Thông qua Facebook, chúng tôi “khớp lệnh” đặt tour du lịch trải nghiệm 199k (199.000 đồng) của người phụ nữ Vân Kiều Hồ Thị Thương ở xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị một cách nhanh gọn. Thế là hôm sau, chúng tôi xách balô lên đường theo tiếng gọi hoang dã của suối ngàn…
Tour du lịch được hiện thực hoá từ một cuộc thi
Ngày đầu xuân, chúng tôi bon bon trên con đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đakrông. “Từ cầu treo Đakrông đi vào tầm 22 cây số là em đón”, Hồ Thị Thương, người sáng lập tour nói.
Chúng tôi gặp Hồ Thị Thương (SN 1986), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long và là chủ nhân tour du lịch với giá chỉ 199k ở cửa hàng giới thiệu nông sản của các hội viên phụ nữ xã. Từ điểm này, chúng tôi được nhân viên của tour dẫn đi chừng 5 cây số theo phía trái là đến suối Tà Lao, con suối diễn ra những hoạt động trải nghiệm chính của chuyến hành trình. Với đường đi dễ dàng, khoảng cách giữa điểm xuống xe đến lòng suối chưa đầy một phút đi bộ. Suối Tà Lao là một trong những con suối đẹp nhất mà chúng tôi từng thấy.
Dọc đường, Thương kể về quá trình thai nghén dự án du lịch này. Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu ý tưởng khởi nghiệp”. Thương viết bài tham dự bằng tất cả tình yêu và sự am tường về vùng đất nơi mình sinh ra lớn lên. Cuộc thi đã xướng tên Thương với giải đặc biệt.
Cuối năm 2019, Hồ Thị Thương đã quyết tâm biến bài dự thi trên giấy kia thành hiện thực. Chị đã bắt tay hành động với khát khao biến sự sơ khai núi rừng Trường Sơn của huyện Đakrông thành lợi thế. Và làm sao để mọi người cùng khai thác và hưởng lợi thế đó.
Và rồi tour du lịch trải nghiệm ra đời. Đến với tour du lịch trải nghiệm 199k, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá lòng suối Tà Lao với chiều dài dần 3km. Du khách có thể tắm suối, bắt cá bằng dụng cụ truyền thống của dân bản, chế biến ngay tại suối hay mặc những bộ đồng phục để “hoá thân” thành cô gái, chàng trai Vân Kiều. Ngoài ra, có thể tham quan nhà sàn, tìm hiểu văn hoá của người Vân Kiều…
“Chúng ta sinh ra không phải chỉ để làm rẫy”
Với cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long, Hồ Thị Thương đang ngày đêm “nhăn trán cau mày” để làm thay đổi nhận thức của người đồng bào nơi này. Bằng nhiều cách làm hay theo cách mưa dầm thấm lâu, Thương làm chị em ở xã nghèo này dần dần “xiêu lòng”. Ngoài những cách làm hay như thành lập CLB trẻ em gái để góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn; bảo tồn, phát huy nghề truyền thống; xây dựng tổ tiết kiệm tín dụng… trong vấn đề phát triển kinh tế, để tăng thêm thu nhập cho hội viên, Thương đã phát động bán hàng nông sản của chị em hội viên qua kênh online.
Những ngày đầu hiện thực hoá ý tưởng này, nhiều hội viên nghi ngờ, họ bảo dân mình chỉ biết làm rẫy, làm gì biết làm dịch vụ. Rồi thông qua việc bán nông sản qua mạng xã hội, tăng thêm thu nhập cho các hội viên, đồng thời lấy được niềm tin vốn bị sức đè của nương rẫy làm dè dặt. “Và rồi mình đã khẳng định như đinh đóng cột với hội viên, rằng chúng ta có thể làm dịch vụ, du lịch. Có thể biến lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá thành sản phẩm du lịch” - Thương chia sẻ.
Và rồi cửa hàng nông sản nằm gần trung tâm xã, ngay trên đường Hồ Chí Minh được hình thành nhờ các dự án phi chính phủ hỗ trợ. Cửa hàng là nơi tiếp nhận nông lâm sản của hội viên và nông dân địa phương. Những quả cà, quả dưa hay a chói măng, chuối rừng đã được thu mua rồi bán trực tiếp cho khách vãng lai trên đường Hồ Chí Minh hoặc bán online trên Facebook. Tiếp đó là tour trải nghiệm 199k được hình thành để bổ trợ, tìm đầu ra cho hàng nông sản.
Theo chủ nhân của tour du lịch này, hiện tại chỉ dẫn những khách… tự tìm đến mình. Nghe có vẻ rất phi kinh tế thị trường nhưng đó là nỗi niềm của người khởi nghiệp chưa vì lợi nhuận mà vì thứ khác lớn lao hơn: “Đánh thức tư duy mới của đồng bào mình - hãy làm dịch vụ, nếu có thể. “Hiện giá tour 199k/người vừa đủ chi phí bỏ ra. Làm kinh doanh mà chưa màng tới lợi nhuận là điều vô lý. Nhưng tôi làm tour này chỉ muốn kích thích khả năng đổi mới của người đồng bào ở Tà Long” - Thương bộc bạch.
Về những dự định sắp tới, Thương cho biết, sẽ hoàn thiện dần tour du lịch này để thu hút khách. “Lôi kéo” thêm người dân sống gần suối Tà Lao cùng chung tay làm du lịch bằng cách trồng vườn hoa ven suối để khách đến thưởng lãm; kết hợp với các hộ dân mở homestay để khách ở lại. Đặc biệt, phục hồi các lễ hội, nghề truyền thống để có nơi du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm.