Trong những năm qua, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động ngày càng được hoàn thiện, ý thức thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động của người lao động và người sử dụng lao động được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, môi trường làm việc luôn tồn tại các yếu tố nguy hiểm và có hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Do đó, các doanh nghiệp, đơn vị SX-KD phải nâng cao vai trò của mình và tích cực trong việc phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc.
Anh Lê Đa Danh (sinh năm 1983), là công nhân xí nghiệp xây dựng công trình của Công ty Cổ phần Thiên Tân tại Khu công nghiệp Cam Hiếu, Cam Lộ (Quảng Trị). Đầu tháng 12/2023, trong lúc đang điều khiển máy đầm bê tông, do ván sàn công trình (cao 2m) gãy khiến anh bị rơi từ trên cao xuống vỡ xương gót chân. Trong thời gian điều trị tại bệnh viện cũng như nghỉ ngơi ở nhà, anh Danh luôn nhận được sự quan tâm, động viên của ban giám đốc và Ban chấp hành Công đoàn Công ty Cổ phần Thiên Tân. Mọi chế độ, chính sách liên quan đến tai nạn lao động (TNLĐ) của anh đều được công ty giải quyết chu đáo.
Là đơn vị chuyên về sản xuất vật liệu xây dựng với điều kiện lao động có yếu tố nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ cao nên công tác đảm bảo an toàn cho người lao động luôn được Công ty Cổ phần Thiên Tân chú trọng.
Ngay từ đầu năm, công ty đã xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động, trong đó tập trung vào các biện pháp, giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, quy trình tổ chức sản xuất và bảo đảm an toàn lao động.
Công đoàn tham gia cùng lãnh đạo công ty xây dựng nội quy lao động, nội quy thực hiện công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; quy trình vận hành máy móc thiết bị; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc và bảo đảm an toàn lao động.
Hằng năm, công ty đều báo cáo về số vụ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp của người lao động; kết quả phân loại sức khỏe; huấn luyện về an toàn-vệ sinh lao động; tình hình quan trắc môi trường lao động... lên Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Việc nhận diện các yếu tố nguy hiểm, độc hại ở các mức độ khác nhau cũng như biện pháp phòng chống được triển khai thường xuyên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ.
Từ năm 2013-2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giải quyết chế độ tai nạn lao động cho 1.009 trường hợp. Trong đó có 699 lao động được trợ cấp 1 lần (có tỉ lệ mất sức lao động từ 5%-30%); 330 lao động được trợ cấp hàng tháng (có tỉ lệ mất sức lao động từ 31% trở lên); giải quyết chính sách đối với người chết do tai nạn lao động là 53 trường hợp
Năm 2022, công ty xảy ra 1 trường hợp bị TNLĐ và năm 2023 có 2 trường hợp. Khi người lao động xảy ra tai nạn, đại diện lãnh đạo công ty và tổ chức công đoàn kịp thời có mặt để động viên người lao động. Công ty đứng ra thanh toán tất cả chi phí và lương trong thời gian người lao động bị tai nạn phải nghỉ việc để điều trị cũng như bồi thường, trợ cấp sau giám định.
Với người lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn do ảnh hưởng bởi tai nạn thì được công ty trợ cấp. Trường hợp bị TNLĐ nặng phải nghỉ việc, hàng năm công ty hỗ trợ từ 3-5 triệu đồng vào dịp tết.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Tân Nguyễn Văn Long cho biết: Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động được công ty triển khai bài bản từ huấn luyện đến trang cấp các thiết bị bảo hộ và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.
Trong những năm qua, công ty đã cơ giới hóa các phần việc để giảm sức lao động và đảm bảo an toàn cho công nhân. Hằng năm, chúng tôi đều đánh giá nguy cơ rủi ro để đề ra biện pháp phòng tránh và giúp người lao động nhận biết các yếu tố rủi ro để tự bảo vệ mình.
Công ty TNHH Dệt may VTJ TOMS có 1.121 lao động. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dệt may VTJ TOMS Nguyễn Thị Hoàng Hoa: Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động được thể hiện ở hai nội dung chính, đó là xây dựng môi trường lao động an toàn và giải quyết tốt các chế độ cho công nhân bị ốm đau, tai nạn lao động.
Định kỳ hằng năm, công ty đều tổ chức các buổi tập huấn về an toàn vệ sinh lao động (đối với nhóm 4 thực hiện đào tạo 1 năm/lần, các nhóm khác 2 năm/lần); tập huấn kỹ thuật an toàn hóa chất, phòng tránh sự cố tràn đổ hóa chất (đối với nhóm 2, nhóm 3 và nhân viên an toàn lao động). Trước khi nhận việc, người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề đều được hướng dẫn, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Sau đó căn cứ vào công việc của từng người đảm nhiệm để huấn luyện, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh phù hợp và phải được kiểm tra thực hành chặt chẽ. “Hoạt động sản xuất của đơn vị tiềm ẩn các nguy cơ về cháy nổ, mất an toàn của máy, thiết bị, vật tư, hóa chất tại nơi làm việc. Vì thế, công ty bố trí vòi rửa mắt khẩn cấp, vòi tắm khẩn cấp khi xảy ra sự cố hóa chất dính vào người; cấp phát đồ bảo hộ lao động cần thiết trong quá trình làm việc. Đối với hóa chất, nhiên liệu... đều có gắn tem nhãn đối với từng loại”, bà Hoa cho biết.
Trong năm 2023, Công ty TNHH Dệt may VTJ TOMS chỉ có 1 trường hợp tai nạn lao động xảy ra ở xưởng may, nguyên nhân là do sự bất cẩn của NLĐ. Hiện tại người lao động đang nghỉ làm trong thời gian chờ kết quả giám định y khoa.
Công ty đã hỗ trợ toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị; đại diện công ty cùng ban chấp hành công đoàn nhiều lần đến nhà thăm người lao động; hướng dẫn cụ thể về thủ tục làm chế độ tai nạn lao động và đóng đủ chế độ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Ngoài ra, công đoàn còn kêu gọi toàn thể NLĐ trong công ty quyên góp ủng hộ để giúp người bị TNLĐ vượt qua khó khăn vì họ là lao động chính trong gia đình.
Người lao động được xem là tài sản quý của doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, sản lượng công việc giúp đơn vị hoàn thành mục tiêu sản xuấtkinh doanh. Việc tạo ra môi trường lao động an toàn, lành mạnh sẽ hạn chế tối đa mọi rủi ro đối với người lao động, góp phần tạo nên một lực lượng lao động ngày càng chất lượng, tận tâm với công việc.
Điều này gắn liền với trách nhiệm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Lao động, thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người lao động thông qua việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)