Giải quyết ô nhiễm môi trường từ các cơ sở hấp sấy cá

Sỹ Hoàng |

Nhiều năm qua, trong các công đoạn hấp sấy cá ở các cơ sở hấp sấy cá thuộc xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã phát sinh các loại chất thải như nước thải, khói thải gây ô nhiễm môi trường.

Lâu nay, ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, nghề hấp sấy cá phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở hấp sấy cá lại không quan tâm, chú trọng đến vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường. Các cơ sở hấp sấy cá hoạt động nhiều tháng trong năm, nhưng toàn bộ nước thải không được xử lý theo đúng quy trình, mà xả thải trực tiếp xuống hệ thống cống, rãnh thoát nước. Một số cơ sở hấp sấy cá nằm cạnh sông nên nước thải sau khi chế biến được xả thẳng xuống sông.

Người dân sống xung quanh khu vực các cơ sở hấp sấy cá luôn phải chịu mùi hôi thối bốc lên từ hệ thống cống, rãnh thoát nước; khói thải gây ô nhiễm môi trường. Không dừng lại ở đó, nhiều cơ sở hấp sấy cá còn mang vỉ cá hấp sấy ra phơi trên các tuyến đường lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông đường bộ… 

Các công đoạn hấp sấy cá đã phát sinh các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: S.H
Các công đoạn hấp sấy cá đã phát sinh các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: S.H

Chủ tịch UBND xã Gio Việt Lê Ánh Hùng cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 35 cơ sở hấp sấy cá. Các cơ sở hấp sấy cá của xã bình quân thu mua, chế biến khoảng 6.000 - 7.000 tấn cá/năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở hấp sấy cá của xã đều nằm xen kẽ trong khu dân cư. Trước đây, toàn bộ nước thải từ các công đoạn trong chế biến cá được đổ ra sông, biển và hệ thống cống, rãnh thoát nước trong khu dân cư mà không qua quy trình xử lý nào; các lò hấp sấy chủ yếu sử dụng nhiên liệu đốt là củi than nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân sống xung quanh cơ sở hấp sấy cá do khói nóng, tro bụi bốc lên…

"Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, thời gian qua xã Gio Việt đã vận động các chủ cơ sở hấp sấy cá xây dựng hầm chứa để lắng lọc nước thải trước khi dùng máy bơm tăng áp bơm xuống sông; làm hệ thống ống khói cao để hạn chế khói thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở xung quanh các cơ sở hấp sấy cá. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng chỉ hạn chế được phần nào", Chủ tịch UBND xã Gio Việt, cho biết thêm.

Vừa qua, xã Gio Việt tiếp tục có tờ trình xin nguồn kinh phí của tỉnh khoảng 600 triệu đồng để hỗ trợ các cơ sở hấp sấy cá trên địa bàn xã giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể, từ nguồn kinh phí nêu trên, xã Gio Việt sẽ thực hiện việc hỗ trợ mỗi cơ sở hấp sấy cá 30 triệu đồng (cơ sở hấp sấy cá đối ứng thêm 30 triệu đồng) để xây dựng thêm hầm chứa nước, rác thải trong các công đoạn hấp sấy cá.

Bình quân mỗi cơ sở hấp sấy cá của xã phải xây dựng từ 2 - 3 hầm chứa nước, rác thải. Nước, rác thải trong quá trình sản xuất phải được xử lý kỹ càng mới xả thải ra sông hoặc hệ thống cống, rãnh… Những việc làm trên cũng chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở hấp sấy cá trên địa bàn xã Gio Việt. 

Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Nguyễn Xuân Phương cho biết, trên địa bàn thị trấn hiện có gần 40 cơ sở hấp sấy cá. Các cơ sở hấp sấy cá của thị trấn Cửa Việt bình quân thu mua, chế biến hơn 5.000 tấn cá/năm. Nhiều năm trở lại đây, nghề hấp sấy cá mang lại nguồn thu nhập khá, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Tại thị trấn Cửa Việt, việc chế biến thủy, hải sản theo hộ gia đình (chế biến thủy, hải sản trong khuôn viên nhà ở của gia đình là chủ yếu); điều kiện cơ sở vật chất làng nghề còn hạn chế... Do chế biến thủy, hải sản trong khu dân cư nên đã gây ô nhiễm môi trường; khó kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gio Linh Nguyễn Đăng Anh cho biết, trước tình trạng các cơ sở hấp sấy cá trong quá trình chế biến đã gây ô nhiễm môi trường từ nguồn nước xả thải cho đến khói thải, thời gian qua huyện Gio Linh đã tiến hành việc quy hoạch và xây dựng Cụm Công nghiệp (CCN) Đông Gio Linh - khu vực Cửa Việt (Khu chế biến thủy sản tại thị trấn Cửa Việt) với diện tích khoảng 20 ha. Huyện Gio Linh cũng đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng CCN Đông Gio Linh - khu vực Cửa Việt nhằm sắp xếp, tổ chức lại sản xuất các ngành nghề có thế mạnh của vùng (trọng tâm là chế biến thủy, hải sản).

Dự kiến khi hoàn thành CCN Đông Gio Linh - khu vực Cửa Việt (Khu chế biến thủy, sản tại thị trấn Cửa Việt), huyện Gio Linh sẽ di dời tất cả các cơ sở hấp sấy cá trên địa bàn xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt vào khu chế biến thủy hải sản. Chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ quan tâm tập trung giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở hấp sấy cá trên địa bàn xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt trong thời gian tới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam: Cảng biển Quảng Trị thuộc nhóm 2, loại 2

T.L |

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vĩnh Linh: Ngư dân bãi ngang được mùa ruốc biển

Nguyễn Trang |

Sau thời gian tạm dừng các hoạt động khai thác do ảnh hưởng cơn bão số 5 và mưa lớn kéo dài, những ngày này, ngư dân vùng bãi ngang huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tiếp tục ra khơi đánh bắt thủy hải sản và phấn khởi vì được mùa ruốc biển.

Nghề hấp cá phơi khô ở Gio linh tất bật vào vụ chính

Thiên Sơn |

Cứ bắt đầu từ tháng Hai (Âm lịch) hàng năm, làng nghề truyền thống hấp cá phơi khô ở vùng ven biển huyện Gio Linh (Quảng Trị) lại tất bật vào vụ chính.


Nghề truyền thống hấp cá phơi khô ở Quảng Trị vào vụ chính

PV |

Huyện Gio Linh (Quảng Trị) có trên 140 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô, tạo việc làm cho 2.000 lao động, mỗi năm, làng nghề chế biến khoảng gần 20.000 tấn cá biển cung ứng cho thị trường.