Chung tay vì một Việt Nam xanh

Bảo Bình |

Mục tiêu của Đề án “Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hành trình trồng cây để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi hệ sinh thái, tăng cường màu xanh cho mỗi góc phố, con đường hay chính mỗi gia đình. Không dừng lại ở đó, chương trình này còn có ý nghĩa tạo dựng một quá trình thay đổi nhận thức của mọi người đối với việc trồng rừng, ứng xử với thiên nhiên.

Đảm bảo tỉ lệ cây sống đạt từ 75% trở lên

Để cụ thể hóa Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỉ cây xanh phân tán giai đoạn 2021 - 2025”, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 và thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Vì một Việt Nam xanh”, tháng 9/2021, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị’”.

Mục tiêu của kế hoạch đề ra là đến hết năm 2025, cả tỉnh trồng được trên 15 triệu cây xanh, trong đó trồng 10,7 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn và 4,3 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất. Chương trình nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh.

Lễ trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh” tổ chức tại huyện Cam Lộ hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh - Ảnh: T.T
Lễ trồng cây “Hành động vì một Việt Nam xanh” tổ chức tại huyện Cam Lộ hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh - Ảnh: T.T
Việc tổ chức trồng rừng, trồng cây phân tán phải đúng thời vụ, lựa chọn loài cây trồng phải phù hợp với điều kiện lập địa, thổ nhưỡng, phù hợp với quy định, tiêu chuẩn cây trồng. Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải được quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây trồng đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân; đảm bảo tỉ lệ cây sống đạt từ 75% trở lên.

Nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân, tổ chức, đoàn thể cùng tham gia chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, kế hoạch đặt ra mục tiêu huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai trồng và bảo vệ cây xanh.

Trong đó tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế...

Pun coffee tự ươm cây giống để trồng làm cây che bóng vườn cà phê, góp phần vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa bảo vệ môi trường - Ảnh: B. B
Pun coffee tự ươm cây giống để trồng làm cây che bóng vườn cà phê, góp phần vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa bảo vệ môi trường - Ảnh: B. B
Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, trồng cây xanh. Kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư công của Nhà nước như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và chương trình phát triển KT-XH khác...

Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống, kế hoạch của UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, học sinh, sinh viên, quần chúng, các hộ gia đình tham gia thực hiện chương trình.

Góp một cây là góp rừng

Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Cam Lộ kết nối với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức trồng 3 ha với khoảng 18.000 cây quế tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ.

Đồng thời, huyện Cam Lộ và Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường đã tiến hành ký kết chương trình “Chiến dịch trồng cây xanh - Phục hồi hệ sinh thái” giai đoạn 5 năm 2022-2027, trong đó tập trung trồng 5,6 triệu cây quế và 4.100 cây bóng mát trên địa bàn huyện Cam Lộ. Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn cho biết: thời gian qua, huyện đã triển khai trồng được trên 1.500 ha rừng trồng sản xuất, trong đó có gần 300 ha rừng trồng gỗ lớn và trên 15 vạn cây phân tán. Vì thế, chương trình chiến dịch trồng cây lần này là tín hiệu rất vui để địa phương tiếp tục góp phần vào việc bảo tồn hệ sinh thái, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Ở huyện Cam Lộ, cây quế có nhiều công dụng, là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm. Nhận thấy hiệu quả của loại cây này, huyện đã linh hoạt, nắm bắt các cơ hội, nguồn hỗ trợ từ bên ngoài và vận động bà con tham gia chương trình trồng quế hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Huyện đã trồng thử nghiệm được 36 ha quế.

Năm 2022, huyện tiến hành trồng mới 150 ha, đến năm 2025 dự kiến sẽ trồng từ 700 - 1.200 ha, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trồng 12.000 ha quế. Qua đó, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đảm bảo môi trường, nâng cao độ che phủ rừng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ việc phát triển trồng rừng, đồng thời hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân.

Với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Đề án 524 về trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 và phát động thực hiện trong cả nước. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả nước trồng được 690 triệu cây phân tán và 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Đề án khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Với cách làm đặc biệt, từ tháng 6/2022, Công ty TNHH Pun Coffee, ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, đã triển khai dự án 1 triệu cây xanh chủ đạo tập trung che bóng vườn cà phê. Lý do việc chọn lựa cây sưa làm cây chủ đạo dự án 1 triệu cây xanh của Pun Coffee xuất phát từ bản chất của cây sưa và giá trị tiềm năng kinh tế mà loài cây này mang lại.

Cách làm của công ty là trích lợi nhuận để xây dựng vườn ươm cây giống hỗ trợ trồng rừng và “mang” rừng về vườn làm kinh tế theo mô hình nông lâm kết hợp. Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee Lương Ngọc Trâm chia sẻ: “Dự án 1 triệu cây xanh là “Hành trình mang rừng về vườn”, chúng tôi không chỉ là đơn vị sản xuất kinh doanh cà phê mà còn quyết tâm thực hiện giấc mơ phủ xanh vùng đất trống, đồi trọc bằng những cánh rừng xanh ngát”.

Kiểm tra chất lượng cây giống để chuẩn bị tốt cho việc trồng rừng - Ảnh: B.B
Kiểm tra chất lượng cây giống để chuẩn bị tốt cho việc trồng rừng - Ảnh: B.B
Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, nhất là từ các nguồn lực xã hội hóa, việc triển khai thực hiện Đề án “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ngoài các chương trình ý nghĩa với quy mô lớn được triển khai trên địa bàn huyện Cam Lộ, nhiều đơn vị, địa phương cũng đã hưởng ứng đề án trồng 1 tỉ cây xanh.

Tiêu biểu như Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (Dự án FMCR) đã triển khai hoạt động trồng cây phân tán tại 27 xã vùng dự án tại các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và Cồn Cỏ với số lượng 83.310 cây xanh bóng mát các loại.

Trong dịp lễ phát động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần năm 2022, đã có 252.910 cây xanh được trồng mới, trong đó một số đơn vị đã tích cực tham gia hoạt động trồng cây xanh với số lượng lớn như ngành Giáo dục - Đào tạo trồng khoảng 100.000 cây; Tỉnh đoàn Quảng Trị trồng hơn 4.000 cây xanh các loại; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trồng 1.500 cây....

Trong năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, bão lũ... nhưng toàn tỉnh đã triển khai trồng được trên 12.000 ha rừng trồng và trên 3 triệu cây phân tán. Ngành lâm nghiệp cũng đã sản xuất trên 27 triệu cây giống các loại đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung.

Theo kế hoạch, năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT phân bổ đợt 4 chương trình 1 tỉ cây xanh với 34.730 cây lâm nghiệp các loại cho 24 cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh. Để thực hiện hiệu quả chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, tỉnh chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh. Đồng thời huy động cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân cùng thực hiện, đưa việc trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Ông Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc nhận 2,6 tỷ đồng trong vụ trồng cây xanh

Thanh Mai |

C03 cũng đề nghị truy tố 14 người khác cùng với ông Nguyễn Đức Chung trong vụ án này.

Trồng cây Bồ Đề có tuổi thọ cao nhất thế giới tại chùa Bái Đính

PV |

Ngày 25/3, tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ đón nhánh cây Bồ đề từ Sri Lanka về trồng tại chùa.

Hiệu quả từ việc trồng cây đót của người dân vùng cao

Nam Phương |

Nhận thấy những giá trị kinh tế mà cây đót mang lại, nên thay vì phải vất vả lên rừng lấy đót mang về bán cho các thương lái như trước đây, một số người dân tại xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây đót. Việc đưa một loại cây rừng, vốn chỉ mọc trong tự nhiên trở thành một loại cây trồng lâu năm được xem là hướng đi mới, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi miền Tây Quảng Trị.

Kỳ vọng từ trồng cây trẩu lấy dầu

Lê An |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp đang mở ra hy vọng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.