Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội, tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cũng như được tham gia vào các hoạt động xã hội. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe, trợ giúp NKT, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có trên 27.000 NKT, trong đó có gần 19.000 NKT đặc biệt nặng và nặng, trên 8.300 NKT nhẹ.
Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; tổ chức tư vấn, hướng dẫn NKT và gia đình làm hồ sơ theo quy định.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với NKT. Theo đó, nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo giúp đỡ NKT đã được các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội tổ chức thường xuyên như: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; hỗ trợ giáo dục và đào tạo; hỗ trợ sinh kế và tạo việc làm, trợ giúp pháp lý cho NKT…
Toàn tỉnh hiện có gần 19.000 NKT được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; trên 3.400 NKT đang được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng; 153 NKT được nuôi dưỡng, chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội; 98% NKT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú; đồng thời hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 635 NKT…
Với vai trò là cầu nối giữa các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm và NKT trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Hội NKT, NNDC, BTNKT và BVQTE tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực cùng cộng đồng hỗ trợ NKT khắc phục khó khăn, xóa dần mặc cảm, tự ti, động viên NKT vươn lên trong cuộc sống.
Tính từ năm 2017 đến tháng 6/2022, nguồn quỹ hội vận động được bằng tiền và hiện vật (quy đổi ra tiền) là gần 89 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ này, hội đã trao tặng 2.075 chiếc xe lăn, xe lắc; 2.389 dụng cụ chỉnh hình; 83 máy trợ thính; 781 chiếc xe đạp; 293 con bò giống; hỗ trợ 579 hộ vay vốn ưu đãi; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 44 nhà tình thương, 5 nhà vệ sinh; bảo trợ lâu dài cho 50 trẻ em mồ côi và 100 học sinh nhận học bổng hằng năm; tặng quà nhân các ngày lễ, tết cổ truyền và đột xuất 53.503 suất… cho NKT, nạn nhân da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đáp lại sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước và toàn xã hội, những NKT trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu vươn lên, hòa nhập với cộng đồng, góp ích cho gia đình và xã hội. Mặt khác, nhiều NKT đã giành được giải cao trong các kỳ thi đấu thể thao dành cho NKT; nhiều NKT đã gương mẫu trong sinh hoạt và đời sống, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động ở địa phương.
Với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của NKT và Luật NKT nhằm cải thiện cuộc sống của NKT, tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia vào các hoạt động KT-XH, xây dựng môi trường không rào cản đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trợ giúp NKT tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu hằng năm có 80% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức.
500 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ trợ giúp phù hợp; 2.000 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo việc làm, 90% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định; 80% NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí; 100% huyện, thị xã, thành phố có tổ chức của NKT…
Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách đối với NKT; khơi dậy và phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” tốt đẹp của dân tộc.
Đời sống vật chất, tinh thần của NKT được cải thiện đáng kể; họ có thêm những cơ hội trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng và tự lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều NKT còn tự ti, gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình sinh kế, nguồn vốn hỗ trợ, thiếu thông tin về sản xuất, kinh doanh…
Đặc biệt trong tình hình COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, NKT chính là đối tượng phải đối mặt với nhiều biến chứng bệnh và có tỉ lệ tử vong cao hơn nếu không may mắc COVID-19; cơ hội tìm kiếm việc làm của NKT trong điều kiện hiện nay cũng có nhiều hạn chế.
Vì vậy, thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh cần thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn NKT cách phòng, chống dịch; các cơ sở bảo trợ xã hội có sự quan tâm, chú ý đến đối tượng NKT nhiều hơn trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc; hướng dẫn NKT phương pháp tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng…, đồng thời hỗ trợ NKT có được cơ hội việc làm phù hợp với bản thân để giúp họ vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của quê hương, đất nước.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)