Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Một trong các chính sách của HĐND tỉnh về sản xuất nông nghiệp là xác định 6 cây trồng và 2 con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị gồm lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả, dược liệu, gỗ rừng trồng, con tôm và con bò theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Về lúa chất lượng cao, chính sách tập trung hỗ trợ 2.000 ha lúa ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cánh đồng lớn theo hướng hữu cơ, sạch, có liên kết, giúp người dân tiếp cận và làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình canh tác bền vững; sản phẩm lúa gạo có sự tăng trưởng rõ rệt về năng suất, chất lượng và giá trị, được liên kết tiêu thụ ổn định.
Đến nay, toàn tỉnh tổ chức sản xuất hơn 112.300 ha lúa chất lượng cao, chiếm hơn 74% tổng diện tích gieo trồng lúa, trong đó diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ lũy kế 1.200 ha, lúa canh tác tự nhiên hơn 300 ha, diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn hơn 25.000 ha. Năm 2020, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, có liên kết đạt mức 39.000/34.500 ha kế hoạch, đạt 113% so với mục tiêu nghị quyết.
Đặc biệt, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ ObiOng biển (200 ha/năm) tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường; mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích gần 5.000 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến.
Về hỗ trợ tái canh cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa đạt 61,3% diện tích cần tái canh. Hầu hết các vườn tái canh đều phát triển tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch, năng suất cao hơn từ 1,2 - 1,5 lần so với các vườn chưa được tái canh. Bên cạnh đó, để chủ động nguồn giống cà phê chất lượng, đảm bảo phục vụ tái canh, đã chứng nhận 2 vườn cây đầu dòng cà phê tại địa bàn huyện Hướng Hóa.
Đến cuối năm 2020 diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh 4.666,8 ha, đạt 88% so với kế hoạch (kế hoạch 5.300 - 5.500 ha), trong đó hơn 1.000 ha sản xuất có liên kết, khoảng 500 ha đang triển khai chứng nhận 4C, gần 20 ha sản xuất theo quy trình hữu cơ, sinh thái. Một số đơn vị sản xuất, chế biến cà phê đã lựa chọn hướng sản xuất cà phê sạch, cà phê sinh thái để chế biến xuất khẩu. Đây là bước chuyển biến quan trọng để xây dựng và khẳng định thương hiệu cà phê Khe Sanh, nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng này trong thời gian tới.
Về cây hồ tiêu, hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, chứng nhận vùng sản xuất hồ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để phòng trừ các đối tượng dịch bệnh nguy hiểm. Đến cuối năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt 2.520 ha (đạt 100 % mục tiêu nghị quyết). Ngoài ra, thành lập các HTX sản xuất hồ tiêu tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP với quy mô gần 200 ha, trong đó có hơn 90 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, có gần 100 ha sản xuất được chứng nhận hữu cơ được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết tiêu thụ.
Về cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu và trồng rừng gỗ lớn đã triển khai tại các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp như cam K4 với quy mô 150 ha tại Hải Lăng; trồng ổi, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ tại huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong; trồng chanh leo liên kết với Công ty Nafood Tây Bắc tại huyện Hướng Hóa và một số huyện vùng đồng bằng; chè vằng, cà gai leo tại Cam Lộ, Đông Hà.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có gần 9.000 ha cây ăn quả và dược liệu. Đây là cơ sở để đẩy mạnh việc lựa chọn và định hướng phát triển cây ăn quả và dược liệu trên địa bàn trong thời gian tới. Hỗ trợ cây giống trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với tổng diện tích 884,4 ha, trong đó tại địa bàn các huyện Đakrông 200 ha, Cam Lộ 684,4 ha.
Về chính sách hỗ trợ nuôi bò, nuôi tôm, đã hỗ trợ bò nái hậu bị, hỗ trợ giống cỏ và vật tư trồng cỏ nuôi bò đến cuối năm 2020, tổng đàn bò toàn tỉnh đạt 56.601 con (kế hoạch 70.000 con), đạt 80,86%; riêng tỉ lệ bò lai Zebu đạt trên 55,8%, (mục tiêu đề ra là 50%). Triển khai 15 mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn tại 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Các mô hình nuôi tôm cho sản lượng tăng, chi phí giảm, lợi nhuận khá, do đó sự lan tỏa, nhân rộng khá nhanh. Đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 925 ha/1.000 ha, đạt 92,5%; năng suất và sản lượng đều tăng. Diện tích nuôi tôm sú 352,06 ha/500 ha.
Sau hơn 4 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, con nuôi thông qua các mô hình điểm, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn như công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn, sản xuất lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên, công nghệ tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu, chăn nuôi bò theo hướng thâm canh nâng cao năng suất đã có sự chuyển biến về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; sản xuất sản phẩm nông sản hướng đến nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hữu cơ, thân thiện với môi trường.
Từ các mô hình điểm có hiệu quả đã được nhân ra diện rộng, sản xuất theo lợi thế, tạo sản phẩm hàng hóa tập trung gắn với nhu cầu thị trường; tổ chức sản xuất từ quy mô hộ được chuyển dần sang hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, khẳng định được sản phẩm chủ lực có lợi thế của từng vùng, tăng sức cạnh tranh như mục tiêu của nghị quyết đề ra.
Như vậy, về cơ bản chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp 6 cây trồng và 2 con nuôi tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh đã mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả cao hơn, theo chúng tôi giai đoạn tiếp theo nên thay đổi cách hỗ trợ.
Theo đó, nếu như trước đây hỗ trợ trực tiếp cho các mô hình của các hộ gia đình để sản xuất thử nghiệm, nay đã khẳng định được kết quả của mô hình, vậy nên, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong thời gian tới cần quan tâm đến việc hỗ trợ liên kết sản xuất cho tổ hợp tác và hợp tác xã để phát triển những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, đầu tư công nghệ chế biến nông sản, giảm tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng thu nhập cho nông dân, thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)