Khi đưa ra ý tưởng và bắt tay triển khai, các thầy cô giáo ở Chi đoàn Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), chọn cái tên “Chiếc tủ nhân ái” để đặt cho mô hình. Vậy mà, học sinh trong trường lại quen gọi là “Chiếc tủ diệu kỳ”. Theo các em, sự diệu kỳ ở đây chính là nhờ chiếc tủ mà nhiều học sinh và phụ huynh đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường nhật.
Như một thói quen, cứ vào đầu, cuối buổi học hoặc trong giờ ra chơi, học sinh Trường TH&THCS Hải Lâm lại tíu tít bên “Chiếc tủ nhân ái”. Không có cảnh chen lấn, xô đẩy, từ lâu, các em học sinh đã thuộc nằm lòng lời nhắn nhủ thầy cô: “Tủ này là của chúng ta. Hãy đến lấy nếu bạn thực sự cần”. Em nào cũng nhớ và nghiêm túc thực hiện những nội quy: “Hãy lịch sự”; “Đến trước lấy trước”; “Bạn cần hãy lấy, còn bạn thừa hãy góp vào đây”. Tại “Chiếc tủ nhân ái” này, nhiều học sinh đã tìm được thứ mà mình và người thân cần. Các em khác cũng có dịp chia sẻ niềm vui với bè bạn.
Nhìn thấy học sinh rạng rỡ nụ cười khi đến với “Chiếc tủ nhân ái”, thầy Hoàng Việt Tiến (sinh năm 1985), Bí thư Chi đoàn Giáo viên Trường TH&THCS Hải Lâm rất mừng. Hình ảnh các em nhỏ làm thầy Tiến nhớ tới mình thời thơ bé. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Phường 2, TP. Đông Hà, cuộc sống gia đình thầy Tiến gặp nhiều khó khăn. Để duy trì việc học cho 4 người con, ba mẹ thầy phải lao động rất vất vả. Thuở bé, hễ ai tặng cho thứ gì đó, dù là đồ đã qua sử dụng, chị em thầy Tiến đều rất mừng. Từ câu chuyện tuổi thơ mình, thầy Tiến dễ đồng cảm, sẻ chia với những học trò nghèo ở vùng rốn lũ Hải Lâm. “Năm 2006, tôi nhận quyết định về công tác tại Trường TH&THCS Hải Lâm. Ấn tượng đầu tiên của tôi là ánh mắt khát khao con chữ của học sinh ở đây. Nhiều em thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn luôn nỗ lực trong học tập”, thầy Tiến kể.
Chính những ánh mắt của học sinh đã thôi thúc thầy Tiến và nhiều giáo viên gắn bó với ngôi trường ở vùng rốn lũ Hải Lăng. Trong 17 năm công tác, thầy Tiến có 9 năm làm tổng phụ trách đội. Là “người bạn lớn của đội viên”, thầy đã cùng đồng nghiệp xây dựng nhiều công trình, phần việc để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Sau này, khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn Giáo viên Trường TH&THCS Hải Lâm, mong muốn góp sức giúp học sinh vượt khó vẫn thường trực trong lòng thầy Tiến. “Hằng ngày đi dạy, tôi và đồng nghiệp rất thương khi thấy nhiều em thiếu sách vở, đồ dùng học tập, quần áo mới và “thèm” những món đồ chơi. Vì thế, tôi cùng các thầy cô khác trong chi đoàn nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình “Chiếc tủ nhân ái” tại trường, bắt đầu từ tháng 9/2023”.
Để hiện thực hóa ý tưởng, ban đầu 5 thầy cô trong Chi đoàn Giáo viên Trường TH&THCS Hải Lâm đã tiên phong góp sức người, sức của. Xúc động trước ý tưởng và việc làm ý nghĩa của các thầy cô trong chi đoàn, nhiều giáo viên khác ở trường cũng chung tay. Thấy chưa đủ, thầy Tiến cùng các giáo viên lại ngược xuôi vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Hễ ai hỗ trợ đồ gì dù là mới hay cũ, các thầy cô cũng hoan hỉ nhận. Nhiều lần, họ phải vượt cả chục cây số để đi lấy đồ. Sau khi đưa về trường, các thầy cô nhanh chóng, cẩn thận phân loại đồ đạc, hàng hóa. Số đồ cũ sẽ được sửa sang, vệ sinh sạch sẽ trước khi xếp gọn gàng vào “Chiếc tủ nhân ái”.
Dồn tất cả tâm huyết để xây dựng “Chiếc tủ nhân ái” nên các giáo viên Trường TH&THCS Hải Lâm rất vui mừng khi mô hình sớm phát huy hiệu quả. Ngoài giờ học, các em nhỏ thường quây quần quanh chiếc tủ để lựa chọn áo quần, đồ dùng. Từ sự tuyên truyền, vận động của thầy cô, em nào cũng ý thức chỉ lấy những thứ mình thực sự cần. Một số em còn xin ý kiến phụ huynh góp áo quần, đồ dùng không sử dụng ở nhà đem đến trường để xây dựng “Chiếc tủ nhân ái”. Em Phạm Thị Bảo Hân, học sinh lớp 5A chia sẻ: “Các bạn trong trường thường gọi chiếc tủ này là “Chiếc tủ diệu kỳ”. Nhờ chiếc tủ mà em và nhiều bạn đã có thêm chiếc áo, chiếc quần mới, dụng cụ học tập... Em rất biết ơn thầy cô vì đã luôn quan tâm, giúp đỡ”.
Để nhân lên niềm vui, thầy cô trong Chi đoàn Giáo viên Trường TH&THCS Hải Lâm còn thống nhất, đi đến quyết định mở rộng đối tượng hưởng lợi từ mô hình. Từ đây, ngoài học sinh, phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn cũng nhận được sự hỗ trợ. Với quyết định này, việc huy động, phân loại đồ dùng của các thầy cô trong chi đoàn nói riêng và tập thể giáo viên nhà trường nói chung vất vả hơn. Biết vậy nhưng không giáo viên nào nề hà. Dạy học ở Hải Lâm, từ lâu, các thầy cô đều biết hoàn cảnh khó khăn của người dân nơi đây. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, ảnh hưởng của thiên tai đến mảnh đất này rất nặng nề. Hầu như năm nào, Hải Lâm cũng là địa phương ngập lụt sớm và mất nhiều thời gian để nước rút nhất. Vì thế, ngoài học sinh, nhiều phụ huynh cũng cần được tiếp sức.
Hôm chúng tôi liên lạc, thầy Tiến cho biết, mới đây chi đoàn đã xây dựng thêm một “Chiếc tủ nhân ái” nữa tại điểm lẻ của trường. Hay tin về “Chiếc tủ kỳ diệu” ở điểm chính, các học sinh tại Điểm trường Tiểu học Mai Đàn cũng mong ngóng, chờ đợi. Vì thế, em nào cũng hạnh phúc khi “Chiếc tủ nhân ái” được các thầy cô xây dựng, bàn giao đúng dịp đầu năm mới 2024. Đây cũng là món quà tết đầy ý nghĩa mà những người ươm mầm xanh đầy tâm huyết mang đến cho học sinh vùng rốn lũ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)