Cảnh giác chiêu lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc với mức lương cao

Lê Trường |

Qua mạng xã hội, một số thanh niên ở Quảng Trị bị các đối tượng môi giới xuất nhập cảnh trái phép dụ dỗ, “hứa” đưa sang Campuchia để làm việc nhẹ, lương cao. Tuy nhiên, sau đó, các thanh niên này phát hiện bị lừa và phải “cầu cứu” gia đình nộp hàng chục triệu đồng tiền chuộc để được về nước, nhưng đến nay vẫn vô vọng.


Gia đình bán tài sản, vay mượn để gom tiền chuộc con

Từ thông tin của Công an huyện Đakrông, phóng viên Báo Quảng Trị tìm đến thôn Ly Tôn, xã Tà Long để tìm hiểu về việc các gia đình ở thôn này trình báo con trai của họ bị lừa sang Campuchia làm việc, nay chưa thể trở về vì phải nộp số tiền chuộc lớn.

Dưới cái nắng gay gắt của trưa mùa hè, ngôi nhà sàn của gia đình ông Hồ Văn Hồng càng trở nên vắng lặng, đìu hiu. Những ngày này, mọi sinh hoạt của gia đình ông Hồng gần như đảo lộn khi hay tin con trai của ông là H.V.H (sinh năm 2004) bị lừa sang làm việc ở Campuchia và liên lạc về nhà nói phải gửi tiền chuộc sang mới được thả về. Ông Hồng chia sẻ, con trai ông vào làm bảo vệ tại một siêu thị ở Bình Dương vào cuối tháng 3/2022. Sau đó, qua mạng xã hội thì có người giới thiệu đưa sang Campuchia làm việc nhẹ với mức lương cao hơn. “Họ nói với con tôi là muốn sang Campuchia làm việc chỉ cần bắt xe từ Bình Dương vào TP. Hồ Chí Minh rồi sẽ có người đón để đưa qua. Khi vào bến xe ở TP. Hồ Chí Minh thì con tôi được xe taxi đưa thẳng qua Campuchia. Sau vài ngày, thì H. có gọi về và nói đã bị lừa và muốn về nước phải nộp số tiền 90 triệu đồng”, ông Hồng kể lại.

Ông Hồ Văn Hồng (thứ 2, từ trái sang) thông tin việc con trai H.V.H bị lừa sang Campuchia lao động với Công an xã Tà Long - Ảnh: L.T
Ông Hồ Văn Hồng (thứ 2, từ trái sang) thông tin việc con trai H.V.H bị lừa sang Campuchia lao động với Công an xã Tà Long - Ảnh: L.T

Nghe vậy, gia đình ông Hồ Văn Hồng đã đi vay mượn khắp nơi, gom góp đủ số tiền trên để nhờ người chuyển sang Campuchia mong đưa được con trai về. “Sau khi chuyển số tiền 90 triệu đồng, H. gọi về nói là bên kia đưa đến một địa điểm khác cách khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 2 km. Nếu muốn trở về Việt Nam, bên đó yêu cầu phải nộp thêm số tiền chuộc là 70 triệu đồng nữa. Bây giờ gia đình không biết xoay xở thế nào, chỉ biết trong chờ vào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng”, ông Hồ Văn Hồng bộc bạch.

Tương tự, gia đình ông Hồ Văn Ray ở thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông cũng có con trai là H.V.T bị lừa đảo xuất cảnh trái phép sang Campuchia, nay muốn về phải nộp tiền chuộc. Khi phóng viên đến tìm hiểu thì vợ chồng ông Ray đã lên bệnh viện huyện để khám bệnh. Nói chuyện cùng cậu ruột của T., anh Hồ Văn Rư cho biết, gia đình ông Ray có 7 người con, kinh tế chủ yếu nhờ vào nương rẫy nên rất khó khăn. Cho nên, học đến lớp 11, cháu T. nghỉ học để vào Bình Dương kiếm việc làm phụ giúp gia đình.

“Mới vào Bình Dương làm việc được mấy tháng, T. có gửi về cho gia đình hơn 2 triệu đồng. Nhưng vì việc làm không ổn định, thu nhập lại thấp nên T. đã lên mạng kiếm việc khác. Không hiểu thế nào giờ lại nghe cháu gọi về nói là bị đưa sang Campuchia rồi. Khi qua bên kia, T. gọi về nhà bằng mạng xã hội, thông tin rằng muốn về nhà thì phải nộp 90 triệu đồng tiền chuộc, hạn trong ngày 11/6 vừa rồi phải nộp đủ nếu không sẽ bị bán sang nơi khác”, anh Rư cho biết.

Sau khi cháu H.V.T gọi về thông tin, gia đình đã trình báo với chính quyền địa phương, mặt khác, xoay xở để gom đủ số tiền chuộc. Anh Hồ Văn Rư nói thêm: “Thương cháu, tôi và đứa em trai đi khắp nơi để vay mượn được 25 triệu đồng; gia đình ông Ray đành phải bán tài sản duy nhất là 2 con trâu với giá 35 triệu đồng, rồi bà con lối xóm cho mượn thêm mỗi người một ít, gom góp đủ 90 triệu đồng để chuyển sang Campuchia ngay trong ngày 11/6 vừa rồi qua số tài khoản mà cháu T. gửi về”.

Tuy nhiên, theo anh Rư, mặc dù tiền đã gửi đi nhưng do vẫn chưa đủ vì phía các đối tượng ở Campuchia yêu cầu phải nộp thêm số tiền 30 triệu đồng thì T. mới được về nước, còn mức tiền gửi đó chỉ đủ đưa T. đến một địa điểm làm việc khác gần biên giới hơn.

Cảnh giác chiêu lừa đảo ra nước ngoài làm việc với mức lương cao

Theo đơn trình báo của 2 gia đình ở xã Tà Long gửi Công an huyện Đakrông, ngày 10/3/2022, H.V.H và H.V.T vào Bình Dương làm việc tại 1 siêu thị. Đến ngày 22/5, cả 2 theo lời dụ dỗ của 1 tài khoản zalo có tên “Phan Anh” vào làm việc tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương cao. Khi lên xe được chỉ định để đến nơi làm việc, thì cả 2 không biết gì rồi được chuyển đến Campuchia.

Tới ngày 26/5, T. và H. gọi điện thoại về, thông báo đã bị lừa sang Campuchia làm việc ở tại khu Chinatown Building thuộc tỉnh Sihanoukville của Campuchia. Cả hai được hướng dẫn sử dụng máy tính để lừa đảo, tuy nhiên không làm được nên bị người giám sát đánh đập và gợi ý nếu muốn về thì phải thông báo gia đình gửi qua số tiền chuộc 85 triệu đồng mỗi người. Đến ngày 10/6, số tiền chuộc tăng lên 100 triệu đồng.

Theo Phó Trưởng Công an huyện Đakrông, Thượng tá Trần Vĩnh Phong, sau khi tiếp nhận nguồn tin báo về tội phạm, do không thuộc thẩm quyền nên Công an huyện Đakrông đã báo cáo nhanh cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh. Đồng thời, chuyển tin báo cho Công an tỉnh Bình Dương để xác minh, điều tra theo đúng quy định của pháp luật. “Sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Đakrông đã hướng dẫn cho công an các xã tổ chức tuyên truyền cho người dân biết các phương thức của các đối tượng lừa đảo nói trên để phòng tránh. Đồng thời, triển khai các mặt nghiệp vụ tăng cường giám sát chặt chẽ các đối tượng là thanh niên không có việc làm trên địa bàn, tuyên truyền để số đối tượng này không bị “sập bẫy” tương tự khi sử dụng mạng xã hội”, Thượng tá Trần Vĩnh Phong thông tin thêm.

Cũng theo Thượng tá Phong, các chiêu thức lừa đảo đưa người xuất cảnh trái phép qua Campuchia với lời dụ dỗ làm việc nhẹ lương cao lan truyền trên các trang mạng xã hội hiện nay được thực hiện ở nhiều địa phương khác nhau trong cả nước với các chiêu thức thủ đoạn hết sức phức tạp, khó lường. Cho nên, cần cẩn trọng, chọn lọc thông tin để tránh bị lôi kéo, dụ dỗ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bắt đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trịnh Duy Hưng |

Nhập cảnh Việt Nam để tránh bị điều tra tại Đài Loan, đối tượng Lưu Trấn Nguyên tiếp tục lừa đảo có thể đua người lao động sang Đài Loan với chi phí thấp hơn để chiếm đoạt số tiền hơn 600 triệu đồng.

Mạo danh nhân viên bảo hiểm để lừa đảo vay tiền qua mạng

Lê Trường |

Sau khi cho phép các đối tượng xưng là nhân viên của một công ty bảo hiểm chụp hình chân dung và thẻ Căn cước công dân (CCCD), nhiều người đã nhận được 820.000 đồng tiền “hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19”.

Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 100 tỷ đồng

Ngọc Hà |

Hoàng Anh Trúc (SN 1991, trú P.2, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an Lâm Đồng khởi tố bắt giam vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh nhân viên Công ty Điện lực Quảng Trị để lừa đảo

Mai Lâm |

 

Theo xác nhận của bà Hồ Thị Phi, Phó Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Quảng Trị, thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều phản ánh của khách hàng trên địa bàn tỉnh về việc nhận được các cuộc điện thoại từ các số: 184411941431, 00194026912810, 0018449521510, +1(884)0094396, 119210454978, tự xưng là nhân viên điện lực thông báo khách hàng còn nợ tiền điện, yêu cầu chuyển tiền thanh toán nếu không sẽ bị cắt điện. Tuy nhiên, khi nhân viên điện lực kiểm tra trên hệ thống thì những khách hàng này đều không nợ tiền điện.