'Phạt nguội' hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng

PV |

Người dân có thể sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi dữ liệu, cung cấp cho cơ quan chức năng để “phạt nguội” đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng. Đây là một trong những quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.

Theo đó, đối với nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định…, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP điều chỉnh theo hướng đảm bảo tính khả thi cả đối với lực lượng có thẩm quyền xử phạt lẫn các đối tượng bị xử phạt.

 

Đánh giá về những quy định xử phạt có hiệu quả, giúp ngăn chặn các hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, để tăng cường hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, Nghị định đã bổ sung nhiều quy định đối với nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định; hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định; vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt… Mức phạt đối với các hành vi trên đã được điều chỉnh giảm để đảm bảo tính khả thi với số đông người dân, phù hợp với thẩm quyền xử phạt của các lực lượng tại địa phương như chiến sỹ công an, trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an.

Nghị định cũng đã đơn giản hóa trình tự thủ tục xử phạt đối với các hành vi trên bằng hình thức phạt tại chỗ với một số hành vi có mức phạt dưới 250.000 đồng. Đối với các nhóm hành vi này, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP cũng đã dẫn chiếu áp dụng Nghị định 135/2021/NĐ-CP để có thể sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để “phạt nguội” theo quy định.

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung các hành vi liên quan đến công khai, cung cấp thông tin môi trường, trong đó phạt nặng từ 100-200 triệu đối với hành vi gian dối khi cung cấp thông tin môi trường trong trường hợp phải công khai thông tin cho cộng đồng theo quy định, để ngăn chặn đối với các trường hợp khi lấy ý kiến tham vấn cộng đồng trong quá trình lập các hồ sơ môi trường cố tình đưa thông tin không trung thực dẫn đến không đánh giá đầy đủ các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của dự án, cơ sở.

Nghị định cũng đã quy định rõ mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển; bổ sung các hành vi đốt chất thải nguy hại, mua, tiếp nhận chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại mà không có biện pháp xử lý hoặc không có chức năng xử lý theo quy định… để xử lý đối với các trường hợp phát sinh trong thực tế mà trước đây chưa có chế tài. Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính, cũng bị phạt tiền từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, thời gian qua, dư luận cũng quan tâm khi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Việc đưa ra chế tài này để thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đồng thời, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường quy định, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, thời hạn chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Do đó, đối với hành vi này chưa áp dụng ngay tại thời điểm Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Quy định cụ thể về phân loại rác, thời điểm phân loại rác tại nguồn ở từng tỉnh, thành phố sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã đưa ra hình thức xử phạt ở mức cao nhất đối một số nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như phạt tiền đến mức tối đa 2 tỷ đồng đối với các hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường…(tăng gấp 3 lần so với mức xử phạt quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

Nghị định cũng áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép môi trường; buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đối với các hành vi khác như xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ; hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí, gây ô nhiễm môi trường kéo dài; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị đình chỉ hoạt động...

Theo quy định hiện hành, giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường. Việc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nghị định cũng đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho các lực lượng như: Kiểm ngư; cảng vụ hàng không; Cục quản lý môi trường y tế; thanh tra chuyên ngành công thương, thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch…; bổ sung thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính cho nhân viên trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; qua đó mở rộng, tăng cường tối đa lực lượng tham gia để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, góp phần thực thi có hiệu quả Nghị định.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định, các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định theo hướng nâng cao tính răn đe, phòng ngừa các các hành vi cố tình vi phạm, trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Các hành vi gây ô nhiễm môi trường ngoài biện pháp xử phạt nặng bằng tiền, còn đồng thời bị đình chỉ hoạt động hoặc tước giấy phép môi trường, buộc khắc phục hậu quả vi phạm.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Vì vậy Nghị định xử phạt cũng đã quy định hành vi vi phạm xuyên suốt theo trình tự từ thực hiện đánh giá tác động môi trường, vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường, bảo vệ môi trường trong triển khai xây dựng dự án hoặc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… đảm bảo dễ dàng tra cứu, áp dụng.

Nghị định cũng thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, đặc biệt là việc thu lại số lợi bất hợp pháp của tổ chức, cá nhân có được do hành vi vi phạm mang lại; qua đó khắc phục triệt để tư tưởng cố tình vi phạm để trốn chi phí đầu tư cho môi trường.

(Nguồn: Ngày Nay)

Nguy cơ ô nhiễm môi trường nước ở các khu vực ao, hồ nuôi tôm

Phú Hải |

Với bờ biển dài 75 km, tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ theo mô hình tự nhiên, mô hình công nghiệp nói riêng.

5 điều cần biết về ô nhiễm không khí

Quỳnh Hoa |

Khoảng 90% dân số hiện phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm. Trong đó, hơn 5 tỷ người, tức khoảng 70% dân số toàn cầu, phải chịu đựng không khí độc hại vượt quá giới hạn ô nhiễm mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Liên hợp quốc coi đây là vấn đề sức khỏe quan trọng nhất của thời đại chúng ta.

Giải quyết ô nhiễm môi trường từ các cơ sở hấp sấy cá

Sỹ Hoàng |

Nhiều năm qua, trong các công đoạn hấp sấy cá ở các cơ sở hấp sấy cá thuộc xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã phát sinh các loại chất thải như nước thải, khói thải gây ô nhiễm môi trường.

Quảng Trị: 58 cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xử lý

Lê Minh |

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, đã xử lý 58/107 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.