Nhiều năm trở lại đây, các hộ dân sinh sống gần Cụm công nghiệp (CCN) Cầu Lòn - Bàu De, ở Phường 1, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) rất bức xúc và lo ngại trước tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ hoạt động của các nhà máy cơ khí, chế biến gỗ, ván ép thanh tại CCN này.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Lập, ở Khu phố 3, Phường 1, thị xã Quảng Trị sinh sống gần khu vực sản xuất của Công ty TNHH Khải Hoàn, chuyên đúc, chế tạo phụ kiện nông, lâm, ngư nghiệp. Ông Lập phản ánh, việc sản xuất của cơ sở sản xuất gây tiếng ồn rất lớn, thải ra khói bụi và mùi hôi của hóa chất rất khó chịu, nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống gần đó. Rất nhiều lần ông và người dân khu vực này kiến nghị với HĐND thị xã, chính quyền địa phương, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết.
CCN Cầu Lòn được thành lập và hoạt động từ năm 2004, diện tích 1,85 ha và CCN Bàu De được thành lập năm 2006, diện tích 2,5 ha. Ngày 28/9/2010, UBND tỉnh có Quyết định số 1828/QĐUBND về việc công nhận và đổi tên các CCN trên địa bàn, theo đó CCN Cầu Lòn và CCN Bàu De được đổi tên thành CCN Cầu Lòn - Bàu De, với diện tích 4,35 ha. CCN Cầu Lòn - Bàu De đi vào hoạt động năm 2010. Hiện tại có 14 dự án thuê đất với diện tích 2,88 ha.
Thời gian qua, UBND thị xã Quảng Trị đã quan tâm, chú trọng phát triển các CCN, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển các CCN đã tạo môi trường thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật mới, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư phát triển KT - XH. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên việc bố trí nguồn vốn gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến các CCN trên địa bàn chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Tại CCN Cầu Lòn - Bàu De hiện có các doanh nghiệp như Công ty TNHH Khải Hoàn chuyên đúc chế tạo phụ kiện nông, lâm, ngư nghiệp, Công ty TNHH Tấn Bửu chuyên sản xuất chai nhựa, nước uống, Công ty TNHH Gỗ Quảng Trị sản xuất chế biến gỗ ván ghép thanh...
Mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng hạ tầng tại CCN này hiện mới chỉ có đường giao thông, điện sản xuất kinh doanh, điện chiếu sáng, internet. Các hạng mục thiết yếu như hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải... chưa được đầu tư xây dựng.
Ông Lê Quang Học, Khu phố trưởng Khu phố 3, Phường 1 cho biết, khu vực này có khoảng 70 - 80 hộ dân thuộc các khu phố 2 và 3. Nhiều năm qua, người dân phải sống chung với mùi hôi phát tán ra từ các nhà máy khiến đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Nhiều gia đình ở gần phải đóng kín cửa nhà cả ngày, vì hễ mở cửa là mùi hôi từ khói bụi xộc thẳng vào nhà, rất ngột ngạt và khó thở.
Người dân ở đây đã nhiều lần phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội. UBND thị xã Quảng Trị đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chấn chỉnh về việc chấp hành đảm bảo các điều kiện môi trường của các doanh nghiệp tại đây. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn lặp lại hết năm này qua năm khác”, ông Học cho biết.
Dù các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh, tuy nhiên ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa cao. Được biết từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý CCN, sửa đổi bổ sung năm 2020.
Theo đó, chính quyền địa phương cần thanh tra, kiểm tra để đánh giá toàn bộ chất lượng các CCN trên địa bàn. Đối với các CCN gây ô nhiễm, các cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường vượt quá quy định, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân thì phải đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, cần khoanh vùng đối với những CCN tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, áp dụng các chế tài để xử lý, ngăn chặn đơn vị, cá nhân gây ô nhiễm môi trường...
Chủ tịch UBND Phường 1 Lê Lập Vũ Quỳnh cho biết: “Trước tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực này, UBND Phường 1 đã kiến nghị với UBND thị xã Quảng Trị có phương án di dời các cơ sở sản xuất trong CCN ra khỏi địa bàn dân cư.
Theo chủ trương, kế hoạch của UBND thị xã, việc di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi khu dân cư nằm trong chương trình đầu tư công trung hạn, tuy nhiên do nguồn lực có hạn nên chưa thực hiện được. Người dân rất mong muốn UBND tỉnh và UBND thị xã quan tâm bố trí nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp sớm thực hiện việc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi địa bàn dân cư”.
Thời gian qua, thị xã Quảng Trị đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN Hải Lệ có diện tích 48,9 ha. Hiện đã có 6 dự án thuê đất với diện tích 12 ha. Năm 2021, địa phương đã có quyết định phê duyệt lập dự toán báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án hạ tầng CCN Hải Lệ giai đoạn 2.
Mục tiêu nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng CCN, đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và phục vụ di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. Đây chính là hướng mở để sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại CCN Cầu Lòn - Bàu De trong điều kiện hạ tầng không đáp ứng yêu cầu như hiện nay.
Cùng với đó, để khắc phục tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân như hiện nay, trước khi bố trí đủ nguồn lực để thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi CCN Cầu Lòn - Bàu De, các ngành chức năng của thị xã Quảng Trị cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong CCN này nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)