“Hậu phương” của nghề biển

HTS |

“Trước đây, công việc hằng ngày của chị em phụ nữ ở làng biển là chờ chồng, ngóng con đi biển trở về để nhặt nhạnh mớ cá, tôm mang bán ở các phiên chợ hoặc làm mắm, phơi khô trữ làm thức ăn vào mùa đông tháng giá. Thì nay, những người phụ nữ tảo tần ở làng biển đã vững vàng hơn trong vai trò “hậu phương” khi chồng ra khơi đánh bắt thủy hải sản…”, Chủ tịch Hội LHPN xã Gio Việt Trần Thị Hồng Thúy đã nói như vậy khi dẫn tôi đến thăm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi của chị em phụ nữ trên địa bàn xã Gio Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị).

Sinh ra và lớn lên ở làng biển Xuân Lộc (xã Gio Việt), từ thuở nhỏ chị Hoàng Thị Huề (43 tuổi) đã hằng ngày theo mẹ ra bến cá chờ thuyền của người thân trong gia đình trở về từ biển khơi. Có lẽ sớm tiếp xúc với con cá, con tôm đánh bắt về từ đại dương, đã hình thành rồi lớn dần lên trong chị khát vọng làm giàu từ chính sản vật của quê hương.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh kiểm tra mẫu cá tại lò hấp sấy cá của chị Võ Thị Hồng. Ảnh: HTS
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh kiểm tra mẫu cá tại lò hấp sấy cá của chị Võ Thị Hồng. Ảnh: HTS

Chị Huề chia sẻ, bây giờ chị em phụ nữ ở các làng biển không còn thụ động như ngày xưa, mà đã chủ động làm đủ nghề như mở lò hấp sấy cá, buôn bán cá, mực xuất khẩu, mở xưởng sản xuất nước đá… để cùng chồng con phát triển kinh tế gia đình. Riêng chị Huề, từ năm 2008 đến nay đã đầu tư gần 300 - 400 triệu đồng xây dựng, nâng cấp hệ thống lò hấp, nhà xưởng để hấp sấy cá xuất bán sang thị trường Trung Quốc. “Hiện tại, lò hấp sấy cá của gia đình tôi hoạt động hết công suất trong khoảng 5 - 6 tháng trong năm. Vào các tháng cao điểm lượng cá tươi thu mua của ngư dân trên địa bàn xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt cũng như nhiều địa phương khác để hấp sấy khoảng 40 - 50 tấn/tháng. Lò hấp sấy cá của gia đình tôi thu hút khoảng 13 - 14 lao động (chủ yếu là chị em phụ nữ) với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, lò hấp sấy cá mang lại doanh thu gần 1 tỉ đồng, lãi ròng khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm”.

Đang trò chuyện với chị Huề, thì anh Lê Minh Thái (chồng chị Huề) trở về nhà sau chuyến đi biển dài ngày. Anh Thái cho biết, tàu đánh bắt xa bờ mà anh góp vốn đầu tư cùng người em trai vừa cập bến với sản lượng thủy hải sản đánh bắt được có giá trị gần 600 triệu đồng (anh được chia phần khoảng 70 - 80 triệu đồng). “Nghề biển bây giờ không còn vất vả, bấp bênh như ngày xưa, bởi ngư dân bám biển trên những chiếc tàu đánh bắt xa bờ, trung bờ có công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại và năng suất, sản lượng thủy sản đánh bắt được cũng gấp hàng chục, hàng trăm lần. Tàu to, thuyền lớn nên những chuyến vươn khơi thường kéo dài 15 - 20 ngày trên biển. Nếu ở trên bờ, không có những người mẹ, người vợ giỏi giang, tần tảo lo toan công việc gia đình và sản xuất, kinh doanh kiếm thêm thu nhập để phụ chồng con phát triển kinh tế gia đình, thì ngư dân như chúng tôi khó lòng mà yên tâm bám biển”.

Đến thăm mô hình nuôi yến và lò hấp sấy cá của chị Võ Thị Hồng (48 tuổi) ở thôn Xuân Tiến (xã Gio Việt), tôi khá bất ngờ khi thấy chị Hồng đang vận hành thành thạo hệ thống cẩu tời chạy bằng điện (có công suất 1,5 kW) để cẩu các vỉ cá đưa vào nồi hấp và từ trong các nồi hấp ra đưa đi phơi thay cho việc sử dụng sức người để gánh như trước đây, bởi công việc vận hành hệ thống tời vốn dành cho cánh đàn ông. Chị Hồng cho biết, lò hấp sấy cá của gia đình chị vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ hệ thống cẩu tời chạy bằng điện để góp phần hạn chế nguy cơ mất an toàn lao động cho người trực tiếp sản xuất. Bởi đặc thù của nghề chế biến cá hấp nên trong lò hấp cá luôn trơn trượt do nước thải từ cá chảy ra. Khi gánh nặng, nền lò lại trơn trượt nên đã có nhiều trường hợp người lao động bị trượt ngã vào nồi hấp cá gây bỏng tay, chân. Do vậy, việc sử dụng cẩu tời để đưa các vỉ cá vào nồi hấp và lấy ra đưa đi phơi đã giúp người lao động trực tiếp sản xuất không phải gánh nặng, không cần tới gần các nồi hấp, hạn chế được nguy cơ trượt ngã nguy hiểm.

