Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

Lê An |

Hiện nay thời tiết đang bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở mức cao. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đang được các địa phương, đơn vị chủ động triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ.

Huyện Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích rừng trồng khá lớn với trên 17.600 ha, chủ yếu là các loài cây như thông, keo. Đây là những loài cây rất dễ cháy vào mùa khô, mức độ lây lan nhanh, khó dập tắt. Nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng hiệu quả, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các xã, các chủ rừng tăng cường kiểm tra, giám sát khai thác rừng trồng, xử lý thực bì; xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng; phương án PCCCR. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên theo dõi và thông tin cấp dự báo cháy rừng đến từng địa phương, chủ rừng.

Lực lượng chức năng tổ chức trực phòng, chống cháy rừng vào thời gian cao điểm mùa nắng nóng - Ảnh: L.A
Lực lượng chức năng tổ chức trực phòng, chống cháy rừng vào thời gian cao điểm mùa nắng nóng - Ảnh: L.A

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải thông tin, năm 2021, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ cháy rừng gây thiệt hại 13,97 ha rừng trồng với giá trị khoảng 283 triệu đồng. Ngoài ra, tình trạng người dân đốt xử lý thực bì không tuân thủ các quy định về PCCCR vẫn còn xảy ra.

Trước dự báo năm 2022 thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt diễn ra trên diện rộng gây nguy cơ cháy rừng cao, ngay từ đầu mùa khô, UBND huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCR; thường xuyên theo dõi cấp dự báo cháy rừng do Hạt Kiểm lâm huyện thông tin để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy; quản lý chặt chẽ các đối tượng, phương tiện ra vào rừng trong mùa cao điểm nắng nóng; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đốt thực bì sau khai thác rừng trồng vào các thời gian cao điểm nắng nóng (cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV trở lên).

Chỉ đạo lực lượng công an xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm của chủ rừng để xảy ra cháy rừng nếu không thực hiện các biện pháp PCCCR.

Yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn bám sát, theo dõi các vùng trọng điểm về cháy rừng; tổ chức lực lượng trực vào thời gian cao điểm nắng nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin về cháy rừng; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

Tại huyện Đakrông, trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, trong tổng số 79.500 ha diện tích đất có rừng toàn huyện có tới hơn 63.330 ha rừng tự nhiên, chiếm gần 50% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh. Với đặc thù có đông đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, tập quán canh tác của người dân chưa được đổi mới, phần lớn vẫn duy trì hình thức quảng canh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao, nhất là trong mùa khô.

Do vậy, ngay từ đầu năm, huyện Đakrông đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với kiểm lâm địa bàn, bộ đội biên phòng, chủ rừng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp đến từng thôn, bản, người dân; vận động, khuyến khích người dân, các tổ chức đoàn thể tham gia bảo vệ rừng, chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn về sản xuất nương rẫy, PCCCR; rà soát, bổ sung phương án PCCCR; bố trí lực lượng, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy rừng.

Quản lý chặt chẽ và hạn chế tối đa lượng người, phương tiện không có trách nhiệm vào rừng; yêu cầu các chủ rừng tạm dừng việc khai thác rừng, nghiêm cấm việc đốt xử lý thực bì, đốt rẫy trong những ngày cao điểm nắng nóng, dự báo cháy rừng cấp IV, V. Yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện huy động lực lượng, phương tiện để tham gia các tổ chốt chặn, tuần tra bảo vệ rừng, chữa cháy rừng. Tổ chức trực PCCCR 24/24 giờ để cảnh báo, thông tin cấp dự báo cháy rừng và nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin về điểm lửa, cháy rừng ở các xã, thị trấn. Rà soát, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện chuẩn bị sẵn sàng cho công tác PCCCR trong mùa khô.

“Đến nay các địa phương đã kiện toàn 13 ban chỉ huy bảo vệ rừng, PCCCR của xã; kiện toàn 84 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với 836 lượt người tham gia. Nhờ vậy, từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra”, ông Lợi thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, toàn tỉnh hiện có hơn 285.870 ha rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 126.620 ha, rừng trồng khoảng 119.370 ha. Năm 2021, toàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy rừng trồng sản xuất với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 27,76 ha.

Ngoài ra còn có 26 điểm cháy thực bì dưới tán rừng được dập tắt kịp thời không gây thiệt hại về rừng. Nhằm chủ động trong công tác PCCCR, ngay từ đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiến hành rà soát, xác định các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng với tổng diện tích 47.260 ha, tập trung chủ yếu là các diện tích rừng trồng (keo, thông…) và cập nhật lên bản đồ; đồng thời xây dựng phương án chữa cháy bằng phương tiện cơ giới.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCCR cho cộng đồng dân cư; tổ chức ký cam kết an toàn lửa rừng, thực hiện các quy định về PCCCR. Quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng, phương tiện ra vào rừng mùa cao điểm nắng nóng và việc sử dụng lửa trong, gần rừng. Hướng dẫn chủ rừng thực hiện phương pháp xử lý thực bì phù hợp ở các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình PCCCR.

Tăng cường cán bộ kiểm lâm địa bàn tại các vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng; tổ chức trực 24/24 giờ vào thời gian cao điểm nắng nóng để có kịp thời tiếp nhận và xử lý thông tin về cháy rừng. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thông báo cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh với thời lượng 3 ngày/lần; đồng thời cập nhật lên Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC tỉnh Quảng Trị) để các địa phương kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy để sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

“Đối với các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo rà soát phương án PCCCR, tổ chức trực phòng cháy và tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng cháy phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Tăng cường tuần tra rừng, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao”, bà Phương cho biết thêm.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng ở huyện Đakrông

Lê An |

Ngày 9/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đi kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng tại huyện Đakrông.

Kiểm lâm Quảng Trị lập khống hồ sơ bảo vệ, chữa cháy rừng

Hưng Thơ |

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị đã lập khống nhiều chứng từ thanh toán trong việc diễn tập, mở các lớp phòng cháy chữa cháy, tập huấn bảo vệ rừng…

Bắc và Trung Bộ cùng đón nắng nóng, đề phòng nguy cơ cháy rừng

Lý Thanh Hương |

Từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C, còn tại Bắc Bộ cũng có nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ C.

Thảm họa cháy rừng nghiêm trọng tại Pháp kéo dài sang ngày thứ 4

Lan Phương |

Do nắng nóng và gió lớn, thảm họa cháy rừng nghiêm trọng nhất trong mùa Hè năm nay của Pháp vẫn chưa thể khống chế, bất chấp hơn 1.200 nhân viên cứu hỏa đã được triển khai.