Năm 2019 dân số toàn tỉnh Quảng Trị có 632.375.000 người; trong đó người từ 60 tuổi trở lên có 87.305.000 người, chiếm 13,8% dân số. Tốc độ già hóa dân số Quảng Trị tăng nhanh hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Người cao tuổi của tỉnh sống chủ yếu ở vùng nông thôn, nhiều người không có lương hưu và đại bộ phận sống cùng với con cháu, không có tích lũy vật chất, rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế-xã hội khó khăn.
Trong khi đó, nhận thức đúng tầm quan trọng về tự chăm sóc thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2025, các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư ngân sách cho công tác chăm sóc người cao tuổi. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường xã hội đồng thuận thực hiện tốt phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Qua thực hiện đề án, có trên 80% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tăng từ 15% năm 2017 lên trên 35% vào năm 2020. Trên 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; trên 85% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống làm công tác y tế- dân số ở cơ sở đã xây dựng mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình. Đến nay, có 18 xã, phường, thị trấn trong tỉnh duy trì, nhân rộng mô hình “Tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”; đã thành lập được 36 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi, với hơn 2.500 người cao tuổi tham gia hoạt động câu lạc bộ.
Các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và lồng ghép khám sức khỏe cho người cao tuổi; giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao..., tạo sân chơi bổ ích cho người cao tuổi.
Hiện nay, thách thức quá trình già hóa dân số ở tỉnh Quảng Trị là tuổi thọ trung bình thấp, chỉ đạt 68,3 tuổi (nam 65,4 tuổi; nữ 71,4 tuổi). Cùng với đó, mô hình bệnh tật người cao tuổi tăng nhanh, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế cao, tạo áp lực chăm sóc y tế cho các cơ sở y tế và người thân gia đình. Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, tạo môi trường sống thân thiện thích ứng với già hóa dân số, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 45/2020/NQ-HĐND về chính sách dân số và phát triển giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu phấn đấu số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi ít nhất 20% vào năm 2025 và 50% năm 2030; đến năm 2025 có 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo có nhu cầu hỗ trợ được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, vay vốn phát triển sản xuất. Xây dựng bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với người cao tuổi; xây dựng, triển khai mô hình dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, internet,...).
Thích ứng với già hóa dân số nhanh hiện nay là vấn đề đòi hỏi các giải pháp mang tính toàn diện hướng đến tất cả các nhóm dân số để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa, chứ không chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề của nhóm người cao tuổi. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi; thực hiện chăm sóc người cao tuổi, xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi thích ứng già hóa dân số lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội. Quan tâm hỗ trợ nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Với những giải pháp đồng bộ thích ứng già hóa dân số, chuyển hướng trọng tâm từ giúp đỡ người cao tuổi sang xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, vì cuộc sống hạnh phúc tuổi già của mỗi người trong tương lai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)