“Từ năm 2011 đến nay, tôi gắn bó với nghề hấp sấy cá. Hiện tại, vào các tháng cao điểm, lò hấp sấy cá của gia đình tôi hấp sấy khoảng 50 - 60 tấn cá tươi/tháng. Cá sau khi hấp sấy được xuất bán sang thị trường Trung Quốc và bán cho thương lái trong huyện, trong tỉnh với doanh thu gần 1 tỉ đồng/năm (lãi ròng khoảng 100 - 200 triệu đồng). Lò hấp sấy của gia đình tôi đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 14 lao động với thu nhập bình quân từ 4 -5 triệu đồng/tháng. Ngoài nghề hấp sấy cá, gần đây gia đình tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà nuôi yến nhằm tăng thêm thu nhập. Giá trị sản vật mà biển mang lại cho chúng tôi rất lớn. Đàn ông thì ra khơi mang tôm, cá về, còn phụ nữ chúng tôi ở nhà không thể kém cạnh, phải làm sao để nâng cao giá trị con tôm, con cá của biển quê hương, và đưa con tôm, con cá vươn xa không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn ra nước ngoài”.

Chủ tịch Hội LHPN xã Gio Việt Trần Thị Hồng Thúy cho biết thêm, Hội LHPN xã Gio Việt hiện có 1.160 hội viên thì chiếm đến 90% hội viên làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhiều chị em phụ nữ đã vươn lên làm giàu với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ dịch vụ hậu cần nghề cá như chị Bùi Thị Lan ở thôn Xuân Ngọc làm nghề hấp sấy cá; chị Trần Thị Hồng ở thôn Xuân Tiến làm nghề hấp sấy cá; chị Trần Thị Tuyến ở thôn Xuân Ngọc mua xe đông lạnh để làm dịch vụ vận chuyển thủy hải sản và làm nghề hấp sấy cá; chị Trương Thị Thúy ở thôn Tân Xuân làm nghề buôn bán cá, mực xuất khẩu… Để thiết thực giúp chị em phụ nữ trên địa bàn xã phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua Hội LHPN xã Gio Việt đã đứng ra tín chấp cho hàng trăm trường hợp hội viên phụ nữ được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. 6 tháng đầu năm 2020, Hội LHPN xã Gio Việt đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 8 chị em phụ nữ vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 400 triệu đồng để buôn bán thủy, hải sản, xây dựng xưởng sản xuất nước đá, buôn bán tạp hóa…Và nhiều chị em phụ nữ được vay vốn ở nhiều kênh vốn khác để phát triển kinh tế gia đình. “Không có đủ sức khỏe để mạnh mẽ trước sóng gió biển khơi như đàn ông, phụ nữ ở các làng biển gắn bó với biển bằng sự miệt mài, tảo tần với dịch vụ hậu cần nghề cá. Chính chị em phụ nữ ở nhiều làng biển đang trở thành “hậu phương” vững chắc để “tiếp sức” cho chồng con yên tâm vươn khơi, bám biển dài ngày”, Chủ tịch Hội LHPN xã Gio Việt Trần Thị Hồng Thúy chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Học sinh Quảng Trị tham gia chung kết cuộc thi do Trương ương Đoàn tổ chức

H.T |

260 thí sinh xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi trực tuyến “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ” toàn quốc do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức đã tham dự Vòng chung kết diễn ra vào hôm nay 27/6/2020 tại 5 điểm thi trên cả nước, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long. Em Phan Thị Như, học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Trị tham gia vòng chung kết cuộc thi trực tuyến tại điểm thi tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Tấm gương gia đình người Vân Kiều tiêu biểu

Kim Huệ - Ta Tép |

Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng với bản chất cần cù, chịu thương chịu khó, gia đình chị Hồ Thị Êm người dân tộc Vân Kiều ở thôn A Quan, xã Lìa, huyện Hướng Hoá  (Quảng Trị) đã vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Cùng với đó, gia đình chị luôn tích cực nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc. Vì vậy, gia đình chị đã trở thành tấm gương tiêu biểu để mọi người học hỏi và noi theo.

Cô gái trẻ từng đạt giải Nobel Hòa Bình năm 17 tuổi, tốt nghiệp Đại học Oxford

Thanh Mai |

Malala là đại diện sức mạnh kỳ diệu gắn kết mọi người, đặc biệt là phụ nữ, trên toàn thế giới, không phân biệt màu da, thứ bậc, độ tuổi.

Già làng Hồ Vê nêu gương sáng

Trần Tuyền |

Ông Hồ Vê (sinh năm 1944) là già làng, người có uy tín ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Phát huy vai trò của đảng viên và người có uy tín nên sau khi về hưu, ông Hồ Vê là người tiên phong trong phát triển kinh tế gia đình. Học theo ông, người dân trong thôn cũng mạnh dạn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.