Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, khi vướng vào vòng lao lý, nhiều người tận dụng tất cả các mối quan hệ để nhờ vả với mong muốn bản thân hoặc người thân của mình được giảm án.
Bởi vậy, họ dễ dàng tin theo lời của các đối tượng môi giới, lừa đảo, nhờ “chạy án” để rồi “tiền mất, tật mang”. Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử một vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến hành vi “chạy án” cho một người ở Nghệ An bị tạm giam, điều tra, truy tố tại tỉnh Tây Ninh.
Bị cáo trong vụ án này bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, để nhờ giúp anh trai và những người trong 2 vụ án “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” và “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” được áp dụng biện pháp ngăn chặn “bảo lãnh”, trả lại xe ô tô khách, gỗ và tiền ngoại tệ (đô la Mỹ) bị thu giữ, ông V. (trú ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vào tỉnh Bình Phước gặp Trần Thọ (sinh năm 1960, trú tại Phường 2, TP. Đông Hà) nhờ giúp.
Thọ hứa sẽ giúp đỡ và để tạo niềm tin ban đầu, bị cáo đưa ra thông tin bản thân có quen biết với lãnh đạo nhiều ngành ở tỉnh Bình Phước cũng như các cơ quan công an, tòa án, VKSND tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tin tưởng, ông V. chuyển cho Thọ tổng cộng 2,1 tỉ đồng để lo việc “chạy án”. Tuy nhiên, theo ông V., sau khi nhận tiền, Thọ không dùng số tiền đó vào việc “chạy án” mà chi vào mục đích cá nhân. Nhiều lần yêu cầu trả lại tiền nhưng không được, ngày 24/5/2020, ông V. gửi đơn tố cáo hành vi của Thọ đến Công an Quảng Trị.
Cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng tại phiên tòa, bị cáo khai đã nhận 2,1 tỉ đồng từ gia đình ông V. để đi “chạy án”, chứ không lừa đảo. Số tiền này bị cáo khai nhận đã đưa cho nhiều người công tác ở cơ quan tố tụng tại huyện Tân Biên, trong đó có ông A. (cán bộ công an huyện) với số tiền 1,3 tỉ đồng. Nhưng quá trình điều tra chỉ chứng minh được 150 triệu đồng ông A. chuyển trả vào tài khoản của bị cáo và cho rằng đó là tiền mượn để giải quyết việc cá nhân.
Mặc dù Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Trị tuyên bị cáo 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng lại đồng thời kiến nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, truy tố bổ sung để xem xét hành vi của bị cáo và những người liên quan đưa tiền cho bị cáo thực hiện hành vi hối lộ. Lý do là vì trước đó, vào ngày 22/10/2021, TAND tỉnh đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm và tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ mục đích chiếm đoạt và hành vi gian dối của bị cáo trước khi nhận số tiền trên.
Tuy nhiên, tại phiên tòa lần này, kết quả điều tra bổ sung chưa chứng minh được yêu cầu của HĐXX nêu ra tại phiên tòa lần trước. Theo quy định về giới hạn xét xử, HĐXX không thể tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung (đã trả 2 lần) nhưng cũng không thể xét xử bị cáo về tội danh khác vì những người liên quan chưa bị khởi tố bị can.
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ án liên quan đến hành vi “chạy án” được TAND các tỉnh, thành trong cả nước đưa ra xét xử. Mới đây nhất là vụ nguyên giám đốc một bệnh viện ở TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) khi bị điều tra về hành vi có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đã chi 2,2 triệu USD nhờ người lo để không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, những người được nhờ giúp (trong đó có nguyên cán bộ công an) sử dụng số tiền trên cho mục đích cá nhân và đã bị cơ quan chức năng truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Môi giới hối lộ”.
Khi vướng vào vòng lao lý, một số người nghĩ rằng có thể “chạy án” bằng cách dùng tiền mua chuộc cán bộ, làm thay đổi cán cân công lý. Họ sẵn sàng vay mượn, bỏ ra số tiền hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng để nhờ người “chạy án”. Từ những vụ án liên quan đến hành vi “chạy án” cho thấy, nhiều đối tượng sau khi nhận được tiền đều sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân chứ không có động thái giúp đỡ để được giảm án. Các đối tượng nhận “chạy án” khá đa dạng, đó có thể là những người không có nghề nghiệp, cũng có thể là kiểm sát viên, luật sư, thư ký tòa, cán bộ thi hành án...
Những người này tuy không có chức vụ, quyền hạn và thẩm quyền xét xử nhưng tự tô hồng chức danh, quyền hạn, mối quan hệ của mình để đánh lừa thân nhân bị can, bị cáo, đương sự nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, cũng có những người có thẩm quyền nhưng cố ý làm trái hoặc có sự câu kết, móc nối để “chạy án” qua các khâu trung gian. Đây là chủ thể đặc biệt - những người được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, đảm bảo cán cân công lý - vì vậy, dù với bất kỳ lý do gì, việc để xảy ra những hành vi phạm tội, tiêu cực trong hoạt động tố tụng cần phải được điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Từ những vụ án nói trên, người dân cần cảnh giác và rút kinh nghiệm. Theo các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và đời sống Nhân dân. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, để không bị “tiền mất tật mang”, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo này, nhất là tội phạm liên quan đến hành vi “chạy án” vốn đang nhức nhối trong thời gian gần đây.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)