Trong tập sách hồi ức “50 mùa phượng vĩ” nhân 50 năm thành lập Trường THPT Đông Hà (TP Đông Hà, Quảng Trị) bài viết của thầy Nguyễn Văn Minh có tựa đề giản dị: “Trường Cấp 3 Đông Hà trong tôi”. Dưới bài viết cũng chỉ ghi vỏn vẹn “Nguyễn Văn Minh - học sinh khóa 1978-1981”, cho dù giờ đây, cậu học trò của Trường Cấp 3 Đông Hà ngày ấy đã là Giáo sư, Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội - ngôi trường được coi là “cỗ máy cái” của giáo dục Việt Nam.
Nhưng nếu chỉ có thế thì thầy Minh cũng như bao nhiêu Giáo sư, Tiến sĩ khác, như bao nhiêu hiệu trưởng đại học khác. Mà thầy khác thật, bởi những năm gần đây, các bài phát biểu của thầy Minh ở lễ đón tân sinh viên, lễ bế giảng, lễ tiễn sinh viên ra trường luôn được cộng đồng mạng đón nhận, cảm kích khi đem lại cảm hứng cho cộng đồng, nhất là lớp trẻ.
Có một điều khiến tôi rất tâm đắc khi chiêm nghiệm các bài phát biểu của thầy Minh, đấy là luôn ngập tràn lòng yêu thương và bao dung. Phải có một xuất phát điểm, những trải nghiệm ở vùng đất và chiêm cảm ở những môi trường như thế nào để luôn lấp lánh yêu thương và tạo xao động như thế?
Và quả thật, khi biết về tuổi thơ gian khó nơi quê nghèo của thầy, biết tuổi học trò bền chí băng qua vất vả của thầy qua những hồi ức, tôi mới hiểu tất cả những điều ấy đã làm nên một thầy Minh truyền cảm hứng như hôm nay.Hồi ức trong tập sách thầy kể rằng: “Số là đầu năm lớp 10, vì quá khó khăn tôi đã bỏ học hơn 3 tuần. Sau những trăn trở, tôi quyết quay lại học. Vừa không có kiến thức vì bỏ học, vừa thiếu điểm các bài kiểm tra, các tuần tiếp theo tôi được cô gọi lên bảng nhiều lần, có lúc làm được một ít, có lúc đứng như trời trồng trên bảng. Vậy nhưng cô lúc nào cũng nhẹ nhàng chỉ bảo, không hề quở trách. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao thầy cô không đuổi học tôi. Hay chăng, yêu thương và cảm hóa có khi có sức mạnh diệu kỳ hơn vạn lần những kỷ luật khắt khe nhất? Hay chăng, những lúc khó khăn người ta càng thương yêu nhau nhiều hơn...”.
Tôi tin những ấn tượng yêu thương bao dung mà thầy đã nhận từ ngôi trường, thầy cô, bè bạn đã hình thành nên những đúc kết xác đáng để trao truyền lại cho học trò của mình. Trong phát biểu mới đây tiễn các sinh viên Khóa 69, Trường ĐHSP Hà Nội ra trường (6/2023) thầy nói: “Niềm tin không đến từ những lời hoa mỹ, phô trương, không đến từ sách vở đơn thuần. Niềm tin phải được bắt đầu từ cách ứng xử và việc làm. Sức mạnh của giáo dục là cảm hóa và phải bắt đầu từ cảm hóa chứ không phải bắt đầu bằng trừng phạt, hành hình. Cảm hóa bắt đầu bằng tình yêu thương và tha thứ; bằng những thấu hiểu để chạm đến con tim, để khơi lên gốc sâu của lòng trắc ẩn”.
Hay mới hơn 10 ngày trước tại lễ khai giảng đón sinh viên Khóa 72, thầy Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở giữa những biến động của thời cuộc, giữa những giá trị có lúc bị xê dịch nên những ai không đủ can đảm và bản lĩnh thì rất khó thực hiện tốt trọng trách cao quý của mình. Nếu mục đích tối thượng chỉ là tiền bạc, nghề dạy học sẽ không thỏa mãn cho bạn, nên tìm việc khác phù hợp hơn. Nếu chỉ vì điều đó mà đánh mất lòng tự trọng thì không nên chọn làm nhà giáo. Hãy đủ tỉnh táo để có quan niệm về ý nghĩa của cuộc đời và công việc một cách dung hòa”.
Thầy Minh nói ra được những điều đó bởi những điều đó đã được bảo chứng bằng những gì thầy đã đón nhận từ thuở học trò, nhất là 3 năm học ở Trường Cấp 3 Đông Hà đầy thương mến. “Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi tại sao thầy cô không đuổi học tôi”. Chỉ một câu nói ấy thôi nhưng nó như chiếc chìa khóa để giải mã tất cả những thông điệp mà thầy nung nấu, chiêm nghiệm và truyền đạt cho học trò.
Nếu ngày ấy, cậu học trò bỏ học gần một tháng ấy không có cơ hội học tiếp, bây giờ câu chuyện có thể sẽ khác đi rất nhiều. Nhưng may thay, yêu thương và bao dung ngày đó giờ đây mãi mãi trong tâm khảm người thầy. “Trường Cấp 3 Đông Hà như là máu thịt đời người, là những năm tháng không thể nào quên. Nơi đó đã trao gửi cho tôi tình yêu thương, nghĩa tình, lòng bao dung tha thứ, ý chí, sự tôn trọng, biết ơn cuộc đời - nơi định hình cho tôi nhân cách con người.
Những giá trị đó thấm sâu vào trong tôi không phải bằng những lời hoa mỹ, bằng những khái niệm xa xôi mà dung dị, gần gũi và thầm lặng từ những lời dạy bảo, cử chỉ ân cần, chan chứa tình yêu thương của thầy cô nơi đây; từ sự chan hòa, sẻ chia của những người bạn, người anh, người em lớn lên giữa mảnh đất đầy gian khó mà ân tình Quảng Trị.
Tất cả đó là báu vật của cuộc đời tôi. Dù đã rời xa mái trường rất nhiều năm, đi qua rất nhiều vùng đất khác nhau nhưng mãi trong tôi còn nguyên vẹn một thời đầy ắp yêu thương của một mái trường...”. Và một lần nữa, những giá trị ấy, yêu thương ấy, bền chí ấy được thầy trao lại cho thế hệ đàn em trong ngôi trường ngày xưa như một “giá trị Quảng Trị”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)