Từ 5.9.2021 sẽ có nhiều thay đổi trong cách xếp loại hạnh kiểm và khen thưởng cuối năm cho học sinh. Trong đó, sẽ không còn những cụm từ "hạnh kiểm yếu" ghi trong học bạ - vốn được xem là những "bản kết án" học sinh trên ghế nhà trường.
Không xếp loại hạnh kiểm
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT), Bộ vừa ban hành Thông tư 22 quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông thay thế cho các quy định trước đó.
Thông tư thực hiện theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp trung học. Như vậy, năm học 2021-2022, chỉ áp dụng cách đánh giá học sinh mới này với lớp 6.
Một trong những nội dung đáng chú ý của thông tư này là quy định về việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh tại Điều 8.
Theo đó, thông tư mới không xếp loại hạnh kiểm, mà đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kì và cả năm học theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt, chưa đạt.
Trong các quy định trước đây có đánh giá và xếp loại hạnh kiểm của cá nhân học sinh thành các loại: Tốt, khá, trung bình, yếu sau mỗi học kỳ và cả năm học (Điều 3 Thông tư 58).
Việc xếp loại hạnh kiểm trước đây từng gây nhiều tranh cãi, có quan điểm cho rằng, nó khiến học sinh cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương.
Thực tế không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra liên quan đến việc này. Thậm chí vào năm 2016, một học sinh nữ 16 tuổi ở xã Bình Tân, huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận đã tìm cách quyên sinh bằng thuốc ngủ sau khi bị xếp loại hạnh kiểm yếu.
Còn theo Thông tư 22, các cụm từ "đánh giá, xếp loại hạnh kiểm" đã được thay thế bằng "đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh".
Việc đánh giá này sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông.
Có thể hiểu, trước đây phải đạt được kiến thức thì nay đã chuyển dần sang kiểu tiếp cận đánh giá năng lực người học. Bởi mỗi con người đều có năng lực tiềm ẩn, có những mặt mạnh khác nhau và cần được ghi nhận.
Chỉ còn danh hiệu học sinh xuất sắc và học sinh giỏi
Một điểm mới nữa trong Thông tư 22 là việc khen thưởng (tặng giấy khen) cho học sinh nêu tại Điều 15.
Theo đó, Thông tư 22 quy định khen thưởng cuối năm học với danh hiệu "học sinh xuất sắc" và “học sinh giỏi”.
Như vậy, theo quy định mới, từ 5.9.2021 - Thông tư 22 có hiệu lực - thì không còn danh hiệu học sinh tiên tiến mà thay vào đó sẽ chỉ còn học sinh xuất sắc và học sinh giỏi.
Hiệu trưởng sẽ trao giấy khen cho học sinh giỏi và học sinh xuất sắc, cũng như khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học. Còn theo quy định cũ, hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh có thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện.
Xóa quan niệm môn chính, môn phụ
Trước đây, theo Thông tư 26, việc xếp loại học sinh giỏi phải có 1 trong 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên.
Việc này làm cho học sinh dễ định hướng sai, dẫn đến việc học lệch, coi thường các môn học khác như Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân,… trong khi mỗi môn đều có tầm quan trọng và nếu học sinh có năng lực cụ thể các môn đều có cơ hội nghề nghiệp ngang nhau.
Chính vì vậy, ở Thông tư 22 vừa ban hành, điều kiện để được khen thưởng danh hiệu "học sinh xuất sắc", "học sinh giỏi" sẽ không còn yêu cầu điều kiện với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ mà có cả các môn văn hóa khác.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – cho rằng, điểm mới này thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ. Ngoài việc chống học lệch, học sinh được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau.
Khi học lên THPT, tính phân hoá, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm đánh giá này.
Thông tư mới cũng sẽ không áp dụng máy móc là giáo viên phải ghi học bạ hay ghi vào sổ theo dõi nhận xét từng học sinh vào cuối kỳ, cuối năm. Việc đánh giá bằng nhận xét sẽ thực hiện thường xuyên thông qua hình thức viết hoặc nói trong quá trình dạy học nhằm giúp học sinh tiến bộ.
(Nguồn: Báo Lao Động)