Người Vân Kiều hiến đất xây trường

Nguyễn Trang |

Thời gian qua, với mong muốn góp sức giúp con em dân bản có điều kiện thuận lợi để học tập, không ít hộ nghèo người đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng các hạng mục phục vụ sự nghiệp “trồng người”.

Nhiều năm nay, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh chưa có nhà ăn tập thể. Việc chuẩn bị bữa ăn và bố trí nơi ăn nghỉ cho học sinh đều diễn ra tại rạp che tạm trước dãy nhà thư viện, rất bất tiện và khó đảm bảo chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau nhiều mong đợi, đến đầu năm 2021, công trình nhà ăn tập thể Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô chính thức được khởi công xây dựng trên diện tích gần 300 m2 , tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 2 tỉ đồng.

Phần đất ông Hồ Văn Bình tự nguyện hiến để xây dựng công trình nhà ăn tập thể Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô - Ảnh: N.T​
Phần đất ông Hồ Văn Bình tự nguyện hiến để xây dựng công trình nhà ăn tập thể Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô - Ảnh: N.T​

Thầy giáo Nguyễn Văn Thông, hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có công trình này, ngoài sự hỗ trợ từ huyện, xã và Ngân hàng Công thương Việt Nam, đặc biệt phải kể đến đóng góp rất lớn từ hộ ông Hồ Văn Bình, bản Xóm Mới khi gia đình ông đã tự nguyện hiến 130 m2 đất để làm nhà ăn tập thể cho học sinh. Diện tích đất hộ ông Bình hiến tặng ngay trước mặt ngôi nhà mà ông đang sống cùng vợ và các con. Thuộc khu vực trung tâm xã, gần trục đường giao thông chính, tính ra giá trị mảnh đất gần cả trăm triệu đồng, chưa kể trên đất mỗi năm cho thu hoạch từ hoa màu, cây tràm và cây ăn quả cũng mang về nguồn thu đáng kể. Gia đình ông Hồ Văn Bình thuộc diện hộ nghèo, đất này lẽ ra ông để dành làm đất ở cho con nhưng khi chính quyền xã cùng ban giám hiệu nhà trường đặt vấn đề cần có thêm quỹ đất xây nhà ăn tập thể cho học sinh, ông liền vui vẻ đồng ý. Không chỉ hiến đất, ông cùng các con còn tích cực bỏ công sức phụ thu dọn, san ủi mặt bằng để việc thi công được thuận lợi khiến chính quyền, nhà trường và bà con vô cùng cảm kích. “Dự tính công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 5/2021, đáp ứng đúng tiêu chuẩn bếp, nhà ăn tập thể, bảo đảm tốt việc sinh hoạt cũng như sức khỏe cho gần 150 học sinh cùng toàn thể giáo viên, nhân viên nhà trường”, thầy Nguyễn Văn Thông phấn khởi nói.

Dù được sự quan tâm từ các cấp, các ngành nhưng tình trạng thiếu, chưa đồng bộ về cơ sở vật chất tại nhiều trường học ở khu vực miền núi vẫn còn tồn tại. Như tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô hiện có 3 điểm trường là điểm trường trung tâm tại bản Xóm Mới, điểm trường bản Xà Lời và điểm trường bản Mít. Trong đó, điểm trường bản Mít cách trung tâm xã 12 km. Gọi là điểm trường nhưng từ năm 2017 trở về trước, điểm trường bản Mít chỉ có mỗi nhà công vụ, chưa có phòng học. Nhà trường phải sắp xếp ngăn đôi nhà công vụ và mượn nhà tạm của lực lượng chức năng gần đó để dạy học. Việc cần phải có phòng học mới vô cùng cấp thiết. Đến năm 2017, điểm trường bản Mít được xem xét hỗ trợ xây dựng lớp học thì lại gặp vướng mắc vì địa phương không còn quỹ đất. Lúc bấy giờ, hộ gia đình ông Hồ Văn Trung ở cạnh điểm trường bản Mít. Ngày ngày nhìn thấy các cháu nhỏ cũng như 4 thầy cô cắm bản vất vả trong việc dạy và học nên khi được vận động, ông Trung đã không ngần ngại hiến một phần đất của gia đình giúp mở rộng khuôn viên. Từ mảnh đất gần 200 m2 ông Trung hiến tặng cùng nguồn kinh phí 1,6 tỉ đồng, điểm trường bản Mít kịp thời được xây mới với 4 phòng học khang trang, đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Có lớp học mới, giáo viên và học sinh, người dân bản Mít cũng như các bản xung quanh rất vui mừng vì con em có nơi học tập ổn định và càng quý trọng tấm lòng của gia đình ông Hồ Văn Trung khi mà gia cảnh ông vốn gặp rất nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, 4 nhân khẩu sống trong ngôi nhà chưa kiên cố, kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào việc làm rẫy. Được biết, trước đó gia đình ông Hồ Văn Trung đã hiến tặng 150 m2 đất của gia đình để cùng Nhà nước, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn xây dựng điểm Trường Mầm non công lập Vĩnh Ô trên diện tích 300 m2 với kinh phí 1,5 tỉ đồng ngay tại bản Mít để con em trong bản và các bản lân cận được đến trường thay vì phải ở nhà do không thể về học tại trường mầm non trung tâm xã cách đó mấy giờ đồng hồ đi bộ. Nói về việc làm của mình, ông Hồ Văn Trung và Hồ Văn Bình đều suy nghĩ giản đơn song thật đáng trân trọng là đất đai thì rất quý nhưng Nhà nước, cộng đồng đã cho tiền xây trường, các thầy cô cũng chẳng quản khó nhọc ngày đêm bám trường, bám lớp thì người dân mình có gì góp đó, có đất góp đất, có công góp công, chung quy cũng vì sự học của con em bản làng cả.

Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Vĩnh Linh Lê Thanh Hải cho biết: “Hiện nay toàn ngành giáo dục huyện Vĩnh Linh còn thiếu khoảng 100 phòng học, phòng bộ môn và chức năng, tập trung chủ yếu ở bậc học mầm non và tiểu học khu vực miền núi. Nguyên nhân chính của tình trạng này ngoài việc chưa được bố trí kinh phí là quỹ đất hạn hẹp. Do vậy việc người dân tự nguyện hiến đất có ý nghĩa rất lớn, tạo sức lan tỏa, góp phần cùng các cấp, ngành nỗ lực huy động thêm nguồn lực, đầu tư kịp thời cho các cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, phòng chức năng. Từ đó hướng đến mục tiêu sớm xóa phòng học tạm, phòng học mượn, đảm bảo công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong tình hình mới, đặc biệt tại khu vực vùng khó, vùng sâu, vùng xa.”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tự nguyện hiến đất xây trụ sở công an xã

Minh Long |

Thời gian qua, việc tự nguyện hiến đất để xây dựng trụ sở công an xã của vợ chồng anh Võ Văn Chung - chị Đoàn Thị Thôi ở thôn Long Hợp, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được nhiều người dân địa phương khen ngợi và lấy làm gương noi theo. Sự hy sinh vì cộng đồng của anh chị đã góp phần cùng với xã thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đưa quê hương ngày càng phát triển.

Sôi nổi phong trào hiến đất ở A Dơi

Ngọc Trang |

Những năm gần đây, diện mạo nông thôn mới xã A Dơi, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) từng bước khởi sắc, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn và trường học được đầu tư cải tạo, xây dựng mới rộng rãi, khang trang đáp ứng được nhu cầu đi lại, sản xuất và học tập của người dân… Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương là những tấm lòng thơm thảo, không tính toán thiệt hơn của nhiều đồng bào Vân Kiều, Pa Kô khi hiến hàng nghìn mét vuông đất để góp sức xây dựng hạ tầng.

Bà Lêm hiến đất cho bộ đội làm chốt

Nguyễn Thành Phú |

Trước những khó khăn của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) La Lay về nơi xây dựng chốt kiểm tra, kiểm soát và chỗ nghỉ cho cán bộ, chiến sĩ, gia đình bà Hồ Thị Lêm ở thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông đã tự nguyện hiến 200 m2 đất để đơn vị làm nhà cho tổ công tác đang đóng chốt tại địa bàn.

Người nghèo hiến đất xây trường

Trúc Phương |

Tại thôn Quật Xá, xã Cam Thành, một trong những địa phương vẫn còn nhiều khó khăn của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) , chúng tôi được nghe người dân kể về câu chuyện tình nguyện hiến đất xây trường của gia đình anh Phạm Đức Minh. Nhờ nghĩa cử cao đẹp đó, những đứa trẻ ở vùng quê này đã có ngôi trường rộng rãi, khang trang để học tập.