"Ngành giáo dục xác định năm 2022 là năm trọng tâm của việc củng cố, bù đắp kiến thức, chuẩn bị tốt cho các năm tiếp theo"- Bộ trưởng Sơn khẳng định.
Ngày 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng thời gian qua dù ngành giáo dục đã linh loạt trong hoạt động dạy học, duy trì nhịp độ dạy học bằng hình thức trực tuyến nhưng nếu kéo dài việc này sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cả giáo viên và học sinh.
Đánh giá tình hình thời điểm hiện tại, các điều kiện đã được tăng cường, có đầy đủ căn cứ và kinh nghiệm để đưa học sinh trở lại trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đề nghị cần "khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường".
"Đưa học sinh THCS trở lên đến trường học là một yêu cầu. Còn với học sinh mầm non, tiểu học, cần chuẩn bị các điều kiện, cần làm tư tưởng để có sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên. Tránh tình trạng cực đoan, hoặc là chần chừ e dè thái quá, hoặc chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho các trường, cho thầy cô"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho rằng: "Với học sinh tiêm vắc xin rồi thì cho học sinh trở lại trường sau tết là một yêu cầu; còn với học sinh tiểu học, mầm non, dù chưa được tiêm vắc xin cũng phải có kế hoạch chuẩn bị". Ông Sơn đề nghị cần làm công tác tư tưởng để có sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh, đồng thời nhấn mạnh đây là khâu rất quan trọng.
Theo ông Sơn, những ngày đầu học sinh quay trở lại trường, cần có hoạt động cho học sinh hội nhập trở lại, tạo cho học sinh cảm giác hứng thú khi đến trường. Tuy nhiên, cũng không được lãng phí những nội dung tích cực có được khi dạy học trực tuyến trong thời gian qua.
"Ngành giáo dục xác định năm 2022 là năm trọng tâm của việc củng cố, bù đắp kiến thức, chuẩn bị tốt cho các năm tiếp theo"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng dạy học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe tâm thần và thể chất cho nên Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ chủ trương dạy học trực tiếp của Bộ GD-ĐT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD-ĐT) cho hay, việc tạm dừng đến trường trong nhiều tháng liên tiếp tác động rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của học sinh, nhà giáo và cả các phụ huynh.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có khoảng 70.000 sinh viên năm cuối chưa thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng do thiếu các yêu cầu về thực tập, thực hành năm cuối, điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực cho đất nước.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
(Nguồn: Phụ nữ mới)