“Cần câu” cho hộ mới thoát nghèo

Trúc Phương |

Được triển khai từ năm 2015, đến nay chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 28) đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giúp các hộ gia đình mới thoát nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh có thêm điều kiện phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Lê Văn Minh (sinh năm 1967) ở thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) từng có hoàn cảnh rất khó khăn vì vợ mất, một mình nuôi 6 con đều đang trong độ tuổi đến trường. Nhiều năm liền, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để đầu tư vào trồng rừng, cây ăn quả, ông mới có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên, sau đó gia đình ông Minh lại đối mặt với nỗi lo tái nghèo vì không có vốn tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Đầu năm 2020, nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Triệu Phong, ông được vay 50 triệu đồng thông qua chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28 để tiếp tục phát triển kinh tế. Nhờ số vốn này, ông Minh mở rộng diện tích rừng của gia đình lên 7 ha trồng cao su, tràm; đầu tư trồng thêm các cây ăn quả như cam, bưởi da xanh… và mua thêm bò sinh sản về nuôi. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam trĩu quả của mình, Ông Minh cho biết: “Thú thật, tôi chưa bao giờ dám nghĩ gia đình mình sẽ có được như ngày hôm nay. Tất cả đều nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước dành cho các hộ mới thoát nghèo, chúng tôi mới có cơ hội thoát nghèo bền vững, có tiền lo cho con cái ăn học nên người và nâng cao đời sống của gia đình. Thời gian tới, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhà nước để phát triển sản xuất”.

Tiếp cận được vốn vay cho hộ mới thoát nghèo, ông Minh đầu tư trồng thêm cây ăn quả để nâng cao thu nhập - Ảnh: T.P
Tiếp cận được vốn vay cho hộ mới thoát nghèo, ông Minh đầu tư trồng thêm cây ăn quả để nâng cao thu nhập - Ảnh: T.P

Cũng như ông Minh, cuộc sống của gia đình ông Lê Văn Phúc (sinh năm 1965) ở cùng thôn sau khi thoát nghèo vào năm 2014 gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất. “Năm 2016, gia đình tôi được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng thông qua chương trình tín dụng theo Quyết định 28. Nhờ đó mà có tiền xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về nuôi. Việc làm ăn phát triển thuận lợi, vợ chồng tiết kiệm tiền để trả nợ dần nên đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”, ông Phúc nói. Hiện tại mô hình nuôi lợn của vợ chồng ông đã phát triển thành 38 con lợn thịt, 4 con lợn nái. Lợn phát triển khỏe mạnh, cứ trung bình 4 tháng sẽ xuất chuồng một lần. Ngoài ra, ông Phúc còn trồng khoảng 2 ha rừng cao su, nuôi thêm 200 con vịt tại nhà. Nhờ chăm chỉ làm ăn mà cuộc sống gia đình ông Phúc giờ đã khấm khá hơn, không còn nỗi lo tái nghèo.

Không chỉ riêng gia đình ông Phúc, ông Minh mà hơn 5 năm qua, kể từ khi chương trình tín dụng cho vay hộ mới thoát nghèo được triển khai, nhiều hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Triệu Phong nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã được tiếp cận với nguồn vốn này để phát triển kinh tế bền vững. Thông tin từ Ngân hàng CSXH huyện Triệu Phong cho biết, đến cuối tháng 5/2021, dư nợ của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trong toàn huyện là hơn 88 tỉ đồng với 1.985 khách hàng. Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Triệu Phong Lê Ngọc Hải cho hay: “Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo là một điểm tựa vững chắc giúp các hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thời gian qua, các hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đã sử dụng nguồn vốn vay này hiệu quả, đúng mục đích, từ đó góp phần xóa nghèo bền vững. Đặc biệt, sau những ảnh hưởng của lũ lụt và COVID-19, nguồn vốn tín dụng đã hỗ trợ rất kịp thời người dân sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng tái nghèo trở lại”.

Được biết, tổng dự nợ của chương trình tín dụng cho vay đối với các hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28 trong toàn tỉnh hiện đạt trên 400 tỉ đồng. Trên cơ sở rà soát nhu cầu vốn ở các địa phương, hằng năm Ngân hàng CSXH tỉnh đã cân đối, bố trí kịp thời nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo. Nhờ đó, thời gian qua không có tình trạng hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện mà không được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết: “Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình tín dụng cho vay đối với các hộ mới thoát nghèo đã phát huy tốt hiệu quả. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn vay mang nhiều ý nghĩa này đã kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo của Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung có thêm động lực, điều kiện phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phát triển cây chanh leo, “điểm sáng” cho ngành nông nghiệp

Trường Sơn |

Những năm gần đây, cây chanh leo được triển khai trồng thí điểm tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đạt năng suất và chất lượng cao. Từ hiệu quả kinh tế cây chanh leo mang lại đã mở ra một “điểm sáng” mới phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng gò đồi

Ngọc Trang |

Chị Phan Thị Ánh Tuyết ở Khu vực 3, thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những người đi đầu ở địa phương trong việc khắc phục khó khăn, chuyển đổi thành công gần 3 ha đất gò đồi kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhờ vậy, nhiều năm nay, gia đình chị có nguồn thu nhập cao hơn hẳn nhiều hộ dân khác cùng canh tác trong vùng gò đồi, bản thân chị trở thành gương điển hình trong phong trào “Hai giỏi” của phụ nữ huyện Triệu Phong.

Hiện thực hoá dự án một tỷ cây xanh trên đất Quảng Trị

Trường Sơn |

Ngày 09/6/2021, tại huyện miền núi Hướng Hoá, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND huyện Hướng Hoá tổ chức Phát động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và ký cam kết thực hiện chương trình trồng một tỷ cây xanh.

Tín hiệu vui từ cây cao su

Thu Hạ |

Bước vào vụ khai thác mủ cao su năm 2021, người trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh rất vui mừng, phấn khởi vì giá mủ cao su tăng mạnh, hiện ở mức 14.000 - 16.000 đồng/kg mủ nước, cao nhất trong 10 năm qua. Đây là tín hiệu vui cho nông dân, doanh nghiệp trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh bởi dù giá của mủ cao su chưa đạt đến đỉnh điểm như giai đoạn những năm 2011-2012, nhưng cũng giúp người nông dân, doanh nghiệp cải thiện thu nhập, yên tâm sản xuất.