin gửi đến Báo Quảng Trị - 311 - Hùng Vương - thành phố Đông Hà (ĐT: 0233.3857.176; 0919001317) hoặc chuyển vào tài khoản: Báo Quảng Trị, số TK: 0771000000456 tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 54010000470399 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; 102010000393537 tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh Quảng Trị; 3900211011886 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị; hoặc gửi trực tiếp về gia đình theo địa chỉ: Đặng Lương, thôn 3, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Số ca mắc ung thư tuyến giáp đang có xu hướng tăng nhanh

Thanh Mai |

So với nhiều ung thư khác, tiên lượng điều trị ung thư tuyến giáp rất tốt, tỉ lệ bệnh nhân sống qua 5 năm kể từ khi chẩn đoán là trên 90%.

Tổ chức Tầm nhìn Thế giới xây nhà cho người nghèo ở Hướng Lập

Phan Vĩnh |

Ngày 16/7/2020, Tổ chức World Vision (Tầm nhìn Thế giới), phối hợp với Đồn Biên phòng Hướng Lập- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị, UBND xã Hướng Lập (Hướng Hoá) đã tổ chức Lễ khởi công xây nhà cho hộ gia đình có trẻ tàn tật và đặc biệt khó khăn cho bà Hồ Thị Khăm.

Đakrông quan tâm đào tạo cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số

Trần Cát Linh |

Do điều kiện là địa bàn vùng núi và nền kinh tế- xã hội (KT-XH) còn khó khăn nên trình độ dân trí của người dân trên địa bàn huyện Đakrông còn thấp. Trong điều kiện như vậy thì trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở của huyện cũng còn nhiều hạn chế, nhất là đối với cán bộ công chức là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dân cư ở đây chủ yếu là đồng bào DTTS nên để vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống mới, đặc biệt là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì cán bộ phải được nâng cao trình độ. 

Lên phương án cấp nước sinh hoạt luân phiên cho TP. Đông Hà

Lê An |

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị, sáng nay 10/7/2020, Công ty đã gửi thông báo đến toàn bộ hơn 29.000 khách hàng của Công ty trên địa bàn TP. Đông Hà về phương án cấp nước luân phiên trên địa bàn thành phố.