Nghệ nhân Hồ Văn Khoong (83 tuổi) ở bản Mít, xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) hiện là người cao tuổi nhất trong tổng số 31 nghệ nhân người dân tộc Vân Kiều đang sinh sống tại các xã miền núi phía tây huyện Vĩnh Linh còn nắm vững các kỹ thuật nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Theo nghệ nhân, nghề đan lát đã có từ rất lâu đời, gắn chặt cùng quá trình lao động, sinh hoạt của người Vân Kiều. Tuy nhiên, nghề này đang đứng trước nguy cơ dần mai một khiến những nghệ nhân tâm huyết với nghề vô cùng trăn trở.
Qua lời kể của các già làng, nghệ nhân cũng như nhiều tư liệu để lại, trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, dù ở đâu, làm gì, người Vân Kiều vẫn luôn gắn bó với rất nhiều vật dụng từ nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Đó là các loại mẹt dùng để sàng sảy, phơi nông sản; mâm cơm; tứp đựng đồ cúng, xôi lễ khi cưới hỏi; đơm bắt cá; những chiếc gùi khi lên rẫy hay mỗi khi xuống chợ… Nghệ nhân Hồ Văn Khoong chia sẻ, để làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống phải trải qua khá nhiều công đoạn đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Bắt đầu từ việc vào rừng chọn, lấy nguyên liệu gồm tre, mây, đùng đình, lùng, chặc chìu... Sau đó, tùy từng loại sản phẩm mà đem các loại cây chẻ ra rồi vót thành các nan, đặt phơi trên giàn bếp khoảng 1- 2 tuần để tạo độ dai và tránh bị mối mọt, tăng độ bền chắc. Cuối cùng mới tiến hành định hình, đan từng bộ phận sản phẩm. Để hoàn thành một sản phẩm đan lát đơn giản thường cần ít nhất 2 - 3 ngày, phức tạp hơn thì có thể đến cả tuần. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, bất kể nhà nào của người Vân Kiều đều có các vật dụng từ nghề đan lát. Trước đây, ở những bản làng thuộc các xã vùng cao như Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, ngoài việc làm nương rẫy, nhiều hộ gia đình sống chủ yếu dựa vào nghề đan lát. Nghề được truyền nối từ đời này sang đời khác, đúc kết thành kỹ năng thông qua truyền khẩu và “cầm tay chỉ việc”.
Cùng với sự phát triển và giao lưu mạnh mẽ giữa các vùng, miền, nhiều sản phẩm công nghiệp chất liệu tiện lợi, mẫu mã đa dạng xuất hiện làm cho nhu cầu về các sản phẩm từ cây rừng giảm xuống. Thị trường tiêu thụ không còn ổn định, trong khi đó, nghề đan lát của người Vân Kiều vẫn giữ quy mô hộ gia đình, sản phẩm còn thô sơ, đơn điệu so với cuộc sống hiện đại. Điều này dẫn đến thị trường ngày càng bị thu hẹp hơn. Nghề đan lát trở thành việc làm lúc nông nhàn chứ không còn là công việc chính. Những người biết, thành thạo nghề chỉ còn lại số ít, đa phần đều cao tuổi. Thế hệ trẻ lại ít chú tâm học hỏi nên nghề đan lát vì thế mà mai một dần theo thời gian.
Với những nghề có từ lâu đời, mang giá trị văn hóa đặc biệt riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số như nghề đan lát, việc gìn giữ và phát huy rất cần nhận được sự quan tâm. Cùng với đó, thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng xanh, khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường thông qua việc lựa chọn những sản phẩm thân thiện từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường được cộng đồng tích cực hưởng ứng. Điều này mở thêm cơ hội, thị trường cho các sản phẩm đan lát thủ công tìm lại chỗ đứng. Những người tâm huyết với nghề đan lát của đồng bào Vân Kiều rất mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp kịp thời, thiết thực trong khôi phục, phát triển nghề.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Vĩnh Ô có tỉ lệ người dân tộc Vân Kiều chiếm khoảng 98% dân số và cũng là địa bàn có vùng nguyên liệu sản xuất, số lượng nghệ nhân còn hoạt động trong nghề đan lát truyền thống đông nhất ở các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh. Quyết tâm gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi các già làng, nghệ nhân giữ lấy nghề đan lát bằng các hình thức truyền dạy, tạo sự kế thừa cho con cháu. Đồng thời, xã cũng tạo mọi điều kiện để các trường học có nhu cầu đến tham quan, học hỏi về nghề đan lát, lồng ghép vào các buổi ngoại khóa của nhà trường. Với kế hoạch tổ chức phiên chợ vùng cao hằng tháng, xã cũng xác định đưa các sản phẩm từ nghề đan lát của đồng bào vào trưng bày, giới thiệu sâu rộng, hướng đến liên kết, tìm các nhà phân phối cho sản phẩm”.
Sự vào cuộc của chính quyền địa phương là như vậy nhưng trên thực tế, trong khả năng, tiềm lực còn hạn chế của xã đặc biệt khó khăn như Vĩnh Ô, đây mới chỉ là giải pháp trước mắt.
Về lâu dài, muốn khôi phục, phát triển nghề đan lát truyền thống của người Vân Kiều ở huyện Vĩnh Linh nói riêng, trên địa bàn Quảng Trị nói chung, rất cần sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn của các cấp chính quyền trong các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần quan tâm đầu tư nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, từng cộng đồng có nghề đan lát để người dân hiểu, trân trọng, tự hào về giá trị nghề truyền thống. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mô hình sản xuất dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ để cải thiện năng suất, chất lượng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm thị trường ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực tay nghề giỏi trong độ tuổi lao động… Có như vậy mới có thể tiếp tục duy trì, phát triển nghề đan lát truyền thống của đồng bào Vân Kiều để góp phần tạo sinh kế, thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường và bảo tồn bản sắc văn hóa.
(Nguồn: baoquangtri